Cửa đàn chiên – Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm A

CỬA ĐÀN CHIÊN

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – NĂM A

(Ga 10, 1 -10)

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Phải hiểu thế nào công thức nhập đề long trọng ở câu 1. Đoạn văn này là một dụ ngôn hay ám dụ?

2. Hình ảnh người chăn chiên và đàn chiên có thường gặp trong Thánh Kinh không?

3. Phải lồng hình ảnh này vào trong khung cảnh đời sống xứ  Palestine như thế nào?

4. Chúa Giêsu là mục tử trong nghĩa nào?

5. Chúa Giêsu là cửa (cửa chiên) theo nghĩa nào?

CHÚ GIẢI

1. Trong Tin Mừng Gioan, công thức nhập đề long trọng “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi” (c.1) luôn luôn thêm vào những gì đi trước một lý chứng mới và mạnh hơn, nhưng không đưa vào một đề tài mới. Vì thế ám dụ tiếp theo được nối kết với câu chuyện người mù. Thật vậy, việc người mù bị trục xuất khỏi Israel giả và sự kiện Chúa Giêsu đón nhận lại anh, là những dữ kiện mà ám dụ sắp đào sâu ý nghĩa: “Chính để phán xét” (9, 39): lời này là câu tóm kết của ám dụ.

Chúng ta nói: ám dụ. Gioan gọi là paroimia: so sánh hãy dụ ngôn. Thật ra cả hai cũng chỉ nhấn mạnh tới ý nghĩa ẩn tàng. Trong ám dụ, các yếu tố khác nhau phải được chuyển qua một bình diện ý tưởng khác và chính ám dụ gợi ra sự chuyển dịch này. Hơn nữa lời nhập đề không cho phép ta dừng lại ở nghĩa đen. Người ta không bắt đầu một trình thuật hoặc một bài mô tả bằng câu: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi …”. Việc chuyển dịch, ta thấy có ngay trước mắt: ràn chiên ám chỉ dân Chúa; các kẻ chăn chiên thật và giả là Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo dân chúng; chiên là những tín hữu lắng nghe tiếng nói của người chăn: Thành ra mục đích của ám dụ là đánh dấu sự phân biệt giữa đàn chiên thật và đàn chiên giả. Có nhiều điểm tương đồng với ám dụ cây nho thật (15,1- 8).

2. Để nói về vai trò tôn giáo của Người nơi dân Do thái, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người mục tử, mà Thánh kinh năng dùng vì nó giúp liên tưởng dễ dàng đến đám dân du mục này. Đàn chiên thường là tài nguyên độc hữu của, dân du mục; thật thế những gì là cần thiết về thức ăn (bơ, qua, thịt), áo mặc (len), họ đều lấy từ đó. nhưng nếu đàn vật đã quý giá trên lưỡng diện lợi ích, thì càng quý hơn trên bình điện tình cảm. Sống mãi với đàn chiên, người mục tử dần dà biết từng con một và yêu thương chúng; anh ta xem các con vật này như bạn đường của mình, và nâng chúng lên hàng thân thuộc một cách nào đó, theo như bài dụ ngôn tuyệt vời của ngôn sứ Nathan kể cho Đavít (2 Sm 12, 1- 4).

Chính vì những lý do ấy mà người chăn chiên luôn luôn lo lắng cho đàn chiên: anh ta theo sát từng con, đem đến đồng cỏ xanh tươi nhất, ở đâu cũng lo cho chúng khỏe mạnh và an toàn; chiều tối, anh dẫn về chuồng chung và giao cho người canh giữ ban đêm đứng gác trước cửa.

Người Do thái đã sớm nhìn thấy trong những thực tại quen thuộc đó một biểu tượng hùng hồn cho những thực tại tôn giáo; hình ảnh mục tử mô tả đúng Giavê trong vai trò và tình cảm của Ngài đối với Israel, cũng như hình ảnh đàn chiên nói lên những gì Israel tiêu biểu đối với Thiên Chúa, là đối tượng chủ yếu của lòng Ngài mến yêu và quan tâm lo lắng, là kho tàng quý giá nhất của Ngài ở trên trần gian (Ed 34, 11- 16).

Rồi từ Giavê, hình ảnh mục tử được áp dụng cho những kẻ Ngài ủy nhiệm việc hiện thân cách hữu hình, bên cạnh Israel, cái vai trò Mục tử tối cao vô hình của Ngài: Môisen, Đavít, các vua, các thủ lãnh chính trị cũng như các tư tế, tất cả đều là mục tử phụ tá do ủy nhiệm thần linh, là người thay mặt của Mục tử vô hình, có nhiệm vụ trung thành diễn tả vai trò và tâm tình của Ngài đối với Israel. Các mục tử xấu, tức những kẻ thay vì lo nuôi dưỡng đàn chiên Chúa, lại lợi dụng để nuôi chính mình, thì Mục tử tối cao sẽ không quên trừng trị (Ed 34, 1- 10) Ngài sẽ dành quyền chăn dắt đàn chiên cho một Mục tử biết mặc ấy hoàn toàn vai trò và tâm tình của Ngài (Ed 34,23- 31). Đó Chính là hậu cảnh của bài trần thuyết hôm nay, trong đó Chúa Giêsu, vị Mục tử được Thiên Chúa ủy nhiệm và nhiệt thành cho đến chết, tự giới thiệu mình đối nghịch với nhóm biệt phái là những kẻ thiếu nhiệt thành cũng như ủy nhiệm.

Ngoài chương 34 tuyệt vời của ngôn sứ Êdêkien nói trên, ta cũng hãy nhắc lại một vài bản văn Cựu ước đã dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên: Is 40, 10-11 ; Gr 23, 1- 4 ; Tv 23 v.v… Thành thử không lạ gì trong Tân ước, hình ảnh này được lấy lại cách chi tiết hoặc chỉ thoáng qua thôi, như dụ ngôn con chiên lạc (Mt 18,12-14; Lc 15,4-7) ; câu nói (logion) về đàn chiên nhỏ bé (Lc 12, 32), chiên và dê (Mt 25, 31- 46), các ngôn sứ giả tự xem mình là mục tử (Mt 7, 15), đàn chiên mà chủ chăn bị người ta đánh để phận tán chiên (Mc 14,27, Ml 20, 31 ; x. Ga 16, 32), chiên lạc nhà Israel (Mt 10, 6 ; 15, 24 v.v…)  (Cv 20, 28 ; Ep 4, 11 ; 1 Pl 2, 25 ; 5, 2- 4 ; Dt 13, 20 ; Kh 12, 5 ; 19, 15).

3. Ám dụ mô tả một mảnh đời sống thường nhật tại Palestine. Chuồng chiên là thành phần không thể thiếu của thắng cảnh xứ đó. Đấy là một hàng rào hình chữ nhật hoặc hình vuông, dùng để nhốt chiên thuộc nhiều đàn khác nhau vào ngủ ban đêm. Ban đêm, chiên được một người canh giữ. Sáng lại, các mục tử (hoặc người chăn thuê) đến tìm chiên. Người canh mở cửa cho kẻ chăn với tiếng kêu đặc biệt, anh ta gọi chiên của mình. Và đàn vật đi ra từng con, qua một cánh cửa hẹp, trong lúc người chăn lấy gậy đếm chúng. Khi chiên đã ra khỏi chuồng, người mục tử đi trước và dẫn chúng đến đồng cỏ. Cũng có trường hợp một mục tử dẫn chiên thuộc nhiều chuồng khác nhau (10, 16).

Phân biệt người chăn với kẻ trộm không khó gì. Người chăn vào chuồng bằng cửa chính còn kẻ trộm nhảy qua hàng rào. Nhưng bây giờ cửa chỉ là chuyện phụ thuộc. Người canh gác không phải là kẻ duy nhất biết phân biệt mục tử với tên trộm, chính đàn chiên cũng biết ám dụ nhấn mạnh điểm này. Phản ứng của bầy chiên cũng giống như phản ứng của anh mù bẩm sinh. Lắng nghe Chúa Giêsu mặc cho nhóm Biệt phái phản đối, con người công chính trên đã phân biệt được mục tử với bọn trộm cắp.

Dĩ nhiên người Do thái chả hiểu tí gì những lời của Chúa Giêsu. Họ không phải là chiên trong đàn chiên Giavê (9,40).

4. Là Mục tử chân thật, trước tiên Chúa Giêsu xác định rõ cái gì phân biệt Người với các mục tử giả hiệu. Nếu có ai ban đêm xâm nhập chuồng chiên mà không đi qua người canh gác đứng ở cửa vào thì đó là kẻ trộm. Theo toàn thể văn mạch, Chúa Giêsu nhắm các người Biệt phái và Ký lục là những kẻ từ lâu đã tự đặt mình làm thủ lãnh và linh hướng của dân chúng mà không qua Vị Canh giữ tối cao, không lãnh nhận từ Thiên Chúa một ủy nhiệm nào để thi hành sứ mệnh đó cả; như bọn trộm cướp, họ đã chiếm đoạt đám tín hữu vì háo danh và óc thống trị hơn là vì quan tâm đến thiện ích thiêng liêng của tín hữu (cc. 8. 10).

Sau đó, Chúa Giêsu mô tả thái độ quen thuộc của người mục tử chính hiệu (cc. 2- 6) ; dùng con đường thông thường, ông ta được người giữ cổng dẫn vào chuồng chiên; được chiên của mình nhận biết và lắng nghe – chúng chạy trốn mọi kẻ chăn khác ông gọi chúng bằng một tiếng kêu đặc biệt và dẫn chúng đi tới đồng cỏ. Qua bức tranh đơn giản ấy, Chúa Giêsu muốn mô tả thái độ riêng của Người; để chứng tỏ rằng Người hội đủ mọi điều kiện cần thiết cho Mục tử chính hiệu của Israel.

Để đến với Đàn chiên Thiên Chúa, Người đã mượn con đường thông thường, vì Người chỉ tới theo mệnh lênh và ủy nhiệm thần linh mà Người đã nhận từ Cha khi chịu phép rửa (1, 31- 34). Đóng vai trò gác cửa do ủy nhiệm thần linh, Gio-an Tẩy giả đã mở cửa cho người và đã giới thiệu Người với dân chúng, đặc biệt với môn đồ của ông (1, 23- 31). Nicôđêmô và nhiều kẻ khác cũng công nhận vị Tôn sư có một sứ mệnh chính thức lãnh từ Thiên Chúa (3, 2).

Như các môn đồ (1, 35- 49) và anh mù bẩm sinh cho thấy chỉ có chiên, là những tín hữu thật, với biết ngoan ngoãn nghe tiếng Người: vì “phàm ai nghe và học nơi Cha, thì (chỉ có kẻ ấy) đến với Chúa Giêsu” bằng đức tin (6, 45 ; 8, 47). Chiên Người vị Mục tử gọi bằng tên của chúng, nói với chúng như với Philipphê: “Hãy theo Ta” (1, 43). Qua tiếng gọi đặc biệt đó, Người kéo họ ra khỏi thế gian (15, 19) và khỏi Do thái giáo, rồi tiên phong dẫn họ tới đồng cỏ (Giáo hội) và tới Chúa Cha. Đặt trọn niềm tin tưởng vào Người, các con chiên “theo Người”, làm môn đồ Người, vì họ biết tiếng Người: đức tin cho họ một thứ khứu giác thiêng liêng, một cảm thức gần như bản năng về những thực tại thần linh, nhờ đó họ phân biệt trong tiếng nói Chúa Giêsu một âm vang trung thực của tiếng nói Cha trên trời và biết rằng qua miệng của Người, chính Cha đang nói (14,10) ; đó là điều khiến họ không làm môn đồ cho một kẻ chăn chiên xa lạ, chẳng hề được Thiên Chúa ủy nhiệm: vì không nhận ra nơi giọng nói kẻ này âm vang của Lời Thiên Chúa, nên họ chạy trốn tên xâm nhập đó, kẻ đến để sát hại, trộm cắp và tiêu diệt đàn chiên (c. 10).

Những người Biệt phái mà dụ ngôn này nhắm tới chả bắt được bài học Chúa Giêsu dạy họ: bởi vì chiên lạ không nghe tiếng của mục tử chính danh: “Các ngươi không tin vì các ngươi không thuộc đàn chiên của Ta” (10, 26).

5. Để bổ túc hình ảnh trước, Chúa Giêsu dùng những kiểu nói rất mạnh chỉ rõ cái làm cho người khác biệt hơn cả với nhóm Biệt phái trong sứ vụ của Người nơi dân Israel. “Ta là cửa đàn chiên”. Thiên Chúa đã lùa chiên Ngài vào chuồng chiên chật hẹp của Israel, đặt dưới sự che chở của hàng rào Lề luật trong lúc chờ đợi vị chủ chăn sẽ một ngày kia đem chúng vào những đồng cỏ mênh mông của Giáo hội. Ám chỉ đến lời sấm của Mica (2,13), Chúa Giêsu tuyên bố Người là cửa, là cái phương thế Thiên Chúa thiết định để từ chuồng chiên chật hẹp trên, người ta đi vào nước Chúa bao la to rộng. Chỉ có Người mới đưa tín hữu vào mảnh đất sống rộng lớn ấy, bằng cách cho họ tái sinh bởi nước và Thần khí (3,3-6), hầu họ được cứu rỗi và ma quỷ, họ vui hưởng tự do đích thực của con cái trong  nhà Cha (8, 34- 44). Cũng trong Người, họ tìm được thức-ăn no thoả là bánh và nước hằng sống, có sức dập tắt vĩnh viễn cơn đói khát thiêng liêng của con người (6, 35 ; 4, 14).

Mọi công cuộc của Người, đặc biệt nhất là việc ban “bánh sẽ lưu lại trong mỗi người như nguồn sống vĩnh cửu” (6, 27) và việc ban “Thần khí vọt đến sự sống đời đời” (4,14), chứng nhận rằng Chúa Giêsu không có ưu tư nào khác ngoài việc làm cho chiên của Người được sống sự sống thần linh, với một cường độ không ngừng tăng triển, đối lại với những hạng chăn chiên giả chỉ tìm cách sát hại chiên theo sự xúi giục của Satan, tên giết người.

Các ký lục và luật sĩ đã đến trước Chúa Giêsu. Họ là những tay đạo chích: dù không dược Thiên Chúa ủy nhiệm, họ vẫn tự ý đặt mình cai trị dân vì ưa tìm vinh quang và quyền lực hơn là ưu tư thiện ích cho tín hữu. “Trong mọi việc, họ hành động để được người ta để ý … ; họ sinh cỗ nhất trong bữa tiệc, chỗ lớn nơi hội đường, ưa được bái chào ngoài đường phố …, khoái được thiên hạ xưng hô là “Rabbi” … Họ bó những “gánh nặng đặt trên vai người khác, còn chính họ lại không muốn lấy ngón tay đụng vào” (Mt 23,4-7). Họ còn là bọn cướp đến sát hại và hủy diệt, như lời Chúa Giêsu tuyên bố với họ trong những câu mạt sát của Người: “Khốn cho các ngươi, Ký lục và biệt phái giảhình, vì các ngươi khóa nước Trời chặn người ta lại ! các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, các ngươi rảo khắp biển cả đất liền để chinh phục dẫu một người tòng giáo, song khi nó đã tòng giáo, thì các ngươi lại biến nó thành con cái hỏa ngục gấp đôi các ngươi ! … ” (Mt 23, 13- 15). 

May thay, các chiên thật đã chẳng nghe theo lũ chăn chiên giả này, vì không nhận ra trong tiếng của họ Lời Mục tử tối cao.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Kẻ nào ngang qua cửa mà vào, kẻ đó mới là người chăn chiên”. Câu này phải dịch vậy vì bản văn Hy lạp không có mạo từ trước chữ. “Người chăn chiên”, nhưng đúng hơn nên dịch: ” là một người chăn chiên “: vì như thế mới thích hợp với hoàn cảnh thực tế của xứ Palestine, bởi có nhiều người chăn cùng nhốt chiên của mình trong cùng một chuồng.

“Kẻ ấy gọi tên từng con”. Bản văn Hy lạp viết: katonoma, mà có lẽ đôi khi người ta dịch quá sát chữ là “từng con bằng tên của nó”. Thực ra, ngay cả thời bây giờ, mục tử xứ Palestine chỉ đặt tên cho những con chiên chính của đàn. Cha Jaussen có kể ra nhiều thí dụ điển hình trong cuốn Naplouse, tr. 305. Thành thử ở đây nói rằng mỗi con chiên có một tên riêng thì hơi quá đáng. Một vài tác giả ưa dịch “Kat onomat” là từng con một” (BJ) hoặc là “riêng từng con” (Jouon). Dù chọn cách giải thích nào đi nữa, thì ý tưởng chính vẫn là Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến chiều kích cá vị trong mối tương quan giữa Người với các môn đồ, ngược lại với kẻ mị dân chỉ đối xử với người ta như những đám đông không tên tuổi.

“Bao nhiêu kẻ đã đến, thảy đều là trộm là cướp”: Đây không có ý nói về các ngôn sứ của Cựu ước, nhưng là về những người, trong xã hội Do thái cũng như trong thế giới lương dân, thường tự hào là kẻ mang lại cho con người sự hiểu biết về các thực tại thần linh và ơn cứu độ bằng các phương thế riêng của họ.

KẾT LUẬN

Giữa lòng Israel cũng như giữa lòng Giáo Hội, có hai hạng người: những kẻ thực sự thuộc về đấng chăn chiên, biết đáp lại tiếng gọi của một mình Người, và những kẻ không hề lại vì họ chẳng bao giờ thuộc về Đấng ấy.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Thánh Gioan kể lại cho ta một ám dụ, một kiểu so sánh, điều họa hiếm trong Tin mừng của ngài. Do đó có thể nghĩ rằng ngài muốn gán cho ẩn dụ này một tầm quan trọng đặc biệt. Dụ ngôn được nói cho người Biệt phái và muốn gởi đến họ một sứ điệp thiết yếu.

Biệt phái tự phụ mình là người hướng dẫn kẻ khác nhân danh Thiên Chúa; họ rất ghen với Chúa Giêsu vì Người được lòng dân và làm họ mất uy tín. Thành thử giữa Chúa Giêsu và họ, có một sự tranh chấp ảnh hưởng. Chúa Giêsu sắp nói rõ cho họ biết họ đã ảnh hưởng ra sao và chính Người đã ảnh hưởng thế nào trên đàn chiên Israel.

2. Chúa Giêsu là cửa vào, Người không loại bỏ một ai khỏi ơn cứu rỗi. “Người đến để tất cả nhân loại có sự sống dồi dào”, ngay cả những kẻ Biệt phái vốn từ khước Người. Khi xưng mình là cửa vào, Chúa Giêsu không còn cách nào rõ hơn để xác quyết độc quyền của Người trong việc thông ban ơn cứu rỗi. Người khẳng định rằng người ta không thể tranh chấp với Người được, vì Người là cửa cứu rỗi duy nhất mà tất cả phải chấp nhận đi qua, và không ai có đặc ân được miễn, ngay cả những kẻ xem ra được trao phó một chức quyền thiêng liêng trong cộng đoàn tín hữu.

3. Giáo huấn này rất quan trọng và khẩn yếu. Chúng ta có thật sự tin rằng không có một người hướng dẫn nào khác, một vị Thầy nào khác, một lối đi nào khác cho con người ngoài Chúa Kitô không ? Có nhiều Kitô hữu, khi phải nói lên điều này hôm nay, đều cảm thấy hầu như lúng túng; họ có cảm tưởng rằng mình tự gán cho mình nhiều đặc ân và đặc quyền trên những người khác. Vì ước mong hiệp nhất thiếu sáng suốt, vì khoan dung thiếu quân bình hoặc vì lẫn lộn các giá trị nên họ cảm thấy hầu như hổ thẹn về lòng tin của họ vào Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, người ta chẳng bảo rằng mọi tôn giáo đều có giá trị như nhau, mọi học thuyết và mọi Giáo Hội đều chính đáng miễn là ta thành thật đó sao? Nhưng khi xưng mình là cửa duy nhất, Chúa Giêsu đã dẹp tan mọi lối biện luận hồ đồ này. Chẳng phải là tất cả mọi người không mang danh hiệu Kitô hữu cách chính thức đều bị ở ngoài chuồng chiên cả đâu nhưng, Chúa Giêsu muốn nói rằng ngay cả người ngoại giáo nào có thiện chí, người vô thần nào cố gắng sống ngay thẳng theo lương tâm, đều đã chỉ nhờ một mình Chúa Kitô mà được như vậy. Thành ra những ai, thuộc về chuồng chiên của Chúa Kitô mà không ý thức rõ ràng, đều phải qua cửa vào là chính Người vậy.

4. “Chiên Người, Người gọi từng con một”. Có nghĩa là Chúa biết mỗi một người cách đặc biệt. Người có thể biết như vậy vì Người là Thiên Chúa. Đó chẳng phải là một sự kiện đánh động chúng ta cách mãnh liệt đó sao ?

Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top