Giải nghĩa Thánh vịnh 29 – Chúa nhật III Phục sinh – Năm C

THÁNH VỊNH 29

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – NĂM C

Bối cảnh

Thánh vịnh 29 được kể vào số các thánh vịnhTạ ơn. Đây là bài thánh ca của Đavít với tự đề: Thánh ca cho lễ cung hiến nhà. Thánh vịnh này có thể được tìm thấy trong bối cảnh của 2 Sam 24, 1-25. Trước những lỗi lầm của dân và của nhà vua, Chúa đã giáng ôn dịch xuống trên Ít-ra-en và khiến cho nhiều người phải tiêu vong. Vua Đa-vít đã thấy mình mắc lỗi vì thiều sự tin tưởng vào Chúa. Ông đã thưa với Chúa: “Con đã phạm tội nặng khi làm như thế. Giờ đây, lạy Đức Chúa, xin bỏ qua lỗi lầm của tôi tớ Ngài, vì con đã hành động rất ngu xuẩn” (2 Sm 24,10). Để làm nguôi cơn giận của Chúa, vua Đa-vít đã đứng ra nhận tội và xây một bàn thờ để kính Đức Chúa. Tại đó ông dâng những lễ vật toàn thiêu và lễ kỳ an. Khi chứng kiến những việc Đa-vít làm để chuộc tội, Chúa đã thương đến xứ sở, và tai ương đã chấm dứt không làm hại Ít-ra-en nữa (2 Sam 24, 25). Trong niềm vui khôn tả, vịnh gia Đa-vít đã tấu lên bài ca Tạ ơn, tạ ơn Chúa, vì “Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời” (Tv 29, 6).

Ý nghĩa

Thánh vịnh 29 là bài ca Tạ ơn được thốt ra từ kinh nghiệm của một người đang mang trên mình căn bệnh thập tử nhất sinh. Người bệnh dường như đang đứng trước cánh cửa tử thần. Thậm tệ hơn, ông còn bị kẻ thù bao vây và lên án.

Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt,
không để quân thù đắc chí nhạo cười con (Tv 29, 2).

Kẻ thù của vịnh gia quả thực muốn ông phải chết vì tội ông đã phạm. Họ sẽ đắc chí khi chứng kiến đức công minh của Thiên Chúa được tỏ hiện qua việc kết án tội nhân. Quả thực, vịnh gia đã phạm tội tày trời. Ông đã trở nên kiêu ngạo vì có được sự giàu sang phú quý. Ông lấy đó làm sự bảo đảm an toàn. Thế nên ông quên rằng vì có Chúa trợ giúp nên ông mới được như thế.

Thủa được yên vui, có lần tôi tự nhủ:
Mình sẽ chẳng bao giờ nao núng.
Nhưng khi Ngài vừa ẩn mặt đi,
con liền thấy bàng hoàng sợ hãi (c. 7).

Vịnh gia đã thú tội, đã nhận ra được lòng thương xót của Chúa. Ông đưa ra những lý lẽ để được thư tha.

Chúa được lợi gì khi con phải chết,
được ích chi nếu con phải xuống mồ?
Nắm tro tàn làm sao ca tụng Chúa
và tuyên dương lòng thành tín của Ngài” (c.10).

Giờ đây, cơn thịnh nộ của của Chúa nay nhường chỗ cho tiếng reo hò, màn đêm của sự chết nhường chỗ cho hừng đông của sự sống.

Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo (c. 6).

Giờ đây, những giọt nước mặt trong đêm tối, những giọt nước mắt của thống hối ăn năn nhường chỗ cho những vũ điệu, tấm áo sô của tang tóc nay nhường chỗ cho lễ phục huy hoàng.

Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu,
cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.
Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng.

Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu (cc.12-13).

Truyền thống cầu nguyện

Trong truyền thống của người Do-thái, Thánh vịnh 29 được sử dụng trong nghi lễ cung hiến Đền thờ với tâm tình cảm tạ và ngợi khen lòng nhân hậu của Chúa và đồng thời chiêm ngắm sự hiện diện huy hoàng của Người.

Khi thánh vịnh này được vang lên giữa cộng đoàn Kitô hữu trong ngày Chúa Nhật III Phục Sinh, nó mang một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ. Thánh vịnh hướng chúng ta về Đức Kitô Phục Sinh. Đức Kitô đổi mới những đền thờ tâm hồn của nhân loại bằng chính cái chết trên Thập giá và sự phục sinh vinh hiển. Người đã dùng cái chết của mình để tiêu diệt sự chết và trao ban niềm hy vọng phục sinh cho nhân loại. Từ trên Thập giá, Đức Kitô đã kéo chúng ta ra khỏi thung lũng âm phủ và nâng chúng ta lên những đỉnh cao nơi Thiên Chúa ngự trị. Người kéo chúng ta và nâng chúng ta lên đỉnh vinh quang Thiên Quốc. Vậy, như vịnh gia xưa, chúng ta hãy cất cao lời ca Tạ ơn.

Con sẽ ca tụng Ngài, lạy Chúa vì Chúa đã cứu mạng con”.

Lm. Antôn Trần Văn Phú

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top