SỨC MẠNH CỦA ĐỨC TIN
CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN – NĂM C
(Lc 17,5-10)
1. Người ta muốn liên kết cc.5-6 với các phần trước, như thế các tông đồ, vì cảm thấy khó thi hành toàn vẹn việc tha thứ các điều xúc phạm đến mình, đã xin Chúa Giêsu thêm đức tin để vượt thắng khó khăn đó. Nhưng không chắc là có tương quan đó và cũng không chắc là tác giả phúc âm bàn đến chủ đề mới mà không có câu chuyển mạch. Chữ và (kai) ở đầu c. xem ra khẳng quyết ý tưởng đó.
2. “Xin thêm lòng tin cho các con”. Về phía các tông đồ, là những người có sứ mệnh mở rộng Nước Thiên Chúa, lời cầu xin này rất hợp thời (cũng xin rất hợp thời đối với tất cả mọi tông đồ hiện đại và mọi Kitô hữu). Đức tin mà các Ngài ao ước hằng tăng trưởng không phải chỉ là một liên kết thuần tri thức vào sứ điệp cứu rỗi Chúa Giêsu mang đến, nhưng là niềm xác tín đặc biệt và tin tưởng vững mạnh vào Thiên Chúa, Đấng sẽ ban cho nó sứ mệnh loan truyền tin mừng trong thế giới qua việc rao giảng và làm phép lạ. Đó là đức tin toàn diện, là ân huệ căn bản của ơn cứu độ.
Câu Chúa Giêsu trả lời có thể hiểu hai cách:
a/ Khi xin thêm lòng tin, các tông đồ đã nói đến bằng các từ ngữ chỉ lượng tính điều phải được định giá bằng phẩm tính. Có lẽ Chúa Giêsu muốn sửa sai cái nhìn đó: khi có đức tin đích thực, toàn diện, thì vấn đề lượng tính không quan trọng; nhưng nếu chỉ có một số lượng đức tin nhỏ nhoi như hạt cải, người ta cũng đủ năng lực để hoàn tất các công việc xem ra không thể làm được.
b/ Khi xin thêm lòng tin, các tông đo nhắm đến niềm tin – phó thác hoàn toàn của một tín hữu hoàn thiện. Câu Chúa Giêsu trả lời có lẽ cho thấy các Ngài đã có lý khi nghĩ rằng một đức tin như thế thật đáng ước ao chừng nào vì đức tin đó thật mạnh mẽ, quyền uy. “Nếu các con có đức tin lớn như hạt cải”, nếu các con có được một chút đức tin toàn thiện mà các con cầu xin, điều đó đã đủ để cây dâu tróc rễ, xuống mọc dưới biển, theo lệnh các con truyền… Vì không có gì mà Thiên Chúa không làm được.
Khó mà theo cách chú giải nào. Dù sao, hình như tác giả muốn nhấn mạnh đến phẩm tính của đức tin hơn là lượng tính, vì ông đã cố ý lựa một hình ảnh thật qua đáng (hạt cải chỉ lớn bằng đầu cái kim). Một sự phó thác dù nhỏ mọn đến đâu, miễn là được thể hiện trong đức tin, có thể chiếm hữu được nhiều điều lớn lao do Thiên Chúa ban. Cây dâu là một cây đại thụ: rễ rất lớn, có thể sống tới 600 năm. Nhưng chỉ một lời phát xuất từ niềm tín thác đích thực vào Thiên Chúa cũng có thể bứng cây dâu này khỏi đất để mọc trong lòng biển Galilea.
Mt 17,20 và Mc 11,23 diễn tả cùng một giáo huấn này, bằng nhiều câu khác biệt, ví dụ thay cây dâu bằng hình ảnh một ngọn núi tróc chân và xuống mọc dưới biển. Tuy nhiên những lời đó không có nghĩa theo lối tả chân đó. Phải hiểu chúng trong một nghĩa rộng rãi hơn. Những lời đó cho thấy phép lạ vĩ đại nhất của lòng tin sẽ được thể hiện nhờ vào sức mạnh chinh phục của Phúc âm, phép lạ đó không những chỉ dời cây dâu hay ngọn núi, nhưng toàn thế giới. Dù sức mạnh ấy chỉ ở trong con người, và con người chỉ ở trong một góc bé nhỏ của vũ trụ, sức mạnh của đức tin sẽ chiếu sáng bằng những chuỗi công trình kỳ diệu. Một Kitô hữu đích thực bất cứ ở đâu cũng là một sức mạnh. Môi trường của người Kitô hữu đó sẽ thế nào nếu người đó là một vị thánh? Vì thế cha sở xứ Ars đã nói với Đức Giám mục của Ngài: để biến đổi toàn giáo phận, chỉ cần đặt ở mỗi xứ một cha sở thánh thiện là đủ.
3. Lc đặt dụ ngôn về “người tôi tớ hèn mọn” trong một loạt câu chuyện xem ra không liên hệ gì với nhau. Các câu chuyện này tản mác nhiều chỗ trong Mt và Mc.
“Nào ai trong các ông …” là câu hỏi đưa ra cách tổng quát một sự kiện thường có trong cuộc sống hàng ngày, trong đó có nhiều điểm để so sánh. Lý chứng cho thấy câu chuyện Chúa Giêsu nói không phải là một ẩn dụ, nằm trong câu áp dụng (“các ông cũng thế…”). Rõ ràng là Chúa Giêsu so sánh hai toàn cảnh, chứ không lấy một thực tại này thay thế một thực tại kia. Trình thuật đưa ra trường hợp của ông chủ, còn việc áp dụng dựa trên các sự kiện thái độ của người tôi tớ: hình ảnh xem ra không được cân đối, nhưng có thể hiểu được nhờ một lý do tâm lý. Cử tọa đang nghe Chúa Giêsu rất có thể gồm những người nuôi tôi tớ, hơn là gồm chính những người tôi tớ. Vì thế ngài bắt đầu bằng câu: “Ai trong các ông, có một người tôi tớ”, chứ không nói: “Ai trong các ông là nông dân hay mục đồng…”
Dụ ngôn giới thiệu một ông chủ đã hai lần gặp thấy tôi tớ mình chu toàn tốt nhiệm vụ. Lần thứ nhất, khi người tôi tớ đi cày ruộng về hay dẫn gia súc của chủ từ đồng cỏ về. Phải chăng ông sẽ quên ai là chủ ai là tớ? Không, ông chủ sẽ đòi người tôi tớ tiếp tục phục dịch ông. Do đó người tôi tớ sẽ lo dọn bữa cho chủ trước khi nghĩ đến bản thân mình. Sau đó, người tôi tớ sẽ có quyền đòi thay đổi địa vị ? Không, chủ luôn luôn xem y như là tôi tớ của ông.
Người ta chờ câu áp dụng cho Thiên Chúa và câu áp dụng tương phản, như các dụ ngôn khác đã làm. Ông chủ trần thế đã xử sự như thế, còn Cha các con trên trời sẽ hành động khác. “Ông chủ sẽ làm gì ? Thật, Ta nói thật chủ sẽ thắt lưng, sẽ đặt người tôi tớ vào bàn tiệc, và đi lại hầu hạ nó” (theo cách nói của Lc 12,37).
Nhưng ở đây Chúa Giêsu không muốn đưa ra bài học về cách thức mà Cha trên trời tưởng thưởng các tôi tớ Ngài. Ngài muốn dạy các tôi tớ phải phục vụ trong tâm tình khiêm tốn nào? Như thế Chúa Giêsu đi từ việc quan sát ông chủ, đến việc chú ý đến người tôi tớ và so sánh dựa trên lối cư xử của người tôi tớ.
Theo tập tục thời đó, tôi tớ không được thuê làm ban ngày, nhưng vẫn ở nhà, thì không được tự do sử dụng thì giờ theo ý mình, ông luôn luôn bị đặt dưới sự xử dụng của chủ. Khi làm xong một công việc chủ trao người tôi tớ phải sắp sẵn để làm một việc khác. Ông luôn luôn là một tùy viên không khi nào vượt qua khỏi thân phận tôi đòi của mình.
Dù làm nổi bật ông chủ, dụ ngôn cũng mô tả vừa đủ thân phận người tôi tớ để đưa ra một cách áp dụng dựa trên thân phận đó. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng bao giờ vênh vang trước mặt Thiên Chúa như thể chúng ta có quyền đòi Thiên Chúa đặc biệt tưởng thưởng, sau khi đã làm xong một vài công việc; trái lại Ngài cho thấy chúng ta phải luôn ý thức thân phận tôi tớ của mình, và khi đã làm xong một việc gì, chúng ta phải vui lòng chấp nhận việc Chúa sẽ gởi công việc khác cho chúng ta thi hành. Dụ ngôn hoàn toàn không nhắm đến hậu kết của thái độ như thế (như trong Lc 12,37). Đây không phải là giáo huấn về thưởng phạt, nhưng là bài học khiêm tốn.
Bài học khiêm tốn này còn rõ ràng hơn nếu chúng ta dịch đúng tĩnh từ axhreios là chữ được ghép cho các tôi tớ trong bài học mà Chúa Giêsu rút từ c.10. Đa số các bài chú giải đều dựa trên bản dịch: “chúng tôi đều là những tôi tớ vô dụng”, và khai triển ý tưởng đó cho rằng các điều chúng ta làm đều vô ích trước mặt Thiên Chúa. Đây là một ý tưởng đúng về mặt siêu hình, nhưng không được dụ ngôn trực tiếp gợi ý. Vì trong dụ ngôn, người tôi tớ không phải là vô dụng đối với chủ. Làm sao có thể tuyên bố là vô dụng, một người tôi tớ sửa soạn bữa ăn, mang thức ăn của uống theo lệnh chủ? Người ta sẽ cho rằng tĩnh từ achreios chỉ áp dụng cho người tôi tớ của Thiên Chúa, vì với Thiên Chúa không ai là người hữu dụng thực sự; đúng thế, nhưng vì người tôi tớ đó của Thiên Chúa ở đây được so sánh với người tôi tớ trong dụ ngôn đâu có vô dụng.
Do đó, tĩnh từ achreios không có nghĩa là “vô dụng” mà còn có nghĩa “bản thân hèn kém, vô nghĩa, không đáng kể…”. Cho nên người tôi tớ, vì chỉ thực hành lệnh của chủ, nên không có tham vọng được chủ biết ơn hay tưởng thưởng: vì ông đơn thuần chỉ là một người tôi tớ; ông không làm gì hơn, ngoài việc bổn phận tôi tớ của mình. Đối với Thiên Chúa, con người không phải là người đồng hàng có thể tự do ký kết với Ngài các thỏa ước hay giao dịch trao đổi; cũng không phải là kẻ ngang hàng đã phục vụ Ngài vì tình bằng hữu, nên có quyền chờ đáp trả, vì con người chỉ là tôi tớ Thiên Chúa.
KẾT LUẬN
Người tông đồ phải phục vụ Thiên Chúa với tinh thần khiêm tốn như người tôi tớ, sau khi đã chu toàn ý của chủ, không nghĩ rằng mình làm một công việc phi thường. Các môn đệ Chúa Giêsu phải giữ mình đừng kiêu ngạo vì những công việc tông đồ của mình, và phải tự xưng mình chỉ là tôi tớ: điều này không muốn nói họ là những tôi tớ không làm được gì, vì Thiên Chúa sử dụng họ, nhưng là những tôi tớ không mấy kết quả, vì thế đừng vênh mặt vì các công việc mình đã làm như thể các công việc đó là những kỳ công tầy trời. Dù có làm được gì họ phải luôn nói: “Chúng tôi đã chỉ làm điều chúng tôi phải làm”.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Lời cầu xin của các tông đồ “xin thêm lòng tin cho chúng con” cũng phải là lời cầu xin của chúng ta vào thời thử thách xao xuyến, như thời chúng ta đang sống cũng như trong bất cứ thời nào. Các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại làm chúng ta tiếp xúc nhiều với biết bao sự dữ và đau khổ, khiến chúng ta phải có một đức tin dồi dào, mới có thể nhìn thấy qua tất cả các sự kiện đó Nước Thiên Chúa đang từ từ được kiến tạo. Cũng như các tông đồ ngày xưa, chúng ta hãy xin Chúa thêm sức mạnh nội tâm cho chúng ta hôm nay.
2. Qua việc so sánh với hạt cải, Chúa Giêsu không còn cách nào tuyệt hảo hơn nói lên tầm quan trọng và hiệu năng của đức tin. Nếu bạn có đức tin, dù rất khiêm tốn, như một hạt giống nhỏ bé nhất, một đức tin không có gì đáng kể, nhưng chỉ một tiếng bạn có thể làm trốc rễ một cây đại thụ và đem trồng dưới biển. Không còn cách nói nào hay hơn để mô tả sức sáng tạo và quyền thống trị của con người trên vạn vật, nhờ đức tin. Như thế đức tin làm cho con người được thông vào một quyền năng siêu nhiên. Quả thực, sau khi lời cầu xin của các tông đồ được chấp thuận do việc Thánh linh biến đổi nội tâm các Ngài dịp lễ hiện xuống, các Ngài đã làm chứng có một đức tin không những chỉ lay chuyển các cây cối, rừng rú, mà toàn thế giới.
3. Dụ ngôn người tôi tớ chấm dứt bài phúc âm hôm nay. Không nhằm vẽ chân dung Thiên Chúa, nhưng muốn nói lên thái độ con người đối với Ngài. Phục vụ Thiên Chúa, chính là công việc của người tôi tớ. Thiên Chúa ra lệnh con người phải tuân nghe. Luật buộc phải vâng lời như là món nợ phải của con nợ. Thiên Chúa không mắc nợ ai, chính con người mới mắc nợ Thiên Chúa. Con người không có quyền đòi buộc Thiên Chúa gì hết, vì con người là kẻ mắc nợ. Thiên Chúa không phải trả lương, không cần biết ơn con người. Ngay cả khi người tôi tớ hoàn tất tốt mọi điều chủ đã ra, nó cũng chỉ làm việc nó phải làm. Tôi tớ là tôi tớ. Nếu vì lòng tốt Thiên Chúa muốn tưởng thưởng tôi tớ, điều đó chỉ lòng tốt của Ngài mà thôi; tôi tớ không có quyền đòi được thưởng công, vì nó chỉ làm điều nó phải trong thân phận tôi tớ.
4. Các người Biệt phái (và ai trong chúng ta lại không có một chút đặc tính của người biệt phái trong tâm hồn mình?) quan niệm mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người dưới hình thức một khế ước: ăn miếng trả miếng, hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Khi hoàn tất lề luật, khi chu toàn điều Thiên Chúa dạy, bấy giờ chúng ta đòi tưởng thưởng, được trả công. Dụ ngôn Chúa Giêsu loại bỏ cách suy nghĩ đó. Thiên Chúa không mắc nợ chúng ta, ngay cả lòng biết ơn. Con người chỉ là một tôi tớ hèn mọn. Trong bản văn Lc, dụ ngôn này, được kể cho các tông đồ nghe – dù các Ngài đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu (5,11) các Ngài đã vui lòng thực hiện các yêu sách tận căn đó. các tông đồ dù đã bỏ tất cả cũng chỉ có thể thưa lên: chúng con đã chỉ làm điều chúng con phải làm để trả nợ. Khi phục vụ Thiên Chúa, các Ngài là những tôi tớ hèn mọn, làm điều phải làm. Mọi Kitô hữu cũng phải bắt chước như thế, phải làm trọn bổn phận Kitô hữu của mình tốt hết sức có thể. Dĩ nhiên, một ngày kia họ sẽ được tưởng thưởng (và ngay đời này bằng sự bình an tâm hồn), nhưng họ biết rằng họ chả có quyền được hưởng như thế: phần thưởng chỉ do lòng tốt của Thiên Chúa mà thôi.
Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt