Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi mới phục sinh – Suy niệm Chúa Nhật 3 Phục Sinh B – Lm. Giuse Nguyễn Văn Hữu

Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi mới phục sinh 

Chúa Nhật 3 Phục Sinh B

Lc 24,35-48

“Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba sẽ sống lại từ cõi chết”. Đó là lời giải thích của Đức Giê-su Ki-tô tử nạn và phục sinh đối với các tông đồ và môn đệ khi Người hiện ra trao ban bình an và củng cố niềm tin cho các ông.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giê-su nói về việc Người ‘chịu chết, rồi ngày thứ ba mới sống lại hiển vinh’ mà trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Người đã đề cập đến điều này nhiều lần. Nhưng các tông đồ và môn đệ “không hiểu, từ trong cõi chết sống lại là gì” (x. Lc 18,34).

Chẳng những không hiểu mà một người trong số họ, tên là Phêrô, còn tỏ vẻ thương thay cho Đức Giêsu, không muốn Đức Giê-su phải chịu khổ nạn, đã kéo riêng Người ra một nơi mà nói: “Xin Thiên Chúa thương gìn giữ Thày, đừng để Thày phải như vậy . Nhưng Đức Giê-su liền mắng Phê-rô: Satan, hãy lui ra đàng sau Thày, tư tưởng của anh không phải là của Thiên Chúa mà là của loài người” (x. Mt 16, 22- 23.

Quả thật, đối với loài người, chết là hết chuyện. Nếu có ai chết rồi mà hiện về thì cũng chỉ là hồn ma. Chứng kiến Đức Giê-su chết, chết một cách tất tưởi đau thương, các tông đồ và môn đệ nghĩ rẳng mọi sự đã kết thúc và chấm dứt.

Tuy nhiên, điều không thể xảy ra đối với loài người, thì lại có thể xảy ra đối với Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng ban sự sống. Ngài đã sáng tạo mọi sự từ hư vô, thì Ngài cũng có thể làm cho kẻ chết sống lại. Và Ngài đã thực hiện điều này khi làm cho Đức Giê-su Ki-tô từ cõi chết sống lại, đúng như lời Ngài đã loan báo trong Thánh Kinh qua miệng các ngôn sứ.

Thiên Chúa đã làm cho Đức Giê-su trỗi dạy từ cõi chết, đúng như lời đã loan báo trong Thánh Kinh. Nhưng khi hiện ra cho các tông đồ và môn đệ, họ ‘tưởng Đức Giê-su phục sinh là ma’.

Để đánh tan tưởng nghĩ sai lầm đó, Đức Giê-su đã vận dụng mọi giác quan nhằm chứng tỏ cho các ông thấy và tin: Người có một thân thể ‘bằng xương bằng thịt’, chứ không phải ‘không xương không thịt’ và thân thể của Người cũng chính là thân thể đã bị đóng đinh trên cây thập giá, được an táng trong mộ đá. Chỉ có khác là từ nay thân thể Người đã được bước vào vinh quang phục sinh không còn bị lệ thuộc vào không gian và thời gian, sự chết và trần thế chẳng còn quyền chi đối với Người nữa, Người chỉ còn lệ thuộc vào quyền năng thần linh của Chúa Cha, nên Người có thể tự do hiện diện ở đâu, lúc nào và dưới hình dạng nào tùy ý Người muốn, không giống hình dạng các tông đồ và các môn đệ đã quen- như ‘dưới hình dạng một người làm vườn’ (x. Ga 20, 14-15) hoặc dưới ‘hình dạng một khách bộ hành’ (x. Lc 24,13-34) – để khơi dậy đức tin của các ông và làm cho các ông nhớ lại tất cả những gì Người đã nói trước khi bước vào cuộc tử nạn, rồi truyền cho các ông phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.

Vâng lệnh Đấng Phục Sinh, các nhứng nhân đã ra đi rao giảng và làm chứng về Người cho đến tận cùng trái đất, dù có phải mất đi cả mạng sống mình. Như thánh Phê-rô, ông đã lên tiếng nói với dân Israel rằng: Thưa anh em, Thiên Chúa của tổ phụ Ab-ra-ham…, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà anh em đã trao nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh, Đấng Công Chính… Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Về điều này, chúng tôi xin làm chứng…” (x. Cv 3,13-15).

Tóm lại: Đức Giê-su tử nạn và phục sinh ‘đúng như lời Thánh Kinh’, là việc hoàn thành những lời hứa của Cựu Ước và của chính Người trong cuộc đời trần thế, giúp nhân loại khử trừ tội lỗi và khai mở kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cứu độ, kỷ nguyên con người được giải án tuyên công, để trở thành con cái Thiên Chúa.

Rao giảng và làm chứng về Đức Giê-su tử nạn và phục sinh là sứ mạng khẩn thiết của Giáo Hội cũng như của người môn đệ Chúa. Và niềm tin về Đấng Phục Sinh của Giáo Hội và người tín hữu xưa cũng như nay, được dựa trên đời sống và lời rao giảng của những chứng nhân gặp gỡ trực tiếp Đấng Phục Sinh, chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người.

Lạy Chúa Giê-su tử nạn và phục sinh, xin ban thêm lòng tin cho con, để trong mọi giây phút cuộc đời, con luôn biết sống và rao giảng về Người cho những anh chị em đồng loại. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hữu

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top