Giải nghĩa Thánh vịnh 66 – Chúa nhật VI Phục sinh – Năm C

THÁNH VỊNH 66

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

1. Bối Cảnh

Thánh vịnh 66 mà chúng ta vừa nghe là bài ca tạ ơn cộng đồng sau mùa gặt. Một mùa màng bội thu là dấu chỉ của một cộng đoàn được Thiên Chúa chúc phúc. Từ hình ảnh của một mùa màng bội thu (c. 7), nhiều học giả cho rằng Thánh vịnh này được hát trong dịp mừng lễ Thu hoạch vào cuối năm (x. Xh 23,16); dân dân, nước nước cùng toàn thể địa cầu hoan hỉ dâng lời cảm tạ Chúa vì Người đã rủ thương và chúc phúc. Tuy nhiên, Thánh vịnh này không dừng lại ở việc diễn tả niềm vui của những người nông dân khi có được một mùa màng bội thu, nhưng là niềm vui của muôn dân muôn nước được hưởng ơn cứu độ trong ngày mùa sau hết.  

2. Bố Cục

Thánh vịnh 66 gồm 8 câu, tạo thành một cấu trúc đối xứng đồng tâm. Câu 2 và 3 đối xứng với câu 7 và 8 cùng bày tỏ lời nguyện xin phúc lành. Câu 4 và 6 đối xứng với nhau trong cùng một điệp ca được nhắc lại hai lần. Tâm điểm của thánh vịnh được tìm thấy ở câu 5 với mục đích quảng diễn uy quyền của Thiên Chúa trên muôn dân muôn nước.

A.  Lời nguyện xin phúc lành và hiệu quả của lời cầu xin (2-3)

B: Điệp ca (4)

C: Uy quyền của Thiên Chúa (5)

B’: Điệp ca (6)

A’: Lời cầu xin phúc lành và  hiệu quả của lời cầu xin (7-8)

3. Ý Nghĩa

Thánh vịnh 66 với một bố cục đơn giản, tinh tế, và rất ngắn gọn, mở ra cho chúng ta một cái nhìn rộng lớn, một cái nhìn trên toàn cõi đất. Trước tiên, Thánh vịnh 66 khởi đi với lời khấn xin Thiên Chúa ban phúc lành xuống trên cộng đoàn những tín hữu: “Nguyện Chúa Trời rủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.” Câu này nhắc nhớ chúng ta công thức chúc lành của tư tế Aharon trong sách Dân số: “Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và rủ lòng thương anh em” (Ds 6,24-25).

Qua lời chúc lành, vịnh gia nhấn mạnh đến ý định của Thiên Chúa trong việc tuyển chọn và chúc phúc cho Ít-ra-en. Qua Ít-ra-en, muôn dân muôn nước được chúc phúc và được hưởng ơn cứu độ. Trong kế hoạch cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, Ít-ra-en được mời gọi trở nên máng chuyển ân sủng của Thiên Chúa và trở nên ánh sáng chỉ đường cho muôn dần muôn nước. Muôn dân sẽ biết đường lối của Thiên Chúa, nghĩa là biết đến ơn cứu độ của Ngài.

Qua việc nhận biết ơn cứu độ của Thiên Chúa mà “tất cả chư dân đồng thanh cảm tạ Thiên Chúa” (cc. 4.6). Muôn dân với đủ thứ ngôn ngữ khác nhau nhưng hợp nhất thành một dàn hợp xướng cùng đồng thanh hoà tấu bài ca cảm tạ: “Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài!” (cc. 4.6).

Sau điệp ca cảm tạ, chúng ta tiến vào trung tâm điểm của Thánh vịnh được tìm thấy ở câu 5: “Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này” (c. 5). Ở đây, vịnh gia quảng diễn quyền năng của Thiên Chúa xuất phát từ đức công minh và chính trực của Người. Phán quyết công minh của Thiên Chúa là lý do để muôn dân dâng lời cảm tạ. Phán quyết của Chúa nhằm thiết lập một thế giới công minh chính trực nơi đó muôn dân muôn nước được hưởng niềm hoan lạc vĩnh cửu.

Thánh vịnh 66 khép lại với hình ảnh của một mùa màng bội thu trên toàn cõi đất như là dấu chỉ hiện hữu của phúc lộc mà Chúa ban phát cho muôn dân muôn nước (c.7).

4. Truyền Thống Cầu Nguyện

Thánh vịnh 66 là một trong ba thánh vịnh được đưa vào sử dụng trong ngày lễ cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng. Hôm nay, trong ngày Chúa Nhật VI Phục Sinh, Giáo Hội dùng Thánh vịnh này để tiếp tục quảng diễn tình yêu cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Giáo Hội, dân Ít-ra-en mới của Thiên Chúa, tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Qua Giáo Hội, muôn dân muôn nước sẽ được xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa được kiện toàn nơi Con Một là Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô đã thiết lập giao ước mới trong máu Người. Người kêu gọi mọi người trở nên một, không phải theo huyết nhục nhưng là trong Thần Khí. Khi thông ban Chúa Thánh Thần, Người đã quy tụ các anh chị em của mình từ các dân tộc để thiết lập cách mầu nhiệm thân mình của Người. Nhờ đó, Giáo Hội trở nên Dân mới của Thiên Chúa. Dân thiên sai này có thủ lãnh là Đức Kitô. Cùng đích của Dân mới là Nước Thiên Chúa đã được chính Thiên Chúa khởi sự nơi trần thế, và phải được trải rộng hơn nữa cho tới khi được nên hoàn tất vào lúc tận cùng thời gian, khi Đức Kitô, sự sống của chúng ta xuất hiện, và cả mọi tạo vật cũng sẽ được giải thoát khỏi tình trạng hư nát, được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang (x. Lumen gentium, số 9).

Lm. Antôn Trần Văn Phú

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top