Lời cầu nguyện thay đổi số phận – Chúa Nhật XVII Thường niên – Năm C

LỜI CẦU NGUYỆN THAY ĐỔI SỐ PHẬN

Chúa Nhật XVII Thường Niên – Năm C

 (St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13)

Nói đến số phận con người, ta dễ liên tưởng đến một sự định đoạt cho mỗi người, một định đoạt về cuộc sống, một định đoạt về cái chết. Số phận được coi như bất di bất dịch, không thể thay đổi. Và người ta chỉ còn biết đón nhận nó khi thấy an vui hạnh phúc, hay chấp nhận nó khi nghiệt ngã đau thương. Nhưng với lời cầu nguyện, số phận hoàn toàn được biến đổi.

Sống trong một xã hội đầy rẫy những rủi ro, người ta dễ thốt lên câu “thôi, chấp nhận số phận này”. Một tai nạn hay một ác bệnh xảy đến, người ta thường hay tự an ủi với cái định đề: số phận đã định. Nhưng rồi rủi ro xảy ra nhiều hơn, nó xuất hiện như cơm bữa mọi nơi mọi lúc khiến người ta phải dừng lại tìm hiểu nguyên do. Nại đến pháp lý là đi tìm cái đúng cái sai, ai đúng ai sai, ai chịu trách nhiệm cho sự vụ này.

Năm xưa dân thành Sô-đô-ma và Gô-mô-ra mà bài đọc 1 nhắc đến (x. St 18, 20-32) đã rơi vào cảnh khốn cùng. Dường như họ sắp bị diệt vong. Giữa cái như là số phận ấy, Abbraham đã nhận ra thủ phạm dẫn lối đến tình trạng be bét này là những con người tội lỗi, xấu xa đang sống trong thành đó. Và giữa những thành phố ấy có những con người ngay chính đã bị vạ lây nên phải sống trong cảnh lầm than. Trước cảnh ngộ đó, Abbraham đã lên tiếng. Ngài đã lên tiếng với Chúa, đã cầu nguyện với Chúa. Chút “láu cá” của thánh Tổ phụ Abbraham trong việc năn nỉ Chúa đã kéo dân thành Sô-đô-ma và Gô-mô-ra ra khỏi thảm trạng diệt vong.

Abbraham đã làm gì? Ngài đã lôi cả 2 thành phố đặt lên bàn cân trước nhan Thiên Chúa. Ngài đã “lạm dụng” lòng thương xót của Chúa để xin Chúa can thiệp vào dân thành Sô-đô-ma và Gô-mô-ra (x. St 18, 22-32). Với sự can thiệp của Thiên Chúa, cái số phận như định sẵn ấy đã được biến đổi. Họ đã từ cõi chết mà được sang cõi sống.

Trong bài Tin Mừng (x. Lc 11, 1-13 ), lời cầu nguyện của thánh Gioan tiền hô và của Chúa Giê-su năm xưa ắt hẳn có sức biến đổi lạ thường nên mới khiến các môn đệ thưa với Thầy:  “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông” (Lc 11,1).

Đức Giê-su đã lên tiếng dạy các ông cầu nguyện một lần duy nhất và là tất cả. Chữ đầu tiên của lời cầu nguyện đã kéo lòng người môn đệ hướng thẳng về Trời cao. Khi thốt lên “Lạy Cha” (Lc 11,2) ta hướng lòng về Chúa đơn sơn như một đứa bé gọi bố mình “Bố ơi!”. Một tâm tình tự nhiên, không lý luận, không điều kiện, không đắn đo tính toán. Đơn giản là một sự thân tình mật thiết trong tình cha con. Và rồi tất cả những gì tiếp theo của lời cầu nguyện là mong cho mọi người cùng nhận biết Chúa và đến với Chúa như con thơ, là phơi bày cuộc sống của mình trước Chúa và để cho Chúa can thiệp: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11, 4).

Đứng trước những trắc trở của cuộc sống, người ta dễ đi tìm những phương thế theo suy luận của con người để giải quyết. Nhưng đời này qua đời khác, khoa học phát triển không ngừng, nhưng vẫn còn đấy vấn nạn của “số phận con người”. Đi đến tận cùng của vấn nạn, ta lại bắt gặp trở lại câu chuyện của dân thành Sô-đô-ma và Gô-mô-ra năm xưa. Cái bấp bênh của cuộc sống xem ra lại là hậu quả của một cuộc sống xa đọa, tội lỗi của chính mình, hay của ai đó quanh ta. Nó hoàn toàn không phải là số phận đã định sẵn cho tôi hay cho bạn. Và cái tội gây ra mọi tội lỗi ở đời ấy là sự phớt lờ Thiên Chúa, chối bỏ Thiên Chúa.

Lời cầu nguyện chính là lúc đặt lại đời mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa; Chấp nhận Ngài một cách vô điều kiện, phó thác chính con người của mình cho Ngài; Chấp nhận đi theo sự chỉ dẫn của Ngài và mở rộng tâm hồn để đón nhận ơn của Ngài. Khi ấy ta sẽ được biến đổi và dần trở nên thánh thiện trong vinh quang của Ngài.

Thánh Phaolô trong bài đọc 2 (x. Cl 2, 12-14) đã cảm nhận rất rõ thế nào là đời sống của một con người được sống trong Chúa. Chính khi thánh Phaolô chấp nhận Chúa Giê-su là khi ngài được biến đổi. Từ con người đi lùng bắt và bách hại các Ki-tô hữu, ngài trở nên con người đi làm cho thiên hạ trở thành Ki-tô hữu. Ngài đã thổ lộ với dân thành Cô-lô-sê: “Anh em vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, nhưng Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta” (Cl 2, 13)

Nếu sự sa đọa tội lỗi của người này khiến người khác bị vạ lây, thì lời cầu nguyện của ta cũng có sức biến đổi chính những con người tội lỗi. Bởi khi ấy, không phải ta đã làm người tội lỗi biến đổi, nhưng chính Chúa đã biến đổi họ.

Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.

Lm. Giuse Lê Danh Tường

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top