NHỮNG ĐÒI HỎI CỦA SỨ VỤ TÔNG ĐỒ
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C
(Lc 9,51-62)
1. Đoạn văn này mở đầu cho phần thứ ba của phúc âm Lc: hành trình lên Giêrusalem (9,51 đến 19,28). Mục đích của cuộc hành trình này còn được định rõ 2 lần nữa sau này (13,22 và 17,11). Cho dù giá trị lịch sử được gán cho khung cảnh mà Lc sử dụng ở đây là thế nào đi nữa, ý hướng của Lc đã rõ ràng: 10 chương này (đa số được cấu thành bởi những đoạn văn của riêng phúc âm thứ ba, trong đó Lc đã tập hợp những dữ kiện và lời nói tương đương với nhau) có nội dung là hướng về cuộc hành trình lên Giêrusalem, và như thế là hướng về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đây là “khởi đầu của cuộc tử nạn” (Calvin). Bản văn này gồm hai phần khác biệt nhau: thái độ vô tâm của một làng Samaria (cc. 51-56) và những đòi hỏi của sứ vụ tông đồ (cc. 57-62).
2. Giọng văn long trọng của câu 51 rõ ràng biểu thị hai điều: trước tiên, thời gian mà Chúa Cha ban cho Con Ngài để thực hiện công trình tại thế của Ngài sắp kết thúc và việc Chúa Giêsu ra đi đã gần kề. Sứ vụ tại thế của Chúa Giêsu được lồng vào trong việc kiện toàn thời gian (Mc 1,15; x. Gal 4,4), đưa tới việc hoàn thành nước Thiên Chúa. Nước Trời sẽ được hoàn tất nhờ việc analempsis, siêu thăng hay về trời của Chúa Giêsu. Trong hy ngữ của Tân ước, danh từ “ana lempsis” này chỉ xuất hiện ở đây, nhưng động từ của nó được xử dụng (đặc biệt trong các văn phẩm của Lc) để chỉ việc nhắc lên trời (Cvsđ 1,2.11.22; 10,16), ngoài ý nghĩa thông thường là: đón lấy, mặc lấy (Cvsđ 20,13.14; Eph 6,13). Chính bản LXX cũng dùng động từ này để chỉ việc Elia được cất về trời (2V 2,9-11); sự kiện này có thể được móc với việc nhiều thủ bản nhắc đến Elia trong câu 54 (x. Nguyễn Thế Thuấn).
Tiếp đến, ý định của Chúa Giêsu trở lên Giêrusalem là một quyết định quan trọng. Chúa Giêsu ý thức rõ ràng Ngài phải chịu đau khổ và chịu chết trong thành thánh, và theo Lc, Ngài đã hai lần loan báo cuộc khổ nạn của Ngài (9,22 và 9,44-45). Nhưng phúc âm vẫn thường ít chú trọng đến tâm lý cũng như trạng thái tâm hồn của Chúa Giêsu, ở đây lại nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu không dấn thân trên con đường đưa tới cái chết một cách bộp chộp hay thản nhiên như một cách nhàn du đi theo con đường đã vạch trước. Câu văn diễn theo từng chữ là: Ngài rắn khuôn mặt lại. Vẫn biết từ ngữ “khuôn mặt” là một đặc ngữ Hy bá ám chỉ cả con người, nhưng không được phép hiểu từ ngữ này theo ý nghĩa là Lc cho thấy Chúa Giêsu biến đổi diện mặt bị xúc động mạnh. Nhưng “rắn khuôn mặt lại” có nghĩa là bày tỏ một quyết tâm dùng can đảm để vượt qua nỗi sợ hãi. Ở đây Lc đã khơi mào cho thấy những đau khổ đầu tiên của cơn hấp hối mà Chúa Giêsu sẽ phải chịu ở Giêtsimani (22,39-46).
Thành ngữ “Chúa Giêsu rắn khuôn mặt lại khi lên Giêrusalem” xem ra cũng ám chỉ đến bài ca thứ ba về Người tôi tớ của Giavê. Bài ca đó có nói: “Chúa Giavê đến cứu giúp tôi, vì thế tôi không còn cảm thấy bị lăng nhục. Vì thế tôi trơ mặt ra như đá; tôi biết rằng tôi sẽ không phải xấu hổ” (Is 50,7). Qua sự tương cận này, Lc đồng hóa Chúa Giêsu với Người tôi tớ của Giavê mà ông đã ám chỉ trong cuộc Biến Hình (9,35). Như thế cuộc hành trình lên Giêrusalem là khởi điểm của công cuộc hiến tế của Người-tôi-tớ Giavê.
Vậy Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem với tư cách là Người-tôi-tớ, là vị ngôn sứ, là Đấng thiên sai, đại diện Thiên Chúa viếng thăm dân Người và ban cho họ đầy tràn ân sủng. Vì thế, Lc đã dùng ngôn ngữ long trọng: “Ngài sai phái bộ đi trước Ngài” (c.52). Rất có thể khi sử dụng một ngôn ngữ long trọng như thế, Lc đã muốm ám chỉ đến lời tiên tri thiên sai của ngôn sứ Malakia: “Này đây Ta sẽ sai phái sứ giả của Ta, để người đó dọn sạch đường trước mặt Ta. Và vị Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ bất ngờ đi vào thánh điện của Ngài” (Mal 3,1). Nhưng ở đây có một sự chuyển dịch ý nghĩa: chính Chúa Giêsu là Giavê và các sứ đồ là các sứ giả. Và thực sự, như sẽ thấy trong chương 19, cuộc hành trình của Chúa Giêsu lên Giêrusalem sẽ chấm dứt bằng việc Ngài long trọng đi vào đền thờ để xua đuổi những kẻ buôn bán và để giảng dạy ở đó (19,45-48).
3. Nhưng những sứ giả đi trước Chúa Giêsu không chỉ có một nhiệm vụ biểu trưng. Cụ thể hơn họ có phận sự tìm kiếm lương thực, và sắp xếp chỗ ở cho Ngài. Biện pháp này thật là cần thiết cho cả đoàn người đi theo Chúa Giêsu. Chúng ta không thể đánh giá được tầm quan trọng của đoàn tùy tùng này và xem ra không chắc gì trong ngày Chúa khởi hoàn vào Giêrusalem (19,29-40) đoàn người này được tăng số bởi những kẻ hành hương lên Giêrusalem để dự lễ vượt qua, vì ngày lễ trọng đại này còn quá xa. Nhưng chắc hẳn đoàn tùy tùng này, ngoài 12 môn đồ và các bà đạo đức ra, còn có cả một số cảm tình viên, trong đó Chúa Giêsu sẽ chọn lấy 72 người mà Ngài sẽ sai đi rao giảng (10,1-30).
4. Giữa người Do thái và người Samaria, có những xung khắc trên bình diện quốc gia và trên bình diện tôn giáo. Người Samaria là miêu duệ của các bộ lạc Đông Á đến định cư này vào thời vương quốc phương bắc của người Do thái bị người Assyria chiếm đóng (722) và cũng là miêu duệ của những thổ dân bản xứ. Họ đã theo đạo Giavê của dân Do thái, nhưng họ đã xây dựng đền thờ riêng cho họ trên núi Garizim, và họ còn khác với dân Do thái về nhiều điểm trên bình diện tôn giáo (x. 2V 17,24-41). Người Do thái khinh dể người Samaria, xem họ như người nửa lương nửa giáo và tránh tiếp xúc với họ (Gio 4,9). Nhiều lần, vì thù ghét giữa hai dân tộc đã có những cuộc tấn công lẫn nhau. Khi người Samaria nghe biết Chúa Giêsu lên Giêrusalem họ chống đối Ngài ra mặt và từ chối tiếp đón Ngài. Thật vậy, nếu đã từ lâu người Samaria nuôi dưỡng một lòng thù ghét đối với người Do thái, thì họ còn đặc biệt ác cảm những lữ hành đi lên Giêrusalem, bởi vì những người này mặc nhiên chối bỏ phụng tự trên núi Garizim.
Phải chăng Chúa Giêsu chỉ tìm cách đi qua xứ Samaria để lên thẳng Giêrusalem Chúng ta có thể nghi ngờ điều đó, vì nếu thế thì Ngài chỉ cần vài ngày đường là đi đến thành thánh – điều này hoàn toàn trái ngược với cuộc hành trình dài dòng tường thuật trong những chương 9-19. Phải chăng Ngài cũng muốn rao giảng Tin mừng cho người Samaria? Không ai biết rõ, nhưng điều này xem ra ít phù hợp với lời khuyên răn của Chúa Giêsu (x. Mt 10,5) là “đừng đi vào trong một làng nào của xứ Samaria cả”. Dẫu sao đi nữa, sự việc một làng xứ Samaria từ chối không cho một đoàn người xứ Galilea hành hương Giêrusalem (c. 53) trú ngụ là điều phù hợp với những gì chúng ta biết về thành kiến của người Samaria và người Do thái đối với nhau. Và đúng với những lời giáo huấn của Ngài đã trao ban cho các môn đệ (9,5), Chúa Giêsu không mấy để ý đến sự kiện này (thái độ vô tâm của người Samaria) và ra đi nơi khác (c.56), nhưng cũng không quên khiển trách hai anh em Giacobe và Gioan (“con của sấm sét” theo Mc 3,17) về sự bất bình và nóng giận của họ (c.55). Họ đã không muốn khiến lửa từ trời xuống sát phạt những dân lành kém hiếu khách đó sao (c.54).
Trước đó chưa bao lâu, Gioan, dù đã hoàn toàn ý thức về phẩm chất cao cả của người sứ đồ – nhưng một cách hẹp hòi – đã có một lối cư xử mà Chúa Giêsu phải sửa sai (9,49-50). Và sau khi Chúa loan báo cuộc khổ nạn lần thứ ba (theo Mc 10,35-40), Chúng ta thấy hai anh em Giacobê và Gioan nẩy ra một tham vọng thái quá về chỗ đứng của họ trong vương quốc sắp tới. Trong cuộc biến hình vừa mới đây (9,28-36), Elia đã hiện ra với họ, và có thể họ nhớ lại rằng đã hai lần, theo lệnh của vị ngôn sứ, lửa từ trời đã xuống đốt cháy những binh sĩ vua Ochozias sai đến (2V 1,9-12). Dầu sao, đối với Chúa Giêsu, khi Ngài đến gần loài người, Ngài chỉ muốn mang lại ân sủng của Thiên Chúa mà thôi (Gio 3,17; 12,47). Nay chưa phải lúc thi hành việc phán xét, mà chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền chứ không phải con người, cho dù là sứ đồ đi nữa.
5. Ba câu chuyện ngắn ngủi tiếp theo trong các câu 47-62 có lẽ thực sự đã do Lc tập hợp lại (2 câu chuyện đầu được thu tập trong Mt 8,19-22 chuyện thứ ba là của riêng Lc) vì cùng trả lời cho một vấn đề: làm thế nào để theo Chúa Giêsu? Rất có thể cả ba câu chuyện xảy ra lúc bắt đầu lên đường một chỗ nào đó (Mt đặt chúng vào lúc Chúa Giêsu sắp vượt qua biên Galileêa để đến Gađara). Điều quan trọng là không phải con người của các nhân vật trong câu chuyện; vì người ta nhận thấy rằng Lc không nói rõ ràng một ai trong hai người đó trở nên môn đồ của Chúa Giêsu. Điều quan trọng chính là giáo huấn mà Chúa Giêsu ban ra vào dịp này. Chúa Giêsu đặt ra ba đòi hỏi cho kẻ muốn trở nên môn đệ Ngài.
a/ Phải từ bỏ mọi an toàn (cc.57-58). Một kẻ vô danh đầu tiên hứa hẹn theo Chúa Giêsu bất cứ nơi đâu. Có lẽ người ta trông chờ Chúa Giêsu nói trắng ra hay mạc khải cho người đó mục đích tối hậu của cuộc sống Ngài: Giêrusalem và cuộc khổ nạn. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời cho anh ta rằng Con Người không có nhà ở đâu hết và cuộc sống Ngài cũng không an toàn bảo đảm bằng cuộc sống của con thú rừng. Thành ngữ: “không có chỗ ngả đầu”, gợi lại việc trú ngụ ở Belem (2,7) và củng cố thêm ấn tượng mà các sách phúc âm cho thấy về cuộc sống lang thang và bấp bênh của Chúa Giêsu.
Ở đây cũng như nhiều chỗ trong các sách phúc âm, Chúa Giêsu tự gán cho mình tước hiệu Con Người. Thành ngữ này khi thì chỉ con người xét như là một phần tử của nhân loại (đây là ý nghĩa mà Cựu ước thường dùng) khi thì ám chỉ nhân vật mầu nhiệm mang lấy tư cách thẩm phán tối cao của thời cánh chung mà Đn 7,13 và sách Hê-nóc nói đến (đây là ý nghĩa mà Chúa Giêsu xử dụng để tự gọi mình) (khi tự coi mình như là Con Người, Chúa Giêsu đã chọn tước hiệu thiên sai ít liên hệ nhất với quốc gia chủ nghĩa và niềm hy vọng thiên sai chính trị của người Do thái). Như thế Chúa Giêsu nhấn mạnh một điểm tương phản mà có lẽ kẻ đối thoại không nhận ra, đó là nét tương phản giữa bản chất đích thực của Ngài và cuộc sống Ngài đang theo, mà mối hiềm thù của những dân làng Samaria vừa mới cho một ví dụ.
Thân phận của một môn đồ cũng là thân phận của Thày mình: ngoại kiều và lữ hành trên mặt đất này (1P 2,11). Cả hai đều không có một nơi trú ẩn bảo đảm (theo thư Do thái 13,14: “không có thành trì lâu bền”). Theo Chúa Giêsu tức là chấp nhận băng mình vào những khó khăn của cuộc sống.
b/ Phải xem tất cả đều là phụ tùy trước bổn phận cấp bách rao giảng Tin mừng. Kẻ đối thoại thứ hai không tự ý xin nhưng Chúa Giêsu ra lệnh cho anh ta theo Ngài. Người đó tự biện giải bằng cách nói mình tự phải chôn cất cha mình trước đã. Điều này không nhất thiết, có nghĩa là cha anh ta vừa mới chết, như đa số nhà chú giải thường hiểu (bởi vì tại xứ Palestine, việc chôn cất một người chết phải thực hiện ngay trong ngày nên khó mà nghĩ rằng Chúa Giêsu đã không đồng ý cho người được gọi triển hoãn vài giờ trong trường hợp ấy. Đúng hơn, người ấy thoái thác là vì muốn đợi cho cha mình, chắc chắn đã cao niên, chết đi đã rồi mới có thể đến theo Chúa Giêsu. Đó là một trì hoãn mà Chúa Giêsu từ chối).
Làm thế, Chúa Giêsu khẳng định rằng những bổn phận nhân loại là phụ tùy đối với những đòi hỏi của Nước Trời. Ngài không cho rằng những bổn phận gia đình là không đáng kể (x.Mt 15,3-9; 1Tm 5,8), nhưng trong trường hợp có xung khắc, thì những đòi hỏi của Nước Trời phải ưu vượt tất cả. Có một sự ưu vượt tối khẩn và quan trọng, “hầu mọi kẻ làm cha dưới đất khỏi ngăn trở Đấng tối cao và Cha mọi người được toàn quyền trên mọi sự” (Calvin). Đây cũng là tư tưởng mà chúng ta tìm thấy trong câu 14,26 (và trong đoạn song song nhưng có vẻ nhẹ hơn: Mt 10,37) nơi mà Chúa Giêsu nói rằng tình yêu đối với Chúa phải vượt quá tình yêu tha nhân và tình yêu chính mình, và trong trường hợp có tranh chấp giữa trung thành với Chúa và trung hiếu với tình cảm nhân loại, thì chính tình yêu Chúa phải vượt lên trên hết cho dù phải xảy ra một sự cắt đứt do bởi hận thù.
Trong câu trả lời, Chúa Giêsu dùng chữ “chết” với cả hai ý nghĩa vật lý và thiêng liêng (như trong Gio 5,21-29; Eph 2,1…): những ai mà cuộc sống đã không được đổi mới nhờ đức tin thì không phải là những người sống thực sự với Chúa.
Dầu vậy rất có thể là trong thực tế, câu trả lời của Chúa Giêsu ít cứng cỏi hơn câu thánh Lc kể lại (và Mt 8,22). Từ nguyên thủy, có lẽ có một lối chơi chữ của người Aram giữa “Mâtâ” (làng) và “metâ” (chết) với ý nghĩa là: “những người dân làng sẽ liệu chôn cất cha anh”, vì người ta bắt buộc phải chôn cất những tử thi không có thân nhân mai táng (giả thiết của Batiffol). Trong khi, dịch từ Aram qua Hy ngữ, truyền khẩu có thể đã làm mất lối chơi chữ đó và hiểu đó là những kẻ chết (hơn là những người dân làng) chôn cất kẻ chết. Một giả thuyết khác (M.Black) cho rằng trong bản Aram nguyên thủy có một lối chơi chữ giữa tiếng methinin (không dứt khoát) và tiếng mithin (chết, số nhiều). Theo giáo thuyết này, Chúa Giêsu đã có thể truyền lệnh cho kẻ được gọi hãy để việc chôn cất lại cho những kẻ không thể dấn thân vì nước Trời, những người không dứt khoát. Cho dù có giả thuyết nào đi nữa, hai bản văn chính lục và linh ứng này của Mt và Lc vẫn chỉ nói là kẻ chết chôn kẻ chết và cuối cùng những bản văn này là mẫu mực đức tin cho chúng ta.
c/ Phải quay lưng lại với quá khứ và nhìn về đàng trước (cc. 61-62). Như người đối thoại đầu, người thứ ba tự ý xin đi theo Chúa Giêsu. Điều kiện tiên quyết mà ông ta đặt ra gần giống điều kiện của Elise (1V 19,19-21) hơn nữa động từ “từ giã” (epitrephô) cũng có thể áp dụng cho của cải như trong 14,33 .
Câu trả lời chủ Chúa Giêsu như là một châm ngôn, mà nền văn chương thời cổ cho chúng ta nhiều ví dụ: “người cầm cày mà không khom lưng xuống thì dễ cày trật lất” (Pline). Để vạch một đường cày cho đúng không được quay mặt lui. Ở đây, người ta cũng nhớ lại lúc Elise đang cày thì Elia gọi ông.
Câu trả lời của Chúa Giêsu có ý nghĩa như câu trả lời trước nhưng tổng quát hơn. Theo Chúa Giêsu thì phải dứt khoát với quá khứ. Không những phải cắt đứt những ràng buộc cũ với gia đình mà còn phải từ bỏ nỗi lo lắng giữ lại tất cả gia sản những giá trị và kinh nghiệm luân lý mà quá khứ đã cho ta đạt được. Để trở nên thích hợp với Nước Trời, phải từ bỏ tất cả quá khứ (x.Ph 3,8). Và trong cuộc sống mới, phải có một con tim không chia sẻ, phải bước đi mắt nhìn về phía đằng trước (x. Ph 3,13), nghĩa là nhìn vào Đấng đi trước là Chúa Giêsu Kitô (Do thái 12,1-2).
KẾT LUẬN
Người ta có thể từ chối làm môn đồ Chúa Giêsu vì những thiên kiến tôn giáo: đó là trường hợp người xứ Samaria. Nhưng người ta cũng có thể từ chối lời mời gọi làm môn đồ bởi quá bận tâm đến sự an toàn, đến những tình cảm nhân loại hoặc đến quá khứ của mình: đó là trường hợp của ba người được gọi trong phần thứ hai của bản văn (dầu vậy nên nhớ rằng tác giả Tin mừng mô tả ba ơn gọi ấy dưới quan điểm những đòi hỏi của Chúa Giêsu, chứ không nói đến việc họ từ chối hay chấp nhận). Trong cả ba trường hợp Chúa Giêsu chỉ đưa ra lời mời gọi, chứ không bức bách tự do của họ bằng đe dọa hay trừng phạt, hứa hẹn hay ân thưởng. Cả trình thuật này đều qui chiếu về con người của Chúa Giêsu. Thiếu vắng Ngài là đau khổ lớn lao nhất, ở với Ngài (cho dù là phải lên Giêrusalem để chết với Ngài ở đó) là phần thưởng cao quí, tuyệt hảo.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Lc là tác giả phúc âm nói về lòng tốt lành và xót thương của Thiên Chúa. Vậy làm sao đoạn này có cung giọng đặc biệt cứng cỏi khắt khe đến thế? Chính là vì ở đây Lc khơi mào một giai đoạn mới trong đời Chúa Giêsu, Ngài phải từ bỏ Galilê để “lên Giêrusalem”. Đối với Chúa Kitô đây là một bước tiến dứt khoát, một quyết định trọng đại cho cả cuộc sống Ngài: vẫn ở lại Galilê là kéo dài cuộc sống dễ dãi với những thành công đầu tiên, là bị khuất phục bởi cơn cám dỗ trở nên Đấng Thiên Sai trần thế, thần tượng của dân chúng và “tự định đoạt cuộc đời”. Cương quyết lên Giêrusalem chính là cụ thể chấp nhận ý muốn Chúa Cha: thí mạng sống Ngài; chính là cắt đứt với quá khứ để dấn thân vào một tương lai bấp bênh phù hợp với ý định Chúa Cha. Trong văn mạch này đừng có lấy làm ngạc nhiên vì Chúa đưa ra rõ ràng và có thể nói là nhẫn tâm, những đòi buộc khẩn thiết của Tin mừng đối với những ai muốn theo Ngài phục vụ Nước Thiên Chúa. Trong cuộc sống người Kitô hữu cũng như trong lịch sử của giáo hội, có những lúc cần phải từ bỏ sự an toàn xưa nay để trung thành với Chúa và với sứ mệnh.
2. Lúc con trẻ Giêsu được dâng trình tại đền thánh, bà ngôn sứ già Anna, sau khi đã thấy Chúa Giêsu, “mở miệng nói về con trẻ cho tất cả những ai mong chờ ơn công cuộc giải phóng Giêrusalem” (Lc 2,38). Chính lời này được thực hiện vào lúc Chúa Giêsu hoàn tất sứ mệnh. Vì Chúa Giêsu lên Giêrusalem là để “giải phóng Giêrusalem”, để phá hủy Giêrusalem của Cựu ước, của nô lệ, và để mạc khải một Giêrusalem mới, Giêrusalem trên trời, Giêrusalem của Tân ước. Với hoàn toàn tự do và tự nguyện, Chúa Giêsu dấn thân vào tiến trình giải phóng dân Thiên Chúa, một cuộc giải phóng chỉ được hoàn tất với cuộc khổ nạn, chết và phục sinh của Ngài theo ý định nhiệm mầu của Chúa Cha.
3. Giáo hội hôm nay, và trong giáo hội mỗi Kitô hữu đều được mời gọi “theo Chúa Giêsu”, tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Ngài, lên Giêrusalem với Ngài. Dù Chúng ta không luôn luôn thấy rõ những từ bỏ mà cuộc đăng trình này đòi buộc; dẫu vậy chúng ta được đảm bảo về cùng đích, về ý nghĩa tối hậu của sứ mệnh chúng ta: đó là chúng ta sẽ được “cất đi”, “được siêu thăng”, “được tôn vinh” với Chúa Kitô. Vì thế chúng ta vững chắc cậy trông và có thể thẳng thắn dứt khoát lên đường. Cho dù tương lai có thể khó khăn và đầy đau khổ, chúng ta vững tin vào tình yêu Chúa Cha, vào lời trung tín của Ngài, vào chiến thắng cuối cùng. Cho dù hoàn cảnh có nguy biến, niềm xác tín nội tâm vẫn kiên vững và việc dấn thân có thể không lung lay. Nếu mãi mãi do dự, trì hoãn quyết định lên đường đi Giêrusalem, thì đó là không sống phù hợp với thái độ của Chúa Giêsu. Sống như thế là không sống với Tin mừng, sống thiếu đức tin và đức cậy.
4. Giáo hội, kẻ có sứ mệnh mạc khải Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài, vẫn không được những người Samaria hiện tại đón tiếp và các sứ đồ hôm nay vẫn bị loài người tiếp tục chối từ. Ước gì các sứ đồ ấy không vấp phải cám dỗ như Giacôbê và Gioan dùng “biện pháp mạnh” để rao giảng Tin mừng, biến Tin mừng thành một loại tuyên truyền, một thứ tẩy não, thành những lời ngăm đe sát phạt hay hăm dọa tình cảm. Chỉ có một bạo lực Chúa Giêsu làm ngơ cho, đó là bạo lực của các đối thủ đóng đinh Ngài trên thập giá. Vì Tin mừng là Tin mừng giải phóng và phải được con người tự do đón nhận, cho dù sứ giả Tin mừng có phảo chịu bất cứ hậu quả nào.
Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt