
C. Thánh nhạc trong Các Giờ Kinh Phụng vụ
220. Cùng nhau cử hành chung Các Giờ Kinh Phụng vụ, nhất là Kinh Sáng và Kinh Chiều, là thánh hóa thời gian và dự phần vào Kinh Nguyện của Đức Kitô và Hội Thánh Người. Trong những cử hành như thế nên khuyến khích “sự tham dự tích cực của tất cả mọi người tuỳ theo hoàn cảnh mỗi cá nhân qua việc tung hô, đối đáp, luân phiên đọc Thánh vịnh và những việc khác cùng một thể loại, và nên đưa vào những hình thức diễn tả khác nhau…” Bằng cách này, ước muốn của vị Tông Đồ dân ngoại được nên trọn vẹn: “Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài Thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng.”
221. Nên coi trọng việc cử hành chung Các Giờ Kinh Phụng vụ có ca hát hơn là đọc riêng tư. Những ai có bổn phận đọc Kinh Thần vụ luôn được nhắc nhở rằng chỉ nên đọc riêng tư khi nào không thể cử hành chung được. Không được phép cử hành trước, nhưng phải theo đúng các giờ quy định.
222. Nên hát Thánh vịnh và thánh thi bất cứ khi nào có thể hát. Quy chế Tổng quát Các Giờ Kinh Phụng vụ liệt kê một vài cách hát các Thánh vịnh: “có thể hát hay đọc thánh vịnh một mạch từ đầu đến cuối, hay luân phiên đối đáp từng câu hay từng triệt giữa hai bè hay hai bên của cộng đoàn, hoặc theo kiểu xướng đáp, tùy cách thức đã được truyền thống và kinh nghiệm chấp nhận.
D. Các nghi thức phụng vụ khác
Nghi thức An táng
Tầm quan trọng của ca hát trong Nghi thức An táng
223. Hội Thánh cử hành Nghi thức An táng để tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân sự sống Chúa ban cho người quá cố, nay hồng ân ấy đã trở về với Ngài. Theo phong tục xa xưa, Nghi thức An táng gồm ba giai đoạn được nối kết với nhau bằng hai cuộc rước. Ở Rôma thuộc Kitô giáo, “Các Kitô hữu luôn đồng hành với người mới qua đời trong hành trình cuối cùng của họ. Cộng đoàn Kitô hữu hát Thánh vịnh khi rước thi hài người quá cố từ nhà của họ đến nhà thờ. Và khi các cử hành phụng vụ ở nhà thờ chấm dứt, thì họ lại rước thi hài người quá cố ra phần mộ.” Trong suốt thời gian cử hành phụng vụ, các Kitô hữu ngày xưa đã hát Thánh vịnh và những điệp ca ca ngợi lòng thương xót của Chúa và phó dâng người quá cố cho các thiên thần và các thánh.
224. Thánh vịnh giữ một vị trí vinh dự trong Nghi thức An táng vì “các Thánh vịnh diễn tả mạnh mẽ nỗi đau đớn, niềm hy vọng và tín thác của dân Chúa qua mọi thế hệ và mọi nền văn hoá. Trên tất cả, các Thánh vịnh ca hát về niềm tin nơi Chúa, về sự mặc khải và về ơn cứu chuộc. Việc huấn giáo hiệu quả sẽ giúp các cộng đoàn hiểu được ý nghĩa của các Thánh vịnh dùng trong Nghi thức An táng.
225. Thánh nhạc có một vai trò không thể thiếu trong Nghi thức An táng, vì Thánh Nhạc có thể an ủi và nâng dậy những người đang than khóc, đồng thời, nối kết cộng đoàn trong đức tin và đức mến. Các bài ca trong Nghi thức An táng cần phải diễn tả được Mầu Nhiệm Vượt Qua và sự thông phần của Kitô hữu vào mầu nhiệm ấy. Vì âm nhạc có thể gợi lên những cảm xúc mãnh liệt, nên phải chọn lựa cẩn thận. Các bài ca phải an ủi được những người tham dự và “góp phần khiến họ trông cậy vào Đức Kitô đã vinh thắng tử thần, và hy vọng rằng người Kitô hữu cũng được thông phần vinh thắng với Đức Kitô.” Còn những bài nhạc đời, dù có thể nói lên được nhiều tâm tình khác nhau về người quá cố hay tang gia thì vẫn không xứng hợp cho phụng vụ thánh.
226. Phải có thánh ca trong giờ canh thức cầu nguyện cho người quá cố và Thánh lễ An táng. Bất cứ khi nào có thể được, nên hát cùng với việc rước và khi cử hành nghi thức phó dâng. Trong các cuộc rước thi hài người quá cố nên ưu tiên chọn những bài Thánh vịnh và những bài ca mang tính đối đáp hoặc theo kiểu hát kinh cầu, nhờ vậy cứ sau mỗi phiên khúc hay mỗi triệt (mỗi khổ thơ) của Thánh vịnh thì giáo dân có thể đáp lại bằng điệp khúc không thay đổi.
227. Không bao giờ sử dụng âm nhạc để tưởng nhớ người quá cố, nhưng để ca ngợi Chúa, Đấng đã giải thoát ta khỏi ách tử thần nhờ Hy Lễ Vượt Qua của Ngài.
Canh thức khi chưa cử hành Thánh lễ An táng ngay
228. Nếu linh cữu được tiếp nhận vào nhà thờ để cử hành Canh thức cầu nguyện cho người quá cố, thì sẽ dùng một nghi thức riêng. Thừa tác viên cùng những người giúp lễ đón linh cữu tại cửa nhà thờ, rảy nước thánh trên quan tài và khăn phủ quan tài, rước vào nhà thờ và đi đến nơi đặt quan tài. Đang khi đó hát Thánh vịnh, thánh ca hay điệp xướng. Đoạn Canh thức Cầu nguyện như thường lệ và có thể kết thúc bằng cách giữ thinh lặng hoặc hát một bài thánh ca.
229. Sau khi thừa tác viên chào những người hiện diện, Canh thức Cầu nguyện cho Người Quá Cố bắt đầu bằng một bài hát. Sau đó là Lời Nguyện và Phụng vụ Lời Chúa. Ở phần Thánh vịnh Đáp ca, thì đọc hay hát thánh vịnh 27 hoặc dùng một thánh vịnh nào khác hay một bài hát thích hợp. Kết thúc giờ Canh Thức bằng cách giữ thinh lặng hay hát một bài thánh ca.
230. Trước khi di quan vào nhà thờ hay đến nơi chôn cất, có thể hát một bài thích hợp để diễn tả niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, sau đó vị chủ sự mời gọi cầu nguyện, đọc một đoạn ngắn Kinh Thánh, đọc lời nguyện đối đáp, đọc kinh Lạy Cha và lời nguyện kết thúc. Sau lời nguyện kết thúc, vị chủ sự mời mọi người đang có mặt tham dự cuộc rước linh cữu đến nhà thờ hoặc đến nơi chôn cất (hay nơi hoả táng).
Tại Nghĩa trang
231. Sau khi cử hành các nghi thức như sách Nghi thức An táng hướng dẫn (1-Mời cộng đoàn cầu nguyện; 2- Làm phép huyệt; 3- Lời chủ sự nhắn gửi cộng đoàn; 4- Lời cầu; 5- Kinh Lạy Cha; 6- Lời nguyện kết thúc), tùy theo tập tục địa phương, có thể hát một bài. Chẳng hạn: Hát các Thánh vịnh được đề nghị trong Sách Nghi thức An táng, như: Tv 22 (Chúa chăn nuôi tôi); Tv 115 (Biết lấy chi đền đáp); Tv 117 (Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ); v…v… hoặc những bài thánh ca có ý tưởng tương tự.
VI. KẾT LUẬN
232. Hát Mừng Thiên Chúa hay “Bài ca chúc tụng Thiên Chúa hằng vang dội muôn đời trên thiên quốc, đã được Chúa Giêsu Kitô, Vị Thượng Tế của chúng ta đưa vào trần thế. Bài ca này Hội Thánh không ngừng tiếp tục hát lên, qua những hình thức vô cùng phong phú với một tấm lòng bền vững trung kiên.”
Vì thế, trên hành trình canh tân phụng vụ và tăng triển thiêng liêng, chúng ta tiếp tục hát vang Bài Ca Chúc Tụng Thiên Chúa bằng tất cả tâm trí, khả năng và con người chúng ta. Hy vọng tập Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc này sẽ khích lệ chúng ta tiến bước trên con đường ấy như thánh Augustinô nhắc nhở: “Bạn hãy ca lên như những lữ khách ca hát – hãy hát lên mà vẫn tiếp tục hành trình. Đừng mỏi mệt nhưng hát lên với niềm vui.”
Trích: Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc – Ủy ban Thánh nhạc HĐGMVN