KINH LẠY CHA – HIỆU LỰC CỦA KINH NGUYỆN
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN – NĂM C
(Lc 11,1-13)
1. Lc cho biết Chúa Giêsu đã dạy kinh Lạy Cha cho các môn đệ trong một dịp rõ ràng: sự kiện một môn đệ vô danh nào đó nhắc đến kinh của Gioan tẩy giả không phải là không có lợi để giúp hiểu thêm kinh Lạy Cha: thời Chúa Giêsu có nhiều nhóm tu đạo, khác nhau bởi hình thức hay qui luật kinh kệ của họ, vì thế mà có nhóm Pharisêu, nhóm Esséno, và đoản văn Lc hôm nay cho thấy có nhóm môn đệ Gioan tẩy giả nữa. Cách cầu nguyện riêng của mỗi nhóm diễn tả mối liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa là mối dây hiệp nhất của nhóm. Việc các môn đệ Chúa Giêsu xin có một kinh nguyện riêng minh chứng họ muốn thành lập một cộng đoàn thiên sai: kinh ấy sẽ là mối liên hệ và dấu hiệu riêng của họ, và kinh ấy sẽ biểu lộ điều họ giữ kín lòng. Vì thế kinh Lạy Cha là bản tóm lược trong sáng nhất và hàm súc nhất của sứ điệp Chúa Giêsu.
2. “Lạy Cha”. Để phẩm bình nguồn gốc và giá trị tiếng kêu này, tưởng cần tóm lược lại việc kêu danh Chúa là Cha lịch sử. Vào khoảng 2000 năm trước Đức Kitô và cả 3000 năm trước, đã có nhiều dân tộc phương đông coi thần linh như là cha. Trước thời Môisen, người ta coi thêm tước vị “Cha” ở trong các kinh nguyện xứ Sumérie: “Ôi Thiên Chúa, Đấng có lòng nhân hậu như người Cha dịu hiền”.
Để chống lại nguy cơ hạ giá Thiên Chúa xuống mức độ con người, Cựu ước thường rất họa hiếm kêu Thiên Chúa như là “Cha” (14 đoạn nói đến mà thôi). Trước tiên Thiên Chúa là “Cha của Israel”, dân mà Ngài đã tuyển chọn, giải phóng và cứu độ (Đnl 32,6; Is 63,16; 64,7; Giêr 3,4.19; Ml 1,6; 2,10). Sau lưu đày, thỉnh thoảng Cựu ước trình bày Thiên Chúa là “Cha” của các cá nhân (Kn 14,3; Si 23,1.4; Tv 13,4).
Nhưng văn chương Do thái đương thời và sau Đức Kitô còn kéo dài và nhấn mạnh đến khuynh hướng đề cao siêu việt tính của Thiên Chúa. Và người ta cũng không thể tìm thấy một bản kinh nào trong đó cá nhân cầu khẩn Thiên Chúa như khẩn cầu với một người “Cha”. Đi ngược với môi trường Do thái ấy, Chúa Giêsu khẩn cầu với Thiên Chúa như khẩn cầu với một người “Cha” trong kinh nguyện của Ngài, như các tác giả Phúc âm đã ghi lại (chỉ trừ tiếng kêu trút hơi thở tàn trên thập giá ở Mc 15,34 – nhưng đó chỉ là một lời trích dẫn, chứ không phải là lời kinh nguyện mà cá nhân Chúa Giêsu đã sáng tác).
Nhưng xét về phương diện ấy Chúa Giêsu còn đi xa hơn 14 đoạn văn Cựu ước hay các mẫu kinh lương dân trong đó Thiên Chúa được gọi là “Cha”. Với Chúa Giêsu chúng ta đi thẳng vào một điều mới mẻ hoàn toàn, đó là tiếng “Abba”, “Ba ơi”. Lời kinh trong vườn Giêtsimani nơi Mc 14,36 cho biết Chúa Giêsu dùng tiếng ấy để nói với Thiên Chúa; không những Rm 8,15 và Gal 4,6, ngay cả tiếng gọi “Cha” trong bản văn Hy lạp của các phúc âm cũng quả quyết điều đó; mà chỉ cách giải thích đầy đủ là: “Abba” luôn có mặt trong nguyên bản tiếng araméen. Cuộc nghiên cứu sơ sài kho tàng văn chương vĩ đại và giàu có về kinh nguyện Do thái, đưa đến kết luận: việc kêu cầu danh Thiên Chúa bằng tiếng “Abba” không nơi nào nói đến. Giải thích thế nào đây ? Các giáo phụ, Chysostome, Theodore de Mopsueste và Theodoret de Kyr, các vị thành Anttokia và các vú nuôi nói tiếng Syrien-occidental de l’araméen, đều nhất trí minh chứng rằng “Abba” là tiếng trẻ con dùng để gọi cha mình. Và sách Talmund xác quyết: “Khi một đứa trẻ ăn được lúa mì (nghĩa là khi nó thôi bú), thì nó bập bẹ nói “abba” và “imma” (ba ơi, má ơi). “Abba”, “imma” là những tiếng đầu tiên trẻ con nói bập bẹ (những tiếng mà trẻ con khi trưởng thành vẫn tiếp tục dùng, như ở Pháp người lớn vẫn kêu ông già mình bằng tiếng “papa”). Vì tính cách dịu hiền và thân tình của danh từ ấy, nên không ai dám nói: “Abba” với Thiên Chúa. Còn Chúa Giêsu vẫn luôn dùng tiếng ấy trong mọi kinh nguyện mà Ngài đã truyền lại cho chúng ta. Ngài đã nói với Thiên Chúa như một đứa con nói chuyện với Cha, cách đơn sơ thân tình và tín thác.
Nhưng ở câu 27 của Mt 11 – “Mọi sự đều đã được Cha trao phó cho con và không ai biết được Cha, nếu không phải là con và kẻ được con muốn mạc khải cho” – Cho chúng ta thấy Chúa Giêsu coi sự kêu xin kiểu trẻ con ấy như là cách duy nhất để nhận biết Thiên Chúa và uy quyền viên mãn của người con. Tiếng “Abba” biểu lộ cách viên mãn mầu nhiệm sứ mệnh của Ngài: ai được Cha cho biết Thiên Chúa cách sung mãn thì được uy quyền gọi Thiên Chúa một cách thân tình như vậy như con gọi cha. Tiếng “Abba” chính thực là tiếng của Chúa Giêsu, là tiếng xác quyết sứ mạnh và trọng tâm của sứ điệp Ngài.
Vì vậy, qua kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu thông ban cho môn đệ Ngài quyền kêu “Abba” như Ngài. Ngài ban cho những người theo Ngài được quyền làm con, và vì họ là môn đệ của Ngài, nên có thể trò chuyện với Cha trên trời cách tin tưởng như một đứa bé. Đến nỗi xác quyết rằng mối tương quan mới mẻ giữa Con và Cha mới mở được cửa nước Trời (Mt 18,3) “Thật, tôi bảo các anh, nếu các anh không trở nên như trẻ nhỏ, các anh không thể vào được Nước Trời”. Vì trẻ em biết nói “Abba”. Để tìm ra đường vào nước trời cần phải tin tưởng như đứa bé lúc gọi “ba ơi”. Thánh Phaolô am hiểu sâu xa tiếng ấy khi Ngài 2 lần xác quyết tiếng kêu “Abba, ba ơi” là dấu chỉ được làm con và dấu chỉ được Thánh Thần chiếm hữu (Rm 8,15 và Gal 4,6). Như vậy, từ tiếng đầu tiên này, chúng ta hãy phỏng đoán xem tại sao theo tâm tình của Giáo hội sơ khai, khi đọc kinh Lạy Cha lại không có vẻ tự nhiên và tại sao giáo hội lại thốt lên với bao vẻ sợ sệt và khúm núm: Lạy Chúa xin nghe lời chúng con, chúng con mới dám vui vẻ và không ái ngại gọi Chúa là Cha, là Thiên Chúa trên trời và nói: “Lạy Cha chúng con”.
2. Hai lời cầu xin đầu tiên (c.2) song song có nội dung giống nhau. Và rất giống kinh Quddish là kinh xin thánh hóa của Do thái, đọc lúc kết thúc mỗi buổi lễ ở hội đường: xin cho danh tiếng lẫy lừng của Ngài được thánh hóa trong hoàn vũ nơi Ngài đã tạo dựng theo ý Ngài, xin mau mau dựng xây nước Ngài trong suốt cuộc đời chúng con. Amen.
Hai lời cầu xin của kinh Quddish và kinh lạy cha đều chất chứa một nhãn quan cánh chung. Đàng khác người ta gợi đến giờ mà danh Thiên Chúa đã từng bị tục hóa sẽ được thánh hóa mãi (Kh 11,15). Đó là mẫu kinh rất giống với mẫu kinh của giáo hội, Maranatha, “Lạy Chúa, xin hãy đến” (1Cor 16,22; Kh 22,20).
Nhưng khi đọc kinh Quddish, người Do thái không biết nước Thiên Chúa đã hiện diện trong vũ trụ từ khi Đức Kitô đến, họ chỉ xin cho nước Chúa được hoàn hảo và kiện toàn viên mãn.
4. Xin cho danh Chúa được thánh hóa. Danh của Thiên Chúa là một từ ngữ truyền thống của Thánh kinh diễn tả cách tín cẩn hữu thể Ngài, nhất là trong bản văn phụng vụ. “Thánh hóa Thiên Chúa hay Danh Ngài” là một kiểu nói xưa cũ trong thánh kinh và Do thái giáo. Vì Thiên Chúa là một Đấng thánh tuyệt vời, người ta không thể thêm gì nữa cho sự thánh thiện của Ngài, nhưng kiểu nói ấy có nghĩa là nhận biết, biểu lộ và tôn vinh Ngài như Ngài đang hiện hữu (như ở Gio 12,28 phải là một cái gì tương đương với lối cầu xin ấy).
Kinh thánh và Do thái giáo có hai cách thành hóa Thiên Chúa hay danh Ngài: các luật sĩ và các thày Rabbi trong các bài giảng của họ, thường kêu mời tín hữu thánh hóa Thiên Chúa bằng sự thần phục các giới răn của Ngài và như thế công nhện uy quyền của Ngài trên mình (Lv 22,32; Ds 27,14; Đnl 32, 51; Is 8,13. 29,13). trong các bài sấm về sự cứu độ sắp đến, các tiên tri thường loan báo Thiên Chúa sắp thánh hoá mình bằng cách biểu lộ ra như Đấng cứu thế (Is 5,16 và nhất là trong Ez 20,41; 28,22.25; 36,23; 38,16.23; 39,27).
Trong kinh nguyện hiện nay, thường hay nói đến sự can thiệp cứu độ (kiểu nói ở thể thụ động “được thánh hóa” thường dùng được bản văn chương Do thái để chỉ cách bí mật hoạt động của Thiên Chúa mà không nêu danh Ngài ra Mt 5,6.7.9; 7,1.2.7.8…) Chỉ Thiên Chúa mới có thể biểu lộ như Ngài đang ở trong uy quyền và vinh quang trong công chính cứu độ và ân sủng của Ngài. Đối với Chúa Giêsu (cũng như đối với Ezékiel, trong những bản văn kể ra ở trên kia), sự biểu lộ ấy tỏ ra cho hết mọi người (bản dịch TOB dịch cách táo bạo, nhưng rất hợp thời: xin làm cho nhận biết Ngài như Thiên Chúa). Xin Thiên Chúa tự biểu lộ cho thế gian như là vị thày duy nhất, có liên hệ đến tình trạng hiện thời, còn bất toàn và đang tiến triển của lịch sử; nhưng nhất là lời cầu xin nhắm đến sự kiện toàn dứt khoát và hoàn hảo mà lịch sử cứu độ nhắm đến. Khi đến hạn định thì sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và giáo hội của Đức Kitô (nghĩa là “Israel đích thật của Thiên Chúa”: Gal 6,16; Rm 9,6-8) sẽ được hoàn tất: Ngài sẽ là Thiên Chúa của các thánh nhân Ngài và họ sẽ là dân Ngài, vì bấy giờ Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự (1Cor 15,28).
5. Xin cho Nước Ngài trị đến. Lời cầu xin thứ hai có cùng đối tượng và nhãn quan như lời cầu xin trước. Sự đồng nhất này rất xứng hợp với tính cách song đối của người Semit, họ thích lấy lại một ý tưởng dưới hai hình thức khác nhau.
Nước Thiên Chúa đến quả thực là đề tài căn bản mà Chúa Giêsu thường dạy, như Mt 4.17 và Mc 1,15 đã chứng minh. Nhấn mạnh đến vương quốc Thiên Chúa như thế là lạ lắm, vì Cựu ước rất ít khi dùng kiểu nói này. Dĩ niên dân Cựu ước tin Giave là vua của họ. Tuy nhiên vương quốc của Giavê không hướng về sự hoàn tất cánh chung. Dân được tuyển chọn hy vọng đến việc thiết lập vương quốc hoàn hảo và dứt khoát trong thời thiên sai, niềm hy vọng này được truyền thống khải huyền khai thác nhiều nhất. Chúa Giêsu nhắc đến đề tài vương quốc, vì đề tài này trong thời Ngài đáp ứng các ước vọng mãnh liệt nhất của người đồng hương. Nhưng Ngài đã sửa sai bổ túc và loại bỏ các ý niệm hạn hẹp có tính cách quốc gia về giáo thuyết Vương quốc (Lc 13,29; Mt 8,11). Hai dạng thức mới của vương quốc được nhắc nhở nơi đây liên hệ với kinh Lạy Cha: Vương quốc đang hiện diện, Vương quốc là món quà của Thiên Chúa.
Đức Kitô khẳng định rằng, qua sự kiện Ngài đến vương quốc đang trên đường thực hiện: Vương cuốc thực sự có đó, và đang kiện toàn viên mãn và dứt khoát; nó vừa là hiện tại và tương lai, nhưng ở đây Chúa Giêsu tập trung sự chú ý của thính giả vào khía cạnh tương lai nhiều hơn. Chiều hướng hy vọng Kitô giáo được tiềm ẩn trong nhiều kinh Lạy Cha. Người Kitô hữu phải hy vọng vào Vương cuốc nhưng họ không thể thiết lập, cũng như hối thúc Vương cuốc đến mau, như người Zélotes thời Chúa Giêsu đã làm; Vương cuốc là một món quà nhưng không của Chúa Cha (Lc 12,32). Chính Thiên Chúa sẽ thiết lập như Ngài muốn và lúc Ngài muốn (Cvsđ 1,6t; Mc 12,32); giáo hội chỉ có thể mong ước và chuẩn bị đón nhận Vương quốc ấy bằng lòng thống hối, bằng đức tin thức tỉnh và đời cầu nguyện.
6. Xin cho chúng con lương thực hàng ngày. Không thể nào xác định cách chắc chắn ý nghĩa đích thật của lời thỉnh cầu này. Vì thứ bánh chúng ta xin, được xác định bằng hình dung từ épiousios (BJ dịch “hàng ngày” quotidien), là một chữ Hy lạp ít được dùng tới. Một người thông thái như Origène (De orat 27,7) thú nhận rằng ông chưa hề gặp tiếng ấy trong văn chương Hy lạp cũng như trong ngôn ngữ nhân gian. Năm 1915, trong một bản papyrus tìm thấy ở miền thượng Ai cập, người ta tìm thấy chữ tắt épiousi và theo bản văn ấy thì hình như có nghĩa là “cổ phần hàng ngày”. Nhưng làm sao một bản văn thuộc thế kỷ thứ V (sau công nguyên) lại có thể giúp ta hiểu một câu được viết ra từ thế kỷ thứ nhất.
Vậy chỉ còn cách là tìm các chứng cứ giải thích trong hai nguồn tài liệu là: nguyên ngữ và các lối chú giải xa xưa nhất. Nếu tách giới từ epi (sur) và động từ eimai (être) khỏi chữ épiousios, hình dung từ ấy bây giờ nói lên tính cách nội tại của bánh: đó là bánh “cần thiết” hay “căn bản” (hãy nhớ rằng chữ “essentialis” do động từ esse), “substantiel” (tiếng Hy lạpousia) hay “super-substantiel” (ám chỉ đến Thánh Thể nơi người Latin. Có thể chữ épiousios do động từ einai (aller), nhấn mạnh đến khía cạnh tạm thời: bánh “của ngày đang bắt đầu, “hàng ngày” hoặc “của ngày mai”. Các giáo phụ thì chú giải rất khác nhau: chính thánh Jérome khi thì dịch chữ épiousios bằng supersubstantialis (Mt 6,11) khi thì bằng cotidiannus (Lc 11,3).
Dù sao, Lc vẫn xác nhận rằng bánh được xin (dù bản chất của nó như thế nào) thì được xin để dùng “mỗi ngày”. Sự xác định ấy là việc Lc quan tâm đến hoàn cảnh của các Kitô hữu (ví dụ xem lối chú giải tám mối phúc thật về phương diện xã hội) giúp ta tin rằng bánh épiousios, được xin có lẽ là bánh vật chất mà người Kitô hữu cần đến mỗi ngày, dĩ nhiên là không loại bỏ lời mặc nhiên xin bánh Thánh Thể thiêng liêng hay mọi thứ trợ giúp thiêng liêng mà người Kitô hữu cần có để sống mỗi ngày cuộc dấn thân theo Đức Kitô.
Xin tha tội chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho người mắc nợ chúng con. Lời khấn xin này là lời duy nhất trong kinh lạy Cha liên hệ đến con người. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng đó. Kẻ nào cầu nguyện thì phải nhớ đến bổn phận tha thứ. Chúa Giêsu luôn nói: không thể xin Thiên Chúa tha lỗi nếu người xin không sẵn sàng thứ tha. “Và khi đứng cầu nguyện, nếu anh có điều gì bất bình với người nào, anh hãy thứ tha để cha anh ở trên trời cũng tha thứ cho anh” (Mc 11,25). Nơi Mt 5,23 chính Chúa Giêsu cũng đòi hỏi các môn đệ: đình chỉ việc dâng lễ để tha thứ và làm hòa với anh em trước khi thi hành nhiệm vụ thánh. Chúa Giêsu muốn nói rằng lời xin tha tội sẽ không thành thật và sẽ không được Thiên Chúa chấp nhận, nếu người cầu nguyện không chịu giải hòa với anh em mình. Đối với môn đệ Chúa Giêsu sẵn sàng tha thứ một cách nào đó là đã đưa tay ra xin Thiên Chúa tha thứ. Trong bản văn Lc, động từ ở thì hiện tại “hãy tha thứ” nói lên thái độ chung là phải tha thứ luôn. Chữ “Panti”, cho ai mắc nợ chúng tôi (hợp với khuynh hướng của Lc là tổng quát hóa các thái độ tiêu biểu của người Kitô hữu), xác quyết đó là thái độ nội tâm.
8. Và đừng để chúng tôi sa chước cám dỗ. Động từ ở thì actif đây không ám chỉ hoạt động của Thiên Chúa cám dỗ các Kitô hữu. Có lẽ Giacôbê đã hiểu lời cầu xin cuối cùng của kinh Lạy Cha, khi bỏ lối giải thích sai lầm: “Khi bị cám dỗ thì đừng ai nói: Thiên Chúa cám dỗ tôi, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ và chính Ngài cũng không cám dỗ ai” (Giac 1,13). Đứng hơn lời cầu xin ấy có nghĩa: “Xin đừng để chúng tôi thất bại vì cám dỗ”. Động từ ở chỗ hoạt động gợi lên một kiểu nói thánh kinh xa xưa, ở cái thời mà mọi cơn cám dỗ đều đổ dồn cho Thiên Chúa mà chẳng phân biệt gì cả; vì người ta muốn xác quyết đến sự thống trị vạn vật của Thiên Chúa và không tạo ra ngụy tín vào nhị nguyên tín (dualité) của các thần minh.
“Cơn cám dỗ”. không nhằm nói đến sự cám dỗ nhỏ mọn hàng ngày nhưng nói đến thử thách vĩ đại cuối cùng ở cửa nhà chúng ta và sẽ xảy ra trong thế gian này: vén màn bí mật sự dữ, phản Kitô xuất hiện, tàn phá ghê sợ (Mc 13,14) bắt bớ cuối cùng và thanh lọc lần chót các thánh của Thiên Chúa do các tiên tri giả chủ xướng. Cơn cám dỗ cuối cùng đó là phản đạo. Ai có thể thoát?
Lời cầu xin cuối cùng của kinh Lạy Cha muốn nói rằng: “Lạy Chúa xin giữ chúng con cho khỏi bỏ đạo”. Truyền thống Mt đã hiểu như thế và còn xin giải thoát dứt khoát khỏi quyền lực của thần dữ đang tìm cách hối thúc con người đi vào cõi chết đời đời: “Nhưng xin cứu chúng tôi khỏi thần dữ”. Tuy vậy người Kitô hữu không thể để thời gian cuối cùng đó làm tê liệt mà quên mà quên mất hiện tại. Vì đối với mỗi người hiện tại mật thiết gắn liền với giờ cuối cùng của cuộc đời: những cơn cám dỗ hàng ngày loan báo cơn cám dỗ cuối cùng, và những quyết định hàng ngày sửa soạn việc chọn lựa cuối cùng cho mình, nó sẽ đánh dấu đoạn đường vượt qua từ vũ trụ này đến thế giới bên kia.
9. Sau khi các môn đệ phải cầu nguyện như thế nào, Chúa Giêsu còn dạy họ biết lời họ khẩn nài sẽ được chấp nhận với điều kiện nào. Dụ ngôn người bạn quấy rầy mà chỉ mình Lc ghi lại, có mục đích minh chứng hiệu quả của lời nguyện cầu khẩn thiết bền tâm đó.
Ở Palestine thời Chúa Giêsu, căn nhà chỉ có một phòng. Cánh cửa đóng lại có xà lớn làm then cửa. Giường chiếu là một tấm nệm thật lớn trải trên nền nhà. Con cái ngủ gần cha mẹ. Để mở cửa thì phải mệt nhọc lắm và rất rộn ràng, khiến mọi người phải thức dậy. Trong những điều kiện như vậy, người ta mới hiểu sự tức tối của kẻ bị đánh thức lúc nửa đêm để giúp đỡ bạn bè. Tuy nhiên, phải chăng để cuối cùng được bình an, khỏi bị quấy rầy, người ta mới chào thua và chiều theo lời khẩn khoản của bạn. Đó là ý nghĩa một cảnh nhỏ xảy ra hàng ngày mà Chúa Giêsu dùng để dạy. Như thế, khi nghĩ đến hạnh kiểm của mình, người môn đệ mới lưu ý đến cách thức hoạt động của Thiên Chúa đối với mình. Cuối cùng người bạn phải nhượng bộ lời cầu xin rên rỉ, thì đối với Thiên Chúa cũng thế, Ngài sẽ nghe lời kẻ liên lỉ cầu xin Ngài.
Tất cả những lời giáo huấn của Chúa Giêsu đều dựa trên một luận chứng a fortiori (phương chi là…). Nếu con người cuối cùng cũng phải nhượng bộ lời cầu xin nài nẵng thì phương chi là Thiên Chúa Đấng thật tốt lành cũng phải chào thua. Như một thày thông luật nói: “người ngu xuẩn thắng được sự dữ, thì đối với Thiên Chúa tốt lành anh ta lại càng đễ dàng chiến thắng hơn” – (Billerbeck, I,656). Lời kinh nguyện dai dẳng và đầy tin tưởng, không biết chán, dù không được Chúa nhận lời tức khắc, thì rồi cũng sẽ được Chúa nhận lời. Thiên Chúa tốt lành trên hết mọi người tốt lành: Ngài không chỉ trao ban những gì theo con người khấn xin, nhưng sẽ còn ban tất cả những gì cần cho con người. Chúa Giêsu đã hành động cách tương tự như vậy đối với người đàn bà xứ Syro-Phénicie (Mt 15,21 ss) và đối với người mà thành Giericô (Lc 18,35 ss), cũng kiểu lý luận a fortiori này đã được áp dụng cho lời người con xin cha cơm bánh.
KẾT LUẬN
Tất cả đoạn văn này (kết thúc cũng như lúc bắt đầu, đều nói đến tình phụ tử của Thiên Chúa Cha, là động từ sâu sắc của lời kinh đầy tin tưởng của người Kitô hữu. Vì người Kitô hữu, theo lệnh truyền và gương lành của Chúa Giêsu, có thể kêu lên “Abba – Ba ơi” đối với Thiên Chúa, họ rất hy vọng nhận được nơi Thiên Chúa những gì mà họ cần để sống – ngay cả ơn huệ cao cả là Thánh Thần. “Vì tất cả những ai được Thánh Thần Thiên Chúa đưa dẫn đều là Con Thiên Chúa. Như thế, không phải thứ Thần khí của hàng nô lệ là điều anh em đã nhận lấy để sợ hãi, nhưng anh em đã lãnh lấy thần khí của hàng nghĩa tử, nhờ đó được kêu “Abba” (Rm 8,14-15).
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Sau khi cầu nguyện, Chúa Giêsu mới dạy chúng ta kinh Lạy Cha. Vậy kinh này phát sinh từ việc nguyện gẫm riêng của Ngài. Nó phản ảnh lập trường riêng của đứa con yêu dấu đối với Cha trên trời. Đồng thời cũng dạy cho chính chúng ta biết cư xử với Thiên Chúa chúng ta như thế nào: như những người con yêu mến dâng lời kinh nguyện đầy lòng tin lên cha mình.
2. Các tác giả phúc âm ghi chú Chúa Giêsu cầu nguyện rất đặc biệt trước mỗi một hoạt động quan trọng của Ngài. Nếu Lc đã lưu ý nói lên rằng Chúa Giêsu đã cầu nguyện trước khi dạy kinh Lạy Cha, dĩ nhiên ông muốn cho thấy tầm quan trọng ưu việt của kinh nguyện do Chúa Giêsu trực tiếp nói ra.
3. Chúa Giêsu không những chỉ dạy cho chúng ta dâng lời kinh lên Thiên Chúa như người cha. Vì đứa con dầu sao cũng có thể sợ cha; có nhiều đứa con sợ cha mình đến nỗi không dám xin cha cách phó thác và tin tưởng. Để cho chúng ta thấy cần phải có tâm tình nào, khi dâng lời kinh lên Thiên Chúa, Chúa Giêsu dùng một tiếng rất thân tình của trẻ con, tiếng mà người Do thái thời Ngài không bao giờ dám dùng đối với Thiên Chúa: “Abba”, “Ba ơi”. Qua tiếng ấy, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy phải có tinh thần nào khi dâng lời kinh nguyện lên Thiên Chúa: như những em bé đầy lòng tin tưởng vào sự tốt lành trìu mến của Cha mình.
4. Hai nguyện vọng đầu tiên của kinh Lạy Cha nói đến sự vinh thắng của Thiên Chúa. Vì sự thánh hóa Danh Ngài, là nói lên rằng mọi người đều nhận biết Thiên Chúa là Thiên Chúa, là thày và Cha hết mọi người. Một cách khác để công thức hóa lời cầu xin ấy, là ước vọng nước Thiên Chúa trị đến, ước mong Thiên Chúa thật sự được mọi người nhận biết là vua rất tốt lành mà người ta sung sướng được phụng sự Ngài và yêu mến Ngài hết lòng. Nếu đọc kinh ấy lên, chúng ta xác tín rằng sẽ không có công bằng, hòa bình và hạnh phúc trên mặt đất này bao lâu có nhiều người chưa nhận biết Thiên Chúa là Cha của họ và họ là anh em với nhau.
5. Nhưng trong lời kinh này, Chúa Giêsu cũng mong muốn chúng ta đừng xấu hổ khi cầu nguyện về những của cải vật chất chúng ta cần. Cha chúng ta trên trời để ý mọi khía cạnh cụ thể của cuộc sống chúng ta.
6. Cũng như các chỗ khác trong phúc âm, Chúa Giêsu nhắc chúng ta rằng để được tha tội, thì chính mình cũng biết tha thứ mọi lỗi lầm kẻ khác xúc phạm đến mình. Chúng ta chỉ có một con tim: làm sao con tim ấy lại đóng lại trước tha nhân, đồng thời mở ra trước Thiên Chúa ?
7. Nguyện vọng cuối cùng không nhằm đến việc làm cho chúng ta tránh khỏi cơn cám dỗ (làm sao chúng ta có thể xin được điều đó khi mà chính Chúa Giêsu cũng phải bị thử thách), nhưng để xin được sự chở che của Cha chúng ta cho khỏi sa ngã trong những cơn thử thách lớn nhỏ cuộc đời.
8. Dụ ngôn người bạn bị quấy rầy cho chúng ta thấy rằng nếu Thiên Chúa lấy tình bạn tốt đối với chúng ta, sẵn sàng nghe lời chúng ta kêu xin, không phải Ngài nghe lời chúng ta ngay lần xin đầu tiên đâu. Thiên Chúa muốn bị quấy rầy vì lời khẩn khoản của chúng ta, điều ấy đem lại cho chúng ta cảm giác nhân từ, khi Ngài dùng sự đổi mới và kéo dài ra để gia tăng cường độ lòng muốn và lời kinh của chúng ta. Có thể có khi chúng ta xin những điều không ích lợi mà còn có hại cho phần rỗi của chúng ta: một lời kinh lâu dài sẽ thanh tẩy và điều chỉnh dần dần những ước muốn chúng ta và tuần tự buộc chặt ước muốn của chúng ta vào ước muốn của Thiên Chúa. Nếu trước đây chúng ta cầu xin Thiên Chúa những hòn đá thay vì xin bánh, xin con rắn thay vì xin con cá, thì Cha chúng ta sẽ làm một cách nào đó để biến đổi lời kinh chúng ta và là Ngài muốn nhận lời ban cho chúng ta một điều thiện lớn hơn và một hạnh phúc chắc chắn hơn. Nhưng lời cầu xin tuyệt hảo nhất mà chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa Cha luôn luôn nhận lời (là vì lời ấy đáp trả được ước muốn vĩ đại của Ngài và là điều tốt to lớn của ta), đó là lời cầu xin Chúa Thánh Thần, vì chính Thánh Thần ấy mới có thể biến đổi chúng ta một cách sâu xa là trở nên con cái yêu dấu của Cha rất tốt lành.
Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt