Lời công bố của Gioan Tẩy Giả – Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A

LỜI CÔNG BỐ CỦA GIOAN TẨY GIẢ

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – NĂM A

(Mt 3, 1- 12)

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Mt dùng cùng một động từ “xuất hiện” để đưa Gioan (3, 1) và Chúa Gỉêsu (3,13) vào câu chuyện; sứ điệp của Gioan (3, 2) và của Chúa Giêsu (4,17) đều giống nhau; lời ngôn sứ Isaia được trích ra trong câu chuyện của cả hai nhân vật: sự song đối này có ý nghĩa gì? Mt có đưa vào những yếu tố dị biệt không ?

2. Đâu là chủ đề rao giảng của Gioan? Chủ đề đó đóng vai trò nào trong trình thuật Tin Mừng?

3. Vào thời Chúa Giêsu, đâu là những bè phái hay khuynh hướng tôn giáo khác nhau? Chúng có đặc điểm nào?

4. Trong tất cả đoạn này, chủ đề sa mạc gợi lên những âm hưởng nào trong Cựu ước?

5. Vào thời Chúa Giêsu, có những thiên sai chủ nghĩa hiện hành nào? Chúa Giêsu tỏ thái độ gì đối với chúng?

CHÚ GIẢI

1. Để hiểu việc nhập cuộc của Gioan, cần nhớ rằng vào thời ấy, thời đô hộ của đế quốc Rôma, thời ra oai tác quái của vua Hêrôđê, người Do thái tìm mọi cách để được giải phóng. Giữa lòng Do thái giáo và đặc biệt tại Giêrusalem, nhiều “phe phái” dần dần thành hình. Nhóm Biệt phái (hay phái cách biệt), phát sinh từ thời Macabê (x.1 Mcb 2, 42) mà Flavius Josèphe bảo là có hơn 6000 phần tử (Antiquités Juives, XVIII,42), đã quy tụ được một vài tư tế với một số lớn thường dân, thường mộ từ các ký lục hay tiến sĩ Luật. Nhờ trung thành với lề luật, với khẩu truyền của tổ tiên, họ trở thành những nhà lãnh đạo tinh thần của dân chúng thời Chúa Gìêsu; do đó ảnh hưởng tôn giáo và luân lý cua họ rất đáng kể; trên phương diện chính trị, họ bênh vực sự tự trị của dân tộc Do thái và tỏ ra dè dặt trong việc tiếp xúc với người Rôma. Bên cạnh họ, nhóm Saducêo, con cháu Sađốc, vị thượng tế thời Salomon (1V 2, 35), làm thành phái các tư tế, vì quy tụ những gia đình tư tế khá giả. Họ chấp nhận các phong tục Hy lạp và thích nghi với chế độ thống trị của Rôma; thừa nhận sách Torah hay Ngũ kinh trên phương diện tôn giáo, nhưng chối bỏ khẩu truyền, chối bỏ đức tin về sự sống lại, sự hiện hữu của các thiên thần và việc Thiên Chúa quan phòng. Người ta cũng thấy có nhiều khuynh hướng cực đoan. Một trong những khuynh hướng đó là phái Nhiệt thành (Zélotes), một đảng chính trị và tôn giáo quá khích, được Giuđa người Galilê lập năm thứ sáu kỷ nguyên chúng ta. Với niềm mơ ước một quốc gia thần quyền, họ cho rằng chỉ Giavê mới là vua Israel và nhằm dùng bạo lực bẻ gấy ách thống trị của Rôma. Họ từ chối đóng thuế và lánh vào hoang địa để chuẩn bị cuộc thánh chiến; cuộc thánh chiến này sẽ thực sự bùng nổ vào năm 66, khi xảy ra “vụ nổi loạn của người Do thái”. Ngược lại những người Essêni cũng rút vào sa mạc, nhưng để âm thầm chuẩn bị cho cộng đoàn thiên sai của giao ước. Chính trong môi trường đa diện ấy đã hiện ra khuôn mặt vĩ đại của Gioan Tẩy Giả, con người đang cực lực kêu gọi toàn dân Israel hối cải trở về.

2. Lời công bố kiểu ngôn sứ của ông có ý nghĩa gì? Đối với Gioan, nó xác quyết rằng sự chờ mong của toàn dân đã đến ngày loại nguyện; như các người đương thời, ông tin rằng người ta chỉ được thỏa lòng chờ mong khi xuất hiện Đấng Thiên Sai, Đấng mà ông sẽ giới thiệu như vị Thẩm phán của thời sau hết (3, 10-12). Thực vậy, giữa thời Gioan rao giảng và “ngày tận thế”, chỉ còn chỗ cho một biến cố duy nhất, việc Quang lâm của Đấng đến để chấm dứt thế giới. Gioan lớn hơn một ngôn sứ nhiều (11, 9),ông là kết tinh của mọi ngôn sứ, vì ông không loan báo một biến cố xảy ra trong lịch sử, mà loan báo biến cố chấm dứt lịch sử (Guillet).

3. Như các vị ngôn sứ tiền nhiệm, Gioan Tẩy Giả tố cáo sự giả hình của lối sống đạo thuần túy bên ngoài (Am 5,21-27; Is 1,10- 20; 29, 13-14; Gr 7, 1 – 8, 3; v.v…). Ông chống lại óc duy luật, thái độ tự mãn, tự trấn an rằng mình là con cháu Abraham (3, 9). Đức tin đâu phải là một di sản giống nòi: Đức tin là một dấn thân đích thực, một cuộc tự đặt lại vấn đề không lúc nào nguôi. An phận trong ơn gọi là một cạm bẫy không ngừng đối với Israel, trong lúc sự hối cải đích thực đòi hỏi phát sinh những hoa trái bên ngoài (3, 10; 7, 17- 19; 12, 33). Gioan đã đặt giai cấp lãnh đạo Do thái trước sự phán xét của Thiên Chúa, y như Chúa Giêsu sẽ làm về sau (ch.23). Như vậy, qua việc trình hãy vai trò của Gioan và Chúa Giêsu trong lịch sử cứu rỗi cũng như trình bày thái độ các ngài chống lại Israel cứng lòng, Mt đã liên kết cả hai lại. Có sự liên tục hoàn toàn giữa Gioan và Chúa Giêsu. Sự liên tục này nhất thiết cũng có ở mọi ngôn sứ thuộc mọi thời đại, vì sự cứng lòng và giả hình là một đe dọa thường xuyên đối với bất cứ cộng đoàn nào tự cho mình là cộng đoàn được cứu độ. Và đấy là lý do sâu xa khiến Mt đưa vào trong Tin Mừng của ông những lời xỉ vả của Gioan: các lời quở trách thủ lãnh Israel ấy cũng nhắm đến những kẻ điều hành cộng đoàn Mt, cũng như cộng đoàn Kitô hữu, nhắm đến những kẻ lãnh đạo chẳng hề quan tâm đến việc phát sinh “hoa quả tốt lành” (3, 10). Thái độ của họ là cách duy nhất giúp người ta nhận ra họ là ngôn sứ giả vậy (7,16).

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

Câu 1 nói đến việc Gioan Tẩy giả xuất hiện trong sa mạc Giuđêa. “Trong những ngày ấy” không phải là một tiếng xác định thời gian, vì những sự kiện tường thuật trong chương 3 xảy ra khoảng 30 năm sau những biến cố của chương 2, song là một công thức chuyển mạch có ít nhiều tính chất thần học, một công thức các ngôn sứ Cựu ước quen dùng để chỉ thời đại phục hưng của Đấng Thiên sai (Is 25, 9; 26, 1; 27, 1 .2.6. 12. 13…). “Xuất hiện”: động từ được dùng ở thì hiện tại để đặc trưng việc Gioan và Chúa Giêsu đến (3, 1. 13) và gợi lên tính cách hiện thực của lời các ngài loan báo. “Rao giảng” (kêrussôn, kerygma): một từ ngữ chuyên môn trong Tân ước (61 lần) dùng để chỉ việc công bố Tin Mừng. Chủ từ của động từ này luôn luôn là Gioan, Chúa Giêsu, các sứ đồ. Đối tượng của việc công bố bao giờ cũng là Tin Mừng, Nước Trời hay một cái gì tương đương. Mượn từ Cựu ước (38 lần theo bản 70), có lẽ từ Is 61, 1 , từ ngữ “rao giảng” như vậy liên kết Gioan Tẩy giả với truyền thống lớn của bao lời giảng có tính cách tiên tri, thiên sai và khải huyền. “Trong sa mạc Giudêa”: sa mạc nằm giữa tuyến đường Giêrusalem- Hêbron và Biển chết.

Câu 2 tóm tắt lời rao giảng của Gioan và tương ứng từng chữ một với lời rao giảng của Chúa Giêsu ở 4, 17. Viết như thế, Mt muốn nhấn mạnh rằng lời loan báo của Gioan Tẩy giả hoàn toàn liên lục với lời của Chúa Gỉêsu. Như Chúa Giêsu, Gioan chuyên rao giảng việc thống hối.

“Hãy hối cải”: Metanocô, theo nguyên ngữ, là “nghĩ lại, suy tư tiếp sau “, do đó mà có nghĩa là: “thay đổi ý kiến” rồi “hối tiếc, ăn năn, hoán cải”. Bản 70 dùng động từ này đặc biệt  trong các lời ngôn sứ kêu gọi Israel từ bỏ tà thần và trở về (shub) với Giavê. Ngôn ngữ Hy-lạp bình dân hiểu tiếng này theo một nghĩa rất đơn sơ: thay đổi ý kiến, hối tiếc một hành động, chứ không hối tiếc một tình trạng. Trong – Tân ước, metanocô nói lên việc đi từ tình trạng này sang tình trạng khác. Nó giả thiết một sự thay đổi toàn diện, biểu lộ ra trong toàn thể thái độ sống. Việc thay đổi ấy bao hàm một phương diện tiêu cực (bỏ đàng xấu xa tội lỗi) và một phương diện tích cực (hướng cả con người về với Thiên Chúa). Nguyên nhân hối cải là vì Nước thiên sai gần đến. Câu 2 này tiên báo 3, 7-10 (lời kêu gọi hoán cải) và 3, 11- 12 (lời công bố Đấng Thiên Sai sắp thiết lập Vương quốc). “Đã gần bên”: công thức chung cho lời rao giảng của Gioan lẫn của Chúa Giêsu đây mô phỏng theo công thức sách Isaia đệ nhị đã dùng để nói về sự công chính và ơn cứu rỗi cánh chung đang “đến gần” (với dộng từ Hy bá qârab, được bản 70 dịch ra là eggizein, động từ mà Mt dùng ở đây = có lẽ ám chỉ Is 46, 1 3; 50, 8; 51, 5; 55, 6; 56, 1; 58, 2). Khi minh nhiên tham chiếu Isaia trong câu tiếp theo, Mt muốn dạy rằng lời rao giảng của Gioan Tẩy giả dựa trên chính quyền bính của Thiên Chúa.

Câu trích dẫn Is 40, 3: Đầu “Sách an ủi” (Is 40- 55), Thiên Chúa loan báo Ngài sẽ nâng đỡ dân Ngài, lúc phục hưng họ sau thời lưu đày (Is 40, 1-2). “Tiếng hô” nơi Is 40, 3 xem ra khác tiếng Thiên Chúa (Is 40, 1), vì lời công bố của Thiên Chúa đã chấm dứt nơi câu 2, trong khi câu 3 mở đầu với một “tiếng hô” đưa vào lời công bố tiếp; hơn nữa, khó mà hiểu được Thiên Chúa lại bảo: “Hãy vạch một con đường cho Thiên Chúa chúng ta”. Cho nên đấy là một tiếng nói mông lung, có lẽ của một thiên thần. Thể song đối của câu này khiến các nhà chú giải thời nay đặt hai chấm trước chữ “trong sa mạc”: Có tiếng hô: “trong sa mạc hãy dọn đường cho Giavê, trong đồng cỏ hoang hãy vạch thẳng lối cho Thiên Chúa chúng ta”. Theo bản Hy bá, nơi vang lên tiếng vô danh ấy không được xác định rõ ràng. Tiếng hô loan báo rằng Thiên Chúa sắp dẫn đầu dân Ngài trong một cuộc tiến rước khải hoàn. Ngài sẽ dẫn Israel từ Babylon về Giêrusalem. Bỏ lộ trình thông thường đi qua miền lưỡi liềm phì nhiêu, đoàn người sẽ trực liếp ngang qua sa mạc

Siri Ả-rập. Nhân danh Thiên Chúa, tiếng nói ra lệnh phải sửa đường cho bằng phẳng, thẳng tắp. Khi dịch câu này, bản 70 có đổi một  ít chi tiết. Chữ “trong sa mạc” được nối liền với chữ “một tiếng hô”. Các tác giả Tin Mừng Nhất lãm lấy lại nguyên văn bản 70, trừ nơi đoạn cuối, họ bỏ chữ “Thiên Chúa chúng ta” mà thay bằng chữ “của Người”. Vậy là “tiếng của người hô trong sa mạc” bấy giờ rõ ràng trở thành Gioan Tẩy giả. “Chúa” trong thành ngữ “đường Chúa” ở đây chỉ Chúa Kitô: “Chúa” là tước hiệu chính mà Giáo Hội gán cho Chúa Giêsu sau khi người phục sinh, một tước hiệu cho thấy trong cuộc tôn vinh đó lời Tv 2,7 đã được hoàn thành. Việc thay chữ “Thiên Chúa chúng ta” bằng chữ “của Người” xác nhận lối giải thích chữ “Chúa” theo ý nghĩa thiên sai. Như trong nhiều câu trích dẫn khác ở đây Tân ước gán cho Chúa Giêsu một phẩm vị mà Cựu ước thường dành cho Giavê. “Hãy sửa lối đi của Người cho thẳng” nghĩa là hãy sửa lối của Đấng Thiên Sai đang đến gần. Bởi vì tiếng hô được đồng hóa với Gioan, nên những lời này là lời ông ngỏ với dân để chuẩn bị cho họ đón. Đấng Messia tới, việc sửa soạn đó là hối cải, điều kiện cần thiết để được tha tội.

Việc bốn Tin Mừng đồng trích dẫn Is 40, 3 cho thấy “chứng từ” đó được phổ biến rộng rãi trong Giáo Hội sơ khai. Đàng khác, Isaia là vị ngôn sứ có ảnh hưởng nhất trong Giáo Hội thời ấy; ông được Tân ước nhắc đến tên 22 lần và như vậy là cuốn sách Cựu ước được trích dẫn nhiều nhất.

“Trong sa mạc”: Vì sống trong sa mạc từ thời niên thiếu (Lc 1, 80), nên Gioan đã xa lánh mọi tiện nghi của đời sống (Mt 11, 8; Lc 7, 25), nhất là xa hẳn những khuôn khổ đạo đức Do thái, đặc biệt của Đền thờ và của hội đường. Nét đó đưa ông đến gần những người phái Qumrân. Tại sao Gioan lại thi hành sứ vụ trong sa mạc thay vì rao giảng như Chúa Giêsu trong. Các hội đường? Không chắc là vì chỉ để làm phép rửa tại sông Giođanô. Về điểm này, Gioan xem ra gắn liền với một truyền thống khá phổ biến trong Israel. Theo truyền thống ấy, thời Israel lang thang trong hoang địa, từ lúc ra khỏi Ai-cập đến khi vào Đất hứa, được xem như một thời kỳ chứa chan ân sủng, thời kỳ tuyển dân sống thân tình với Thiên Chúa, được Ngài đối xử nhân hậu (Đnl 2,7; 8, 2- 5; Gr 2, 25; Hs 2,16). Vì thế người ta tin rằng vào thời cánh chung, Nước Thiên Chúa sẽ khởi đầu từ trong sa mạc và Đấng Mêsia sẽ xuất hiện tại đấy (Mt 24, 26).  Do đó một vài thủ lãnh các phong trào thiên sai thường dẫn đồng đảng của mình vào sa mạc (Cv 21, 38). 

Y phục và thức ăn của Gioan (c.4) biểu lộ con người đã từ bỏ mọi tiện nghi để trở thành người của Thiên Chúa. Qua lối  sống đó ông cũng gợi lên hình ảnh ngôn sứ chính danh. Song ở đây ông đặc biệt gợi lên hình ảnh Elia, kẻ thường mang “một bộ lông và ngang lưng quấn xiêm da” (2V 1 ,8). Theo một truyền thống kỳ cựu (2 V 2), Elia đã được đưa lên trời không chết, truyền thuyết xác nhận thế) và sẽ trở lại làm tiền hô cho Ngày cánh chung (Mt 3, 23). Khi phục sức cho Gioan giống Elia, Mt măc nhiên bảo rằng Gioan Tẩy giả chính là Elia, nghĩa là kẻ thi hành chức vụ Elia, chức vụ tiền hô. Nên lưu ý là theo Dcr 13, 4, chiếc áo lông tượng trưng nét đặc biệt của các ngôn sứ “Châu chấu” và “mật ong dại” là hai thức ăn đơn giản của Gioan, nhưng Mt không quả quyết là Gioan chỉ sống bằng châu chấu và mật. Châu chấu chẳng phải là một thức ăn lạ lùng đâu: Tài liệu Damas (Document de Damas, của Qumrân) có bảo phải chiên hoặc luộc chúng mà ăn; người Béđouins hiện thời thường ăn châu chấu chiên hoặc ướp muối. Còn mật thì hoặc là mật ong tìm trong hốc đá, hoặc là nước rỉ của cây tây hà liễu (tamaris).

Câu 5 ghi nhận ảnh hưởng sâu xa của Gioan trên dân chúng. “Và trẩy đến với ông” (nguyên tự: và đi ra đến với ông – kai exseporeueto): có thể động từ này gợi lại Is 48, 20 và 52, 11 (lời khuyên bả o đi ra khỏi Babylon để thanh tẩy). Từ thời Isaia đệ nhị, hình ảnh một cuộc hành hương thanh tẩy tội lỗi luôn nằm trong cánh chung luận Do thái. “Tất cả” dân chúng:  trái với những người Essêni, Gioan ngỏ lời với toàn thể Israel chứ không với một giai cấp nào đặc biệt. Dầu sao đây là một thành ngữ phóng đại, vì ta biết rằng nhóm Biệt phái và Sađucêo đã từ chối sứ điệp và phép rửa của Gioan (Mt 21, 32; Mc 9, 13; 11, 31; Lc 7, 29tt). Kiểu nói phóng đại này, vừa gợi lên thành công Gioan thu đạt được, vừa nối kết sứ mệnh Gioan với Is 40, 3, nơi mà “tiếng của người hô” ngỏ cho toàn dân và chuẩn bị mọi người đón chờ Đấng Messia đến.

“Xưng thú tội lỗi”: Exsomologeô, “thừa nhận, tuyên xưng, cáo mình công khai”. Trong bản 70, động từ này đặc biệt diễn tả sự khen ngợi, lòng tạ ơn (so sánh với Mt 11, 25). Việc xưng thú tội lỗi hình như đi liền sau phép rửa hoặc xảy ra ngay trước đó. Có lẽ đây chỉ là một lời xưng tội tổng quát.

“Ông thấy nhiều người Biệt phái và bè Sađucêo đến chịu thanh tẩy”. Xét theo lịch sử, khuynh hướng của hai nhóm này thường đối nghịch nhau. Tuy nhiên Mt gộp chung họ lại (x. 16, 1; 16, 11 -12), đặt họ cùng hứng những lời quở mắng của vị Tẩy giả. Đó là vì Mt muốn tấn công trực tiếp các thủ lãnh của dân, muốn vạch trần thái độ tráo trở và tự mãn của họ, thái độ mà mỗi người có thể khám phá thấy nơi chính mình. Chắc hẳn, vào thời Mt biên soạn Tin Mừng, nhóm Sađucêo đã mất ảnh hưởng, nhất là từ lúc thành Giêrusalem bị tàn phá; tuy nhiên mối tranh chấp giữa các cộng đoàn Do thái và Kitô giáo ngày càng thêm sâu rộng. Trong bối cảnh ấy, thành ngữ “Biệt phái và Sađucêo” có ý chỉ các lãnh tụ tôn giáo nói chung, thường dân lẫn giáo sĩ. “Đến chịu thanh tẩy”:.giới từ epi ở đây xem ra hàm hồ, vì có thể làm cho người ta nghĩ rằng Biệt phái và Sađucêo đến xin chịu thanh tẩy. Thật ra, sau này ta sẽ thấy, Biệt phái không tin vào Gioan và chẳng chấp nhận phép rửa của ông (Mc 11, 27- 33; Mt 21, 32; Lc 7, 30); ở đây có lẽ họ đến là để điều tra về ông (Ga 1, 19- 28). Ta biết rằng Do thái giáo chính thức đã bắt bớ những người Essêni ở Qumrân. Do đó có thể nghĩ rằng nhóm Biệt phái cũng có thái độ thù nghịch tương tự đối với Gioan là kẻ cũng đang đứng bên lề tôn giáo chính thức.

“Nòi rắn độc” nghĩa là con cháu Satan. St 3 đã từng trình bày con rắn như là tiêu biểu của tính xảo trá lừa lọc. Về sau rắn được liên kết với Satan; Kh 12, 9 mô tả Satan như  “con rắn thuở xưa”. Lời của Gioan Tẩy giả ở đây đối nghịch dữ dội với mặc cảm tự tôn của Biệt phái (x. “con cái Abraham” ở câu 9).

“Cơn Thịnh nộ hòng đến”: Cơn Thịnh nộ, theo nghĩa tuyệt đối là cơn thịnh nộ của “Ngày giao”. Truyền thống ngôn sứ Cựu ước đã liên kết hai ý niệm này với nhau Is 13, 6-9; Xp 2, 2; Ml 3, 2. 23- 24). Nó là yếu tố chính mà niềm hy vọng thiên sai hằng chờ đợi. Mặc dầu các ngôn sứ đã quả quyết: Cơn Thịnh nộ cánh chung ấy sẽ giáng xuống trên các tội nhân (x. Am 3, 2), Do thái giáo thời Tân ước vẫn quan niệm rằng nó chỉ dành cho lương dân (tức những kẻ chẳng phải là “con cái Abraham”), những kẻ bị coi là tội lỗi. Quan niệm độc đoán ấy bắt nguồn từ thời bách hại của các vua Hy lạp dòng dõi Séleucos (tk IV-I) do ảnh hưởng của luồng tư tưởng khải huyền. Cơn Thịnh nộ ấy của Thiên Chúa, một cơn thịnh nộ tiêu diệt bọn lương dân thống trị Israel, đã được đưa vào trong một thuyết thiên sai đầy màu sắc chính trị. Phản ứng của Gioan là nhằm đưa người ta trở về viễn tượng đích thực của các sứ ngôn:  cơn giận Thiên Chúa sẽ đè nặng trên mọi tội nhân, bất kể họ là ai. Bởi đấy mà ông tuyên bố, như  Chúa Giê su (Mt 4, 17; Mc 1, 15) là mọi người cần phải hối cải và lãnh nhận phép rửa, một điều tương đương với việc tái nhập vào Israel đích thực, y như người tân tòng đi vào cộng đoàn Israel qua phép rửa vậy. Thánh Phaolô đã lấy lại thành ngữ “Cơn Thịnh nộ hòng đến” (1Tx 1, 10; Rm 5, 9) để khẳng định rằng Chúa Kitô sẽ cứu ta khỏi cơn giận ấy.

“Hy sinh quả phúc đức xứng với lòng hối cải”. Hối cải, một tình cảm nội tâm, phải được minh chứng ra bên ngoài bằng những hành vi tương ứng. Hình ảnh được lấy từ câu 10: cây sinh trái (so sánh với Mt 7, 16- 19; kết luận của Diễn từ trên núi, và với Lc 13, 6: cây vả cằn cỗi).

“Chúng tôi có cha là Abraham” (so sánh với Ga 8, 33). “Cha Abraham” là một thành ngữ các giáo sĩ Do thái năng dùng. Nó đã xuất hiện trong Is  51, 2. Tân ước cho thấy nó cũng được sử dụng thường xuyên vào thời ấy (Lc 16, 24; Cv 7, 2; Rm 4, 1). Từ ngữ nhắc đến một trong những lý do vững tâm của Israel: lời Thiên Chúa hứa cho Abraham và cho “các tổ phụ” vẫn có giá trị cho hậu duệ. Thế mà theo lối cắt nghĩa của các giáo sĩ, hậu duệ ấy là những người con xác thịt của Abraham. Bởi đấy mà trong Do thái giáo có câu châm ngôn quả quyết ai thuộc dòng máu Do thái thì chắc chắn sẽ được cứu rỗi: “Toàn thể Israel được tham dự vào thời tương lai”. Một châm ngôn kiểu đó giả thiết rằng mỗi người Do thái đều được một quyền lợi mà Thiên Chúa phải thỏa mãn; họ không còn là người tôi tớ trông chờ Chủ mình thương xót ban ơn. Thứ an toàn đó tự nhiên dễ làm cho một số người Do thái sống phóng túng về mặt luân lý và giải thích được thái độ tự mãn kiêu căng của nhóm Biệt phái.

“Vì Thiên Chúa có thể lấy các viên đá này mà gầy nên con cái cho Abraham cũng được”. Ở đây có một lối chơi chữ theo tiếng Aramêo: abenyyâ “viên đá” và benayâ “con cái”. Do thái giáo ít ra mặc nhiên kết luận rằng Thiên Chúa, vì bị trói buộc bởi lời hứa cứu rỗi với Abraham, nên cần có Israel để trung thành với chính lời mình. Phản ứng của Gioan là đòi lại tự do hoàn toàn cho Thiên Chúa, Đấng vẫn chu toàn lời hứa được khi loại trừ con cháu Abraham theo xác thịt nếu họ từ chối hối cải và tạo nên một Israel mới. Bằng cách đó, rõ ràng là Gioan khai mào cho lời công bố của Chúa Giêsu: Israel sẽ bị khai trừ và lương dân sẽ được kêu gọi làm thành một lsrael mới phát sinh hoa quả (Mt 8, 11- 12; 21, 43; so sánh với Rm 9, 6- 8). Tuy nhiên tư tưởng của Gioan chưa có tính cách phổ quát như tư tưởng Chúa Giêsu. Tầm nhìn của ông vẫn còn giới hạn nơi Israel. Ông chỉ trực tiếp tấn công ảo tưởng kiêu căng dựa trên những đặc quyền quốc gia, thứ ảo tưởng muốn chối bỏ tự do Thiên Chúa và miễn cho Israel khỏi thống hối trở về.

“Lưỡi rìu đã sẵn gốc cây”: Trong Cựu ước, cây là hình ảnh các dân tộc. Chắc ta còn nhớ hình ảnh cây thông bị đốn ngã (Is 6, 13) hay cây trắc bá vĩ đại tượng dưng Israel bị quân xâm lăng tàn phá (Ed 31,10- 13), một hình ảnh đã được Đanien lấy lại để diễn tả sự bành trướng và tàn lụi của đế quốc Babylon (Đn 4,7-12). Ở đây các động từ đều ở thì quá khứ hay hiện tại, chứ chẳng bao giờ ở tương lai: nghĩa là cuộc phán xét tương lai được xem như hiện tại. Cũng như không gì có thể cứu cây khô khỏi lửa đốt, thì cũng chẳng có gì cứu nổi Israel chai đá khỏi cơn đoán phạt. Bài diễn từ trên núi cũng chứa một lời cảnh cáo tương tự (7, 19): Mt tái xác nhận sự hòa hợp hoàn toàn giữa lời rao giảng của Gioan và của Chúa Giêsu vậy.

“Người sẽ thanh tẩy các ngươi trong Thánh Thần”: Đối với Mt và cộng đoàn của ông, đó là việc ban Thần khí của Thiên Chúa (x. Lc 24, 49; Cv 1, 5; 11, 16; 19, 1 -7). Phép rửa trong Thần khí để ban sự sống mới ấy đã hoàn thành lời hứa của Ge 3, 1 mà Is 44, 3; Ed 11, 19; 18, 31; 36, 25tt; Dcr từng loan báo. 

“Trong Thánh Thần và lửa”, lai pu ri: Thành ngữ này tạo nên một khó khăn cổ điển. Ta có thể hiểu nó bầng hai cách. Hoặc lửa, liên kết với Thánh Thần, tượng trưng cho sự thanh tẩy mà Ngài thực hiện, thanh tẩy hiệu lực hơn là với nước hoặc lửa là hình ảnh cuộc phán xét cánh chung mà Đấng Thiên Sai đang đến thi hành.

Sau đây là vài chỉ dẫn chính của khoa chú giải giúp ta giải thích đoạn văn. Cũng một giới từ en (tương đương với dia, chỉ nguyên nhân tính dụng cụ) đứng đầu “Thánh Thần” và “lửa” cho phép ta nghĩ rằng Mt cố ý nối kết “lửa” với “Thánh Thần” và cả hai phải hiểu trong tương quan với nhau. Tuy nhiên văn mạch gần đó lại cho thấy là “lửa” tượng trưng sự phán xét. Quả vậy, “lửa” xuất hiện trong ba câu liên tiếp nhau. Thế mà trong câu 10 và 12, “lửa” rõ ràng tượng trưng sự phán xét. Vậy thì làm sao “lửa” của câu 11, đóng khung bởi “lửa” phán xét, có thể có một nghĩa khác được? Vả lại tất cả sứ điệp của Gioan đều nhấn mạnh đến vai trò Thẩm phán cánh chung của Đấng Thiên sai: “cơn thịnh nộ hòng đến” (c.7), “rìu” và “lửa ” (c. 10), việc phân biệt người công chính và kẻ tội lỗi (c. 12).

Nhưng nếu khảo sát văn mạch xa hơn, ta nhận thấy rằng “lửa” được liên kết với Thần khí trong quang cảnh ngày Hiện xuống: việc ban Thánh Thần được biểu trưng bằng các ngọn lửa (Cv 2,3). Thế mà Chúa Kitô phục sinh đã loan báo việc ban Thần Khí đó như là một phép rửa” (Cv 1, 5; so sánh với Cv 11, 16). Đoạn Cv 1, 5 này liên hệ chặt chẽ với bản văn của ta đây bởi vì Chúa Giêsu, như ở đây, cũng đặt phép rửa nước của Gioan gần kề phép rửa bằng Thánh Thần. Về phần Cựu ước, người ta biết có tới hai lời loan báo về thời đại cánh chung: loan báo Thần khí (Is 44,3; Ed 11, 19; 18, 31; 36, 25- 28; Ge 3, 1tt) và loan báo lửa báo thù quân vô đạo (Is 30, 33; 34, 9tt; Ml 3, 19). Biểu tượng lửa tương quan với Thiên Chúa thường được nhắc tới trong Cựu ước. Giavê biểu lộ sự hiện diện của Ngài bằng lửa. Lửa trừng phạt quân vô đạo nhưng thanh tẩy người công chính (ví dụ thị kiến khai mạc của Is 6). Lửa loại trừ những gì xấu xa và biểu lộ sự đòi hỏi thánh thiện của Thiên Chúa.

Tất cả mọi chỉ dẫn chú giải ấy đều có giá trị, nhưng lại đẩy bản văn chúng ta theo hai hướng khác nhau: lửa của Thần khí và lửa của phán xét. Chọn một trong hai cách giải thích là độc đoán phủ nhận các lập luận vững chắc. Giả thuyết dung hòa hơn cả là cho rằng trước tác sau cùng của Mt đã giữ lại câu nói của Gioan với ít nhiều thay đổi mà người ta đã thêm khi lưu truyền lại bằng miệng hoặc bằng viết. Vào thời đầu lúc mới lưu truyền, lời ấy loan báo cuộc phán xét, và tiếng “lửa” của câu 11 có cùng một nghĩa như nơi câu 10 và 12 so sánh Ml 3, 1- 3). Kiểu nói lúc bấy giờ có lẽ là: “Người sẽ thanh tẩy các ngươi trong gió (tiếng aramêo rua và tiếng Hy lạp tương ứng:  pneuma đều có nghĩa là “gió” và “sinh khí” hay “thần khí”) và “lửa” “Gió ” và “lửa” đồng tượng trưng việc phán xét, như câu 12 về việc sảy sạch bằng rê lúa cho thấy. Phép rửa lúc bấy giờ là hình ảnh của việc hủy diệt (Mc 10, 38tt; Lc 12, 50). Ẩn dụ này đã từng được dùng trong Cựu ước rồi: con người gặp cảnh đau khổ được Cựu ước trình bày như kẻ bị đắng chìm, ngụp lặn trong đó (Tv 69, 2- 4; 124, 4- 5). Như vậy, vào thời đầu ấy, người ta không nói có sự đối nghịch giữa phép rửa của Gioan và một nghi thức cao cả hơn; đối nghịch đúng ra nằm trong ngôn từ (thanh tẩy bằng nước và thanh tẩy bằng lửa), và ám chỉ rằng phép rửa của Gioan là cơ hội sau cùng giúp người ta tránh được một phép rửa khủng khiếp hơn, tức là cuộc phán xét.

Một thời gian sau khi lưu truyền câu đó, các Kitô hữu, được giáo huấn Chúa Giêsu và kinh nghiệm Hiện xuống soi sáng, đã đọc lại và khai triển lời loan báo của Gioan. Câu nói nguyên thủy có lẽ đã muốn đặt nổi vai trò Thẩm phán cánh chung của Chúa Kitô. Còn các Kitô hữu lại muốn nói đến vai trò cứu rỗi của Chúa Kitô, Đấng đã ban Thần khí, đã dùng Thần khí hầu tái tạo nhân loại. Để phù hợp với quan điểm đó, có lẽ người ta đã thêm chữ “thánh” vào chữ “thần khí” (pneuma) để hiểu chữ này theo nghĩa Thánh Thần Chúa Kitô đã ban, cùng hiểu từ ngữ “lửa” theo nghĩa “biểu tượng của Thánh Thần”. Thành ra trong đoạn này, Mt đã gán cho Gioan lời loan báo: phép rửa chuẩn bị của ông đối nghịch với phép rửa chung quyết trong đó con người sẽ được Thần khí của Thiên Chúa biến đổi từ bên trong.

Câu 12 đưa ra một hình ảnh mới về Đấng Mêsia-thẩm phán. Lối so sánh trong câu mượn từ các ngôn sứ. Các ngôn sứ mô tả việc Giavê đến lần sau hết như một người, sau khi gặt lúa xong, bắt đầu sàng gạo để bỏ vào kho và quét trấu dọn sạch sân lúa (Hs 9, 1- 2; Mca 4, 11 -13; Gr 4, 11); ngọn lửa thiêu hủy và thanh tẩy diển tả việc Thiên Chúa hăng say trừng phạt quân vô đạo (Am 1, 4-2, 5; Ed 22, 18- 22; Xp 1, 18; Ml 3, 2- 19; Is 66, 15-16). Biểu tượng của việc phán xét thần linh ấy ta sẽ thấy lại trong dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13, 30). “Lúa” dĩ nhiên chỉ những kẻ đã hối cải và sinh hoa quả thống hối trước khi cuộc phán xét xảy ra. “Trấu” nói đến những quân vô đạo không chịu’sinh hoa kết quả. Lửa “không hề tắt” (Is 66, 24; Mt 13, 42. 50) là một kiểu nói Gioan dùng để diễn tả số phận chung cục, vĩnh viễn của con người tội lỗi.

KẾT LUẬN

Sứ vụ của Gioan khai mạc một chương mới trong lịch sử cứu rỗi: các ngôn sứ đã loan báo việc Chúa đến, còn ông là kẻ sửa soạn cho Người. Với tấm lòng nhiệt thành, Gioan xứng danh là Elia mới, người chuẩn bị cho Đấng Thiên sai đến và là kẻ mà thiên hạ mong chờ. Sự cao cả của ông là ở chỗ đó.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Mọi Kitô hữu đều có thể bị cám dỗ bắt chước người đương thời của Gioan Tẩy giả, những kẻ tự hào về danh hiệu “con cái Abraham”, khi tự nhủ mình rằng: tôi đã chịu thanh tẩy trong Giáo Hội, tôi thuộc về một giới trọng vọng, tôi đi lễ thường xuyên, như vậy là tôi được bảo đảm trước mặt Chúa. Gioan Tẩy giả bấy giờ sẽ trả lời cho ta như cho người Biệt phái: không phải hễ được mang danh hiệu tín hữu, đã chấp nhận nghi thức như một thứ bùa chú hộ mệnh, là được miễn thực thi trong thân xác, tâm hồn và trí tuệ việc sám hối mà Chúa đòi hỏi khi Người khai mạc Nước trời.

2. Chấp nhận việc Chúa đến trong ngày Giáng Sinh là mong cho ngọn lửa mà Chúa Kitô mang tới sẽ thanh tẩy và biến đổi ta, là muốn rằng Thánh Thần của Người trở thành sự khôn ngoan và sức mạnh cho ta.

3. Lòng ăn năn đích thật, sự hối cải chân thành không nằm nơi những tình cảm đẹp đẽ suông hay nơi những nghi thức bên ngoài, nhưng nơi những công việc và hành vi cụ thể lôi kéo toàn thể con người ta.

Học viện Giáo hoàng Pi-ô X Đà Lạt

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top