Giải nghĩa và hát mẫu thánh vịnh 109 – Lễ Mình Máu Thánh Chúa – Năm C

THÁNH VỊNH 109

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA- NĂM C

Bối Cảnh

Thánh vịnh 109 được gán cho vua Đavít là tác giả. Đây là một thánh vịnh được sử dụng trong bối cảnh của lễ đăng quang của một vị vua thuộc dòng dõi Đavít trong giai đoạn khoảng 900–586 tCn. Thánh vịnh này không dừng lại ở việc diễn tả hoàn cảnh đặc biệt của những biến cố lịch sử, mà còn hướng tới một chiều kích mới, chiều kích tương lai đầy huyền nhiệm. Chất chứa những mầu nhiệm cao cả, Thánh vịnh này trở thành lời kinh nguyện tán tụng Đấng Mêsia vinh thắng và được tôn vinh bên hữu Chúa Cha.

2. Bố Cục

Thánh vịnh 109 gồm 7 câu được chia thành 3 phần:

– Phần I: Sấm ngôn của Đức Chúa dành Đấng Mêsia vương đế (cc. 1-3)

– Phần II: Sấm ngôn của Đức Chúa dành cho Đấng Mêsia tư tế (cc. 4).

– Phần III: Những lời sấm tiên báo về sự toàn thắng của Đấng Mêsia (5-7).

3. Ý Nghĩa

Nhìn vào bố cục của Thánh vịnh 109, chúng ta thấy, toàn bộ Thánh vịnh quảng diễn Đấng Mêsia là đức vua huy hoàng và là tư tế muôn đời. Trước tiên, để trình bày Đấng Mêsia là đức vua, Thánh vịnh bắt đầu với lời tuyên bố rất long trọng: Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con” (c. 1). Trong câu này, chúng ta chứng kiến chính Thiên Chúa đưa đức vua lên ngôi trong vinh quang và đặt người ngự bên hữu Thiên Chúa. Chính vì thế, đức vua được chia sẻ quyền làm chủ của Thiên Chúa. Đức vua trở thành người trung gian. Quyền bính của Thiên Chúa được thực hiện qua đức vua. Thiên Chúa trao cho đức vua vương trượng để cai trị quân thù: “Từ Xi-on, Đức Chúa sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ (c. 2).

Hơn thế nữa,  Đức Chúa phán bảo rằng: “Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con” (c. 3). Ở đây, chúng ta chứng kiến việc Thiên Chúa sinh ra đức vua, tràn ngập vẻ huy hoàng rực rỡ và huyền nhiệm. Như vậy, đức vua, Đấng thật sự từ Thiên Chúa mà đến, là Đấng Mêsia, Đấng mang lại sự sống thần linh cho dân Người.

Vai trò trung gian của Đấng Mêsia còn được diễn tả một cách rõ ràng hơn trong tác vụ tư tế: “Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (c. 4). Sách Sáng thế cho ta thấy Men-ki-xê-đê là vua và là tư tế bình an của thành Salem, người đã chúc lành cho Abraham và đã hiến tế bánh và rượu sau khi Abraham giải thoát ông Lót và chiến thắng quân thù (x. St 14). Như hình ảnh vua tư tế Men-ki-xê-đê, đức vua mà Thánh vịnh tôn vinh là một tư tế muôn đời, là trung gian hoà giải giữa Thiên Chúa và dân Người. Qua trung gian Mêsia tư tế, phúc lành của Thiên Chúa tuôn đổ trên con người và qua việc tham dự vào nghi thức phụng tự, con người dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ trị ân.

Phần cuối cùng của Thánh vịnh mở ra một thị kiến về sự toàn thắng của đức vua với sự trợ lực của Thiên Chúa: “Tâu Chúa Thượng, Đức Chúa ở bên hữu Ngài sẽ đập tan vương bá ngày phẫn nộ, sẽ xét xử muôn dân, chất thây ma thành đống, đập tan bao thủ lãnh trên miền đất mênh mông” (cc. 5-6). Thánh vịnh khép lại với cảnh tượng thư thái và bình an của đức vua toàn thắng: “Dọc đường, Chúa Thượng tôi uống nơi mạch suối, nên sẽ ngẩng đầu thật hiên ngang (c. 7).

4. Truyền Thống Cầu Nguyện

Thánh vịnh 109 là một thánh vịnh cổ xưa được chính Đức Giêsu đã trích dẫn, và các tác giả Tân Ước đã sử dụng khi nói về Đấng Mêsia, nghĩa là Đức Kitô. Giáo Hội đưa Thánh vịnh này vào tất cả các Kinh Chiều II của Giờ Kinh Phụng Vụ ngày Chúa Nhật. Thêm vào đó, Thánh vịnh này được sử dụng trong Thánh lễ Truyền chức và một cách đặc biệt, trong Lễ Mình Máu Thánh Chúa hôm nay.

Khi cầu nguyện với Thánh vịnh này, Giáo Hội chiêm ngắm Đấng Mêsia, Đấng là đức vua tư tế mà Thánh vịnh nói đến chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng thực sự từ Thiên Chúa mà đến. Người được sai đến trần gian để thiết lập Nước Thiên Chúa, và tiêu diệt quyền lực ác thần. Người là Ngôi Lời được Chúa Cha sinh ra trước mọi loài thụ tạo, trước bình minh. Chúa Con đã nhập thể làm người, đã chết và đã phục sinh, và đang ngự bên hữu Chúa Cha. Người là Thượng tế muôn đời trong mầu nhiệm trao ban chính Mình và Máu Thánh Người để ban cho chúng ta sự sống muôn đời. Người ban ơn tha tội và hoà giải chúng ta với Thiên Chúa. Người là vị vua ngẩng đầu hiên ngang vì đã chiến thắng tử thần bằng chính sự phục sinh của Người.

Hôm nay, trong ngày Lễ Mình Máu Thánh Chúa, qua lời Thánh vịnh 109, chúng ta tiếp tục chiêm ngắm và cảm nếm cuộc vượt qua của Đức Kitô trong cuộc đời chúng ta. Vậy, trong giây phút này đây, chúng ta hãy hướng lên Đức Kitô để hiểu được ý nghĩa đích thực của ngôi vua, để sống trong phục vụ và tự hiến mình cho tha nhân, ngang qua con đường vâng phục và yêu thương cho đến cùng, ngang qua hành động bẻ mình ra mỗi ngày cho tha nhân như chính Đức Giêsu hằng bẻ mình ra cho chúng ta trên Bàn thờ.

Lm. Antôn Trần Văn Phú

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top