ĐẤNG TOÀN THÁNH ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TỘI LỖI
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Mt 3, 13-17
Ngày lễ Đức Giêsu Chịu Phép Rửa là ngày Đức Giêsu khởi đầu cuộc sống công khai của Ngài. Đức Giêsu đã được giới thiệu trước muôn dân trong dung nhan Ngài là Con Thiên Chúa. Biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa của ông Gioan trong trình thuật Tin mừng vén mở cho chúng ta thấy: Đức Giêsu không chỉ là một con người nhưng còn là Thiên Chúa, Một Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần đã thân hành đến với con người.
Đức Giêsu là một con người lịch sử
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu được giới thiệu trong một khung cảnh lịch sử cụ thể. “Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan” (Mt 3,13) Đức Giêsu đến từ miền Galilea, một miền đất mạn Bắc của Palestin thời đó. Đức Giêsu xuất hiện tại sông Giodan, một con sông chạy dọc từ chân núi Hermon tới Biển Chết gắn bó bao vui buồn với dân tộc Do Thái. Lúc đó ông Gioan, một ngôn sứ nổi danh trong lịch sử dân tộc Do thái sinh sống vào lúc giao thời giữa trước và sau Công Nguyên, đang làm phép rửa tỏ lòng sám hối cho rất nhiều người. Với một khung cảnh lịch sử được trình bày rõ ràng về không gian và thời gian như vậy, Đức Giêsu thực sự là một con người lịch sử. Đức Giêsu đã sinh ra và lớn lên tại Palestine cùng dân tộc Do thái cách đây 2020 năm.
Nhưng nếu Đức Giêsu chỉ là một con người lịch sử mà thôi thì Ngài cũng chỉ như bao các vĩ nhân khác trong lịch sử nhân loại. Ở đây, chúng ta thấy Đức Giêsu còn là Thiên Chúa.
Đức Giêsu là Thiên Chúa
Điểm chính yếu của bài Tin Mừng hôm nay không phải là lúc Gioan dìm Đức Giêsu dưới dòng nước sông Giodan, nhưng là lúc Đức Giêsu vừa lên khỏi nước.
“Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta” (Mt 3,17) lời của Thiên Chúa Cha vang vọng từ Trời cao để khẳng định, để giới thiệu với muôn dân rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa. Nếu như năm xưa nguyên tổ phạm tội chống lại Trời để rồi cánh cửa Địa đàng khép lại; con người không còn được giao hảo với Thiên Chúa nữa. Người Do thái đã lấy hình ảnh cửa trời bị đóng lại để diễn tả điều ấy. Thì nay “các tầng trời mở ra” (Mt 3,16) phá tan sự ngăn cách con người với Thiên Chúa.
Chính trong giây phút trang trọng này, Ta thấy được sự hiệp thông trong một của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. “Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người” (Mt 3,16). Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên Đức Giêsu. Chúa Cha công khai xác nhận sự ưu ái với Đức Giêsu khi lên tiếng: “Này là Con yêu dấu của Ta”. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Đây không phải là một danh xưng, một tước vị, nhưng là một liên hệ sâu xa mật thiết: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần liên kết trong một tình yêu hiệp thông: Đức Giêsu hoạt động dưới tác động của Chúa Thánh Thần để thi hành Thánh Ý Chúa Cha.
Thực vậy, Thiên Chúa đã xuống thế với con người. Một Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần đã trao ban tất cả cho con người, đã ngụp lặn xuống tận đáy của dòng đời để có thể gặp gỡ con người.
Thiên Chúa tự hạ mình đến với con người
Con người, một tạo vật đã phản bội với Đấng Tạo Hoá, đã muốn vươn lên làm chủ tất cả, gạt bỏ Trời ra khỏi đời mình. Chính khi con người kiêu ngạo như vậy, nó đã tự mình rời xa Thiên Chúa và không còn khả năng gặp gỡ Thiên Chúa nữa. Trái lại, Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên con người lại luôn tìm cách để gặp gỡ con người, sẵn sàng hạ mình xuống để có thể tìm lại được con người mà chính Ngài đã dựng nên.
Nhìn vào hình ảnh Đức Giêsu cùng đi với dòng người tội lỗi xuống dìm mình dưới dòng sông Giodan, ta thấu hiểu được nỗi lòng của Đấng Tạo Hóa. Thiên Chúa là Đấng toàn thánh, thế nhưng Thiên Chúa đã chấp nhận hạ mình xuống để sống với loài người tội lỗi. Và giờ đây, Người chấp nhận đi cùng dòng người tội lỗi để dìm mình tỏ lòng thống hối. Người không có tội nhưng Người muốn cúi xuống gánh lấy tội lỗi nhân gian. Trong khi loài người tội lỗi luôn kiêu ngạo tìm phương thế nâng mình lên thì Thiên Chúa thánh thiện lại tìm phương thế hạ mình xuống; Trong khi loài người tội lỗi luôn che dấu, chối không nhận tội thì Thiên Chúa vô tội lại công khai nhận tội thay cho con người; Trong khi loài người tội lỗi tìm lối tránh hình phạt do tội lỗi họ gây nên thì Thiên Chúa lại ghé vai gánh lấy hết tội lỗi và mọi hình phạt mà loài người đáng phải chịu. Một Thiên Chúa toàn thánh nay hạ mình xuống đồng hành với loài người tội lỗi.
Giờ phút khai mạc cho đời sống công khai của một Thiên Chúa làm người thật đặc biệt. Lẽ ra với thân phận như Đức Giêsu thì giờ phút ấy phải hoành tráng, ở một nơi sang trọng, với những vị thượng khách hào hoa và bao nghi thức long trọng. Nhưng ở đây, Thiên Chúa đã chọn nơi dòng sông làm địa điểm; chọn những người tội lỗi làm thượng khách; chọn bầu không khí sám hối u buồn để cử hành nghi thức. Chỉ có một Thiên Chúa tận tình và hết mình với con người mới làm như vậy; Chỉ có một Thiên Chúa tha thiết yêu con người mới nghĩ ra được cách thức như thế.
Hãy đến với Giêsu. Ngài thấu hiểu mọi tâm tư, tình cảm, ước nguyện của bạn bởi Ngài đã là người trong thân phận nghèo hèn bé nhỏ; Ngài kéo bạn lên, chữa lành các vết thương trong tâm hồn bạn, đưa bạn đến nguồn hạnh phúc vĩnh cửu bởi Ngài là Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin hằng khơi dậy trong con nguồn cảm hứng Lời Ngài, để con luôn cảm nhận được sự tự hạ đầy lòng yêu thương của Ngài, để con biết cúi xuống chạm tới những tâm hồn đang ngấp ngoái giữa dòng xã hội hôm nay, để con biết cảm tạ Ngài đã đoái thương con; để con được yên vui sống trong niềm hy vọng vào sự giải thoát của Ngài, Đấng cứu độ con.
Lm. Giuse Lê Danh Tường