Giải nghĩa và hát mẫu Thánh vịnh đáp ca – Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời

LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

(Lễ Vọng)

Tv 131 (132), 6-7.9-10.13-14

Bối cảnh

Thánh vịnh 131 (132) là ca khúc thứ 13 trong số 15 Ca khúc lên Đền. Ca khúc này diễn tả cho chúng ta thấy vẻ huy hoàng của nhà vua và Đấng Mê-si-a. Vẻ huy hoàng này quảng diễn sự hiện diện đầy uy linh của Thiên Chúa ở giữa lòng dân thánh.

Lời của Thánh vịnh nhắc nhớ chúng ta về biến cố trọng đại trong lịch sử của nhà Ít-ra-en vào thời vua Đa-vít. Kinh Thánh cũng ghi lại biến cố này trong sách Sa-mu-en quyển II như sau: “Vua Đa-vít quấn ê-phốt vải gai, nhảy múa hết sức mình trước nhan Đức Chúa. Vua Đa-vít và toàn thể nhà Ít-ra-en rước Hòm Bia Đức Chúa lên giữa tiếng hò reo với tiếng tù và” (2 Sam 6,14-15). Giữa tiếng hò reo và tiếng tù và ấy, con cái nhà Ít-ra-en ca vang Thánh vịnh 131.

Bố cục

Thánh vịnh này gồm 18 câu, được chia thành hai phần chính.

  • Phần đầu (cc.1-10) là một Lời cầu nguyện khởi đi với lời đoan thệ của Đa-vít về việc tìm một nơi, một ngôi đền cho Thiên Chúa ngự trị (cc. 2-5). Tiếp đến tác giả trình bày sự kiện Hòm Bia được rước về Nơi Cực Thánh (cc. 6-8), kết thúc phần đầu là lời cầu nguyện cho hàng tư tế và cho chính nhà vua (cc. 9-10).
  • Phần sau (cc.11-18)khởi đi với lời hứa của Thiên Chúa dành cho Đa-vít (cc.11-12). Sau lời hứa, tác giả quảng diễn việc Thiên Chúa chọn Xi-on làm nơi Người ngự trị (cc.13-15). Thánh vịnh kết thúc với lời chúc phúc tràn đầy ánh sáng của ân sủng và hy vọng, hé mở một tương lại sáng ngời và bền vững (c.17).
Truyền thống Phụng vụ

Thánh vịnh 131 (132) được tấu lên khi Đa-vit cùng với bề tôi long trọng rước Hòm Bia Thiên Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem. Khi bắt đầu cuộc rước, Đa-vít đã long trọng thân thưa với Đức Chúa: “Lạy Chúa, xin đứng dậy, để cùng với hòm bia oai linh Chúa ngự về chốn nghỉ ngơi” (Tv 131,8). Lời cầu xin này của Đa-vít một lần nữa được vang lên trên môi miệng của con cái nhà Ít-ra-en mới, trong khi toàn thể Giáo Hội long trọng cử hành Lễ vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Ý nghĩa của điệp ca này phác hoạ trọng tâm của Phụng vụ thánh ngày hôm nay. Hôm nay, chính Chúa rước hòm bia oai linh của Người về Trời.

Ngay ở những thế kỷ đầu, các Giáo phụ đã nối kết Thánh vịnh này với mầu nhiệm Nhập thể. Các ngài nhìn thấy nơi Hòm Bia oai linh hình bóng của Đức Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria đã hiến chính mình cho Thiên Chúa để trở nên Hòm Bia Giao Ước, trở nên nơi cư ngụ của Thiên Chúa hằng sống. Quả thực, nếu Đức Kitô là Bia Thiên Chúa, thì Đức Trinh Nữ Maria phải là Hòm Bia; nếu Đức Kitô là Mặt Trời, Đức Maria phải là Bầu Trời; nếu Đức Kitô là chồi non không vết nhơ thì Đức Maria phải là cây Li-băng không tàn lụi giữa Thiên đàng của sự bất tử.

Hôm nay, người Mẹ của chúng con, Đức Trinh Nữ Maria, Hòm Bia giao mới, được Chúa rước về trời, đưa về Nơi Cực Thánh. Ôi, thật là một vinh hạnh biết bao cho chúng con là những người đang lữ hành dương thế. Hôm nay chúng con hướng theo Hòm Bia ngước nhìn về Trời để một ngày kia chúng con được Chúa cho đoàn tụ với Mẹ trên Nước Thiên Đàng.

LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

(Lễ Chính Ngày)

Tv 44 (45),10.11. 12.16

Bối cảnh

Thánh vịnh 44 (45), mà chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội hòa tấu trong ngày lễ Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời hôm nay, cũng là một thánh vịnh trình bày vẻ đẹp tuyệt mỹ của nhà vua, của Đấng Mê-si-a cùng hoàng hậu sánh vai. Thánh vịnh này đặt chúng ta vào trong bối cảnh của nghi lễ thành hôn giữa vua Ít-ra-en với một công chúa ngoại quốc thành Tia (x. Tv 45, 11.13).

Bố cục và Ý nghĩa

Thánh vịnh 44 bao gồm 17 câu, được chia thành hai phần chính.

  • Phần thư nhất quảng diễn vẻ đẹp đầy uy phong của vị Tân lang. Vị Tân lang được xem như Quân vương của Ít-ra-en, vô song tuyệt mỹ, lẫm liệt oai hùng, đầy chân thực, lòng nhân và công lý, được Thiên Chúa tặng ban ngôi báu trường tồn vạn kỷ (cc. 2-10).
  • Phần thứ hai phác hoạ vẻ đẹp lộng lẫy của vị tôn nương với đồ trang điểm vàng Ô-phia lộng lẫy, sắc nước hương trời, mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng, phục sức huy hoàng (cc. 11-16).
Truyền thống và Ý nghĩa

Truyền thống Do-thái và Ki-tô giáo nối kết Thánh vịnh này với hôn lễ của Đấng Mê-si-a với Ít-ra-en. Đối với truyền thống Do-thái, Đấng Mê-si-a thuộc dòng dõi Đa-vít. Còn đối với truyền thống Kitô giáo, Đấng Mê-si-a là chính Vua Kitô; Ít-ra-en là hình ảnh của Hội Thánh.

Trước tiên, Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa là Đấng được Thiên Chúa tặng ban cho ngôi báu trường tồn vạn kỷ, như được diễn tả trong Thánh vịnh 110, Thiên Chúa phán bảo rằng: “Ngày đăng quang Con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra con” (Tv 110, 3). 

Thứ đến, vị Tôn nương được diễn tả trong phần thứ hai của Thánh vịnh là hình bóng của Giáo Hội. Tình yêu giữa Tân lang và Tôn nương trong Thánh vịnh, được thánh Phaolô xem như là tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, và tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh (Eph 5,32).

Sau cùng, nhiều giáo phụ đã nối kết hình ảnh của vị Tôn nương trong Thánh vịnh 44 với Đức Trinh Nữ Maria. Lời mời gọi “Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào” (c. 11) là lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho Đức Trinh Nữ. Đức Trinh Nữ được mời gọi hãy lắng nghe vì những gì Trinh Nữ nghe được làm cho tâm hồn vui sướng: “quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ.” Khi rời bỏ nhà thân phụ, Trinh Nữ được biến đổi trở nên Nữ Vương Thiên Đàng. Thiên Đàng mới là quê hương đích thực của Đức Trinh Nữ.

Vậy, hôm nay, khi chiêm ngắm vẻ huy hoàng kiều diễm của Thánh Mẫu trên Thiên Quốc, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu Ngài đã làm nơi Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1, 46-48).

Lm. Antôn Trần Văn Phú

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top