Tỉnh Thức Đợi Chờ Chúa Đến – Chúa Nhật I mùa Vọng – Lm. Giuse Nguyễn Văn Hữu

TỈNH THỨC CHỜ CHÚA ĐẾN

SUY NIỆM CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – NĂM B

Mc 13,33-37

Năm Phụng vụ cũ đã khép lại, để mở ra một năm phụng vụ mới. Lời Chúa trong bài Tin mừng của Chúa Nhật đầu năm phụng mới hôm nay mời gọi ta “hãy tỉnh thức”. Tỉnh thức là lời nhắn nhủ cần thiết, để đón chờ Chúa đến, để làm tươi mới đời sống đạo, làm “xuân hóa” đức Tin- Cậy- Mến nơi mỗi người.

Thông thường khi ngủ, người ta mất liên lạc với thế giới chung quanh, các giác quan gần như đóng lại, tai không còn nghe thấy âm thanh, mắt không còn nhận ra màu sắc, mũi không ngửi, tay không sờ, lưỡi không nếm…

Trong đời sống tâm linh cũng thế, khi linh hồn ngủ mê, người ta sẽ không còn nhận ra tiếng nói của Chúa, lương tri sẽ đóng lại trước những nỗi khổ đau bất hạnh của cuộc đời, không còn nhận ra đâu là hạnh phúc đích thật vĩnh cửu và đâu là hạnh phúc giả tạo mong manh nữa, khiến cho phán đoán trở nên thui chột, điếc lác… không còn cảm nếm được sự ngọt ngào của tình yêu, hạnh phúc và bình an của Thiên Chúa.

Khi con người ngủ mê làm sao để con người thức tỉnh? Như một tách cà phê, một câu chuyện hấp dẫn, một cuộc đi dạo, một cuốn sách hay… có thể xua tan những cơn buồn ngủ thể xác, thì việc cầu nguyện, đọc suy niệm lời Chúa, chia sẻ đức tin và giúp đỡ những người bất hạnh… cũng có khả năng xua tan những cơn ngủ mê tâm linh của con người.

Nói khác đi, một đời sống tâm linh năng động và những mối tương giao tốt lành… có thể là những thứ thuốc chống lại “cơn buồn ngủ tâm linh”, giúp ta thức thời, tỉnh táo phân định, để đón chờ Chúa đến và nhận ra dung mạo đích thực của Người.

Người Do-thái xưa kia đã nóng lòng đón chờ Chúa đến, nóng đến nỗi thốt lên: “Lạy Chúa, phải chi Chúa xé trời mà xuống...” (x. Is 63,16-19tt) . Tuy nhiên, khi Chúa đến họ lại không nhận ra Người, bởi vì Người đã đến với một cung cách không như họ tưởng và đã làm những việc không như họ muốn. Họ khát khao, mòn mỏi đợi chờ một vị cứu tinh oai phong lẫm liệt, dẫn đưa họ lên đài vinh quang, bá chủ thiên hạ, thì Chúa lại đến trong cảnh khiêm tốn, nghèo hèn và mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người, không phân biệt kỳ thị. Họ chờ đợi một vị cứu tinh đến để chuẩn y cho Đền thờ và lòng đạo đức của họ, thì Chúa lại tuyên bố: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng là để tìm kiếm và kêu gọi kẻ tội lỗi” (Mt 9,13); “Ta bảo thật các ngươi, những người tội lỗi và đĩ điếm sẽ được vào Nước Trời trước các ngươi” (Mt 21.31).

Quả thật, Chúa Ki-tô đã đến lần thứ nhất trong xác phàm nghèo hèn bé nhỏ để cứu nhân độ thế, nhưng dân Do-thái và phần đông nhân loại vẫn không tin nhận Người. Họ tẩy chay, đánh đòn, giết chết và đóng đinh Người trên cây thập giá, nhưng ngày thứ ba Người đã sống lại như lời Thánh Kinh, Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha, vào ngày sau hết, Người sẽ lại đến lần thứ hai trong vinh quang để phán xét thiên hạ.

Tuy nhiên, trước khi về trời, Người sai các môn đi làm chứng về những điều mắt thấy tai nghe về Người, “bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem cho đến tận cùng thế giới (Lc 24, 47tt) và hứa rằng “Thày sẽ ở cùng anh em cho đến ngày tận thế (Mt 28,17). Từ đó trở đi Người  hiện diện cách âm thầm và khiêm tốn ở khắp mọi nơi. Người ẩn thân và đồng hóa mình nơi tha nhân, nhất là nơi những người nghèo hèn bé nhỏ, hiền lành, khiêm nhường, đói khát, khổ đau, tù tội, mẹ góa con côi, bị xã hội bỏ rơi và mọi người khinh dể (x. Mt 25,31-46). Phải tỉnh táo lắm mới nhận ra Chúa! Phải thức tỉnh lắm mới gặp được Chúa!

Chúa ví mình như ông chủ nhà. Khi đi vắng, Người cho ta được toàn quyền. Người giao trách nhiệm cho ta trông coi gia đình, giáo xứ, địa phương, đất nước và cả thế giới này. Ta được tự do hành động và toàn quyền sử dụng những gì Chúa trao ban. Ta có trách nhiệm làm cho gia đình, xứ đạo, địa phương, đất nước và cả thế giới được phát triển về mọi mặt.

Trước trách nhiệm lớn lao ấy, ta phải tỉnh thức lắm mới nhìn thấy những nhu cầu của anh em và đáp ứng những nhu cầu đó. Phải nhạy bén và thức thời lắm, ta mới nhìn thấy ý Chúa trong mọi trào lưu của thời đại, mới nhận thấy Chúa hành động trong những tâm hồn thiện chí mà không phân biệt niềm tin, sắc tộc, màu da, tiếng nói và ý thức hệ, để cộng tác với nhau trong việc phục vụ Chúa và anh chị em đồng loại, ngõ hầu ý Chúa được thể hiện, danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được hiển trị, các linh hồn được cứu rỗi.

Tóm lại: Tỉnh thức là khả năng cảm nhận Thiên Chúa và những sự thuộc về Người trong cuộc sống hàng ngày, nơi những anh chị em mình hay nơi những đổi thay của xã hội, để phục vụ Chúa và anh chị em đồng loại cách hữu hiệu hơn, góp phần mở mang Nước Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hữu

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top