THÁNH VỊNH 28
CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
BỐI CẢNH
Có nhiều học giả coi Thánh vịnh 28, mà chúng ta vừa nghe đoạn dạo đầu, là một thánh thi cổ xưa nhất. Những hình ảnh và quan niệm được trình bày trong Thánh vịnh này diễn tả Đức Chúa như một vị thần giông tố. Từ hình ảnh này có những tác giả cho rằng, Thánh vịnh 28 có gốc tích từ một bài ca ngợi thần Ba-al, thần giông tố của người Ca-na-an. Nhưng, nay thay vì Ba-al Hadad thì có Đức Chúa, Đấng Thánh của Israel.
Một hình ảnh nổi bật được trình bày đầy chất thi phú và thiêng liêng trong toàn bộ Thánh vịnh, đó chính là, “Tiếng Chúa”, hay còn được gọi là “tiếng sấm sét”. Trong tiếng Do-thái, thuật ngữ ‘qôl’ có nghĩa là “tiếng” hay “tiếng sấm sét”. Thuật ngữ này được nhắc đi nhắc lại bảy lần trong Thánh vịnh 28. Bởi thế, có nhiều nhà chú giải gọi Thánh vịnh này là “Thánh vịnh của bảy tiếng sấm sét”. Vịnh gia cảm nhận tiếng sấm sét như biểu tượng của tiếng thần linh với mầu nhiệm trổi vượt khiến con người không thể thấu hiểu. Khi nó được bộc lộ ra thực tại tự nhiên, nó khiến con người kinh khiếp và hãi hùng. Tuy nhiên, trong chính nội tại của nó lại là lời của an hoà.
BỐ CỤC
Thánh vịnh 28 gồm 11 câu. Nó có thể được chia thành 3 phần rõ ràng:
- Phần nhập đề (cc. 1-2): là lời kêu gọi dâng vinh quang cho Chúa.
- Phần chính (cc.3-9): diễn tả vinh quang của Chúa hiện diện trong cơn giông tố. Phần này được chia thành 3 đoạn.
- Đoạn thứ nhất (3-4) phác hoạ tiếng Chúa trên nước mênh mông.
- Đoạn thứ hai (5-6) phác hoạ tiếng Chúa trên nền trái đất.
- Đoạn thứ ba (7-9) phác hoạ tiếng Chúa trên núi rừng.
- Phần kết (cc.10-11): Thánh vịnh khép lại với lời tung hô chúc tụng Chúa chiến thắng và lời cầu xin phúc bình an cho toàn dân.
Ý NGHĨA
Toàn bộ Thánh vịnh phác hoạ hình ảnh Đức Chúa uy linh cao cả trên chư thần, chư thánh và trên toàn cõi địa cầu. Chỉ có Đức Chúa là vua trời cao, vua vinh quang. Tiếng Chúa vang dội khắp trùng dương. Tiếng Chúa là tiếng toàn năng, tiếng tạo dựng và phán xét.
Sự hiện diện của Chúa được giới thiệu trong phong ba bão táp ngõ hầu diễn tả sự giáng lâm kinh hoàng, hùng vĩ của Người. Tuy vậy, Cựu ước không hề đồng nhất Đức Chúa với vị thần giông tố sấm sét. Những hình ảnh phong ba bão táp chỉ là cách tỏ mình của một Thiên Chúa muốn ngỏ lời với con người và muốn chia sẻ sức mạnh thần linh với con người. Qua đó, sức mạnh quyền năng của Chúa trở nên bình an cho dân Người.
TRUYỀN THỐNG
Thánh vịnh 28 được sử dụng trong Phụng vụ cộng đồng. Người Do-thái sử dụng Thánh vịnh này trong dịp lễ Lều và các nghi lễ phong vương.
Trong truyền thống Tân ước, Thánh vịnh 28 được áp dụng cho Đức Giêsu. Nếu như bảy tiếng sấm sét của Thánh vịnh diễn tả “Tiếng Chúa” rền vang trong vũ trụ, thì lời diễn tả cao thượng nhất của “Tiếng Chúa” là tiếng Chúa Cha từ trời phán khi Đức Giêsu Chịu Phép Rửa. Tiếng Chúa Cha mặc khải căn tính sâu thẳm nhất của Đức Giêsu, đó chính là “Con yêu dấu” (xem Mc 1,11).
Thánh Ba-si-ô nói rằng: Tiếng của Chúa trên nước lũ mênh mông rền vang cũng chính là tiếng từ trời phán khi Đức Giêsu Chịu Phép Rửa: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” Tiếng Chúa đã hà hơi trên nước và thánh hoá nước với phép rửa. Thiên Chúa với tiếng sấm uy linh từ trời trở thành tiếng Đức Giêsu, tiếng Tin Mừng.
ÁP DỤNG
Các ca viên hôm nay, giống như Vịnh gia năm xưa, khi trình bày Thánh vịnh 28 cần đưa cộng đoàn cầu nguyện tới việc trải nghiệm hai khoảnh khắc tương phản. Khoảnh khắc thứ nhất nằm ở trung tâm của Thánh vịnh (cc. 3-9). Đây là một khoảnh khắc mang tính cao trào của một cơn phong ba bão táp với cường độ mạnh mẽ không thể kiểm soát giữa Địa Trung Hải rộng lớn. Chính trong khoảnh khắc chứng kiến cơn giông tố giữa đại dương bao la ấy, chúng ta chiêm ngắm sức mạnh vô biên của “Tiếng Chúa”. Chúng ta cảm nhận được cơn bão táp đang di chuyển về phía Bắc và tiến vào đất liền, tàn phá đất liền: đánh gãy ngàn hương bá của dãy Li-băng và đỉnh Xia-giôn bởi những tia lửa phát ra. Sức mạnh tàn phá của cơn phong ba bão táp tiếp tục xuyên qua toàn bộ vùng Đất Thánh và di chuyển xuống phía Nam tới tận sa mạc Ca-đê.
Tiếp sau khoảnh khắc phong ba bão táp, các ca viên mời gọi cộng đoàn cầu nguyện chiêm ngắm một khoảnh khắc tương phản, được diễn tả ở phần đầu (cc.1-2) và phần kết của Thánh vịnh (cc.10-11). Sự kinh hoàng và hoảng loạn giờ đây được thay thế bằng sự chiêm ngắm và tôn thờ vẻ uy linh của Thiên Chúa trong Đền Thờ Jêrusalem. Nơi đây trong sự nối kết với Đền Thờ Thiên Quốc, bình an được trao ban và lời tán tụng được dâng lên Thiên Chúa. Nơi đây, tiếng gầm thét của sấm sét nhường chỗ cho tiếng ca vang của cộng đoàn phụng vụ. Sự sợ hãi nhường chỗ cho sự bao bọc chở che thần linh. Thiên Chúa nay xuất hiện, “ngự trị trên cơn hồng thuỷ”, là “Vua ngự trị muôn đời”, là Chúa Thượng trên toàn thể cõi địa cầu.
Kết lại, đứng trước hai khoảnh khắc tương phản, chúng ta có được trải nghiệm về mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa, được diễn tả như cơn phong ba bão táp, vượt quá khả năng hiểu biết và kiểm soát của con người. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng có được trải nghiệm về khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa, khi chúng ta đồng tâm nhất trí trong cầu nguyện và cử hành Lễ Tạ ơn. Trong khoảnh khắc ấy, mầu nhiệm tình yêu được trao ban cho chúng ta. Phúc lành bình an được ban tặng cho ta qua Thánh Tử yêu dấu là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Lm. Antôn Trần Văn Phú