Sẵn sàng đợi chủ về – Chúa Nhật XIX thường niên – Năm C

SẴN SÀNG ĐỢI CHỦ VỀ

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN – NĂM C

(Lc 12, 32-48)

1. Trong dụ ngôn người đày tớ tỉnh thức, nếu để sang một bên c.37b người ta sẽ có một câu chuyện thuần nhất. Quá nửa đêm chủ trở về nhà. Nhưng ở đây, không phải chỉ mình ông gác cổng thức nhưng mọi đầy tớ đều đợi chủ mình. Họ đứng trong sân, giữa cửa lớn bên ngoài nhà. Họ phải vén áo lên để mở cửa cho nhanh khi chũ gõ và còn cầm đèn để dọi lối đi cho chủ. Chắc chắn chủ không đòi hỏi, nhưng những điều ấy nói lên sự kính trọng và lòng tận tụy yêu mến. Và chủ nhận biết lòng trung thành và sẽ tưởng thưởng.

Nhưng một chi tiết của dụ ngôn đã làm người ta chú ý và quay về lối chú giải ẩn dụ (interprétation). Để đón chủ về có cần đem tất cả gia nhân ra đón không? Chủ nhân phải chăng là một nhân vật quan trọng? Dù là một nhân vật lớn, chỉ cần một vài tha nhân phục vụ không đủ sao? Người ta sẽ nghĩ gì về ông chủ đòi một toán đầy tớ phải có mặt ở đó, áo quần chỉnh tề, khi ông về chỉ để mở cửa cho ông? (dụ ngôn tương tự với Mc 13,33-37 nhưng chỉ có một người gác cổng thôi).

Chỉ có một giải pháp cho vấn nạn ấy: dụ ngôn đi quá thực tại. Bức tranh mà dụ ngôn đưa ra không phải là một trang sử, đó chỉ là một ẩn dụ một cảnh trong thế giới bên kia. Mọi tôi tớ đều phải có mặt lúc chủ về, vì mọi Kitô hữu, mọi người, đều được triệu tập một cách công khai khi Con Người quang lâm.

Nhưng câu 37b còn đi xa hơn: “Quả thật, tôi nói cho các ông, chủ sẽ thắt lưng, đặt họ ngồi bàn tiệc và đi lại hầu hạ họ”. Câu này không phải là một diễn từ bằng ngụ ngôn, không dựa trên một sự kiện có thực, nhưng trên sự kiện có thể xảy ra. Đàng khác Chúa Giêsu mô tả ông chủ, dù là người công bình, đã cư xử thế nào với tôi tớ mình trong cuộc sống thường ngày: “Ai trong các anh, có tên đày tớ cày ruộng về mà nói với nó rằng: mau lại đây ngồi xuống dùng bữa đi?” (Lc 17,7-8). Ở đây ông chủ làm trái lại: mời các gia nhân ngồi bàn và chính ông phục dịch họ. Hình ảnh thật là mâu thuẫn, nó phát sinh từ một văn mạch riêng và không ăn khớp gì với dụ ngôn cả. Nó là một câu trong phần tuyển tập các lời Chúa Giêsu nói để mạc khải mầu nhiệm đời Ngài, mầu nhiệm sẽ được biểu lộ trong cái chết của Ngài.

Lc đã đặt câu sau đây trong khung cảnh bữa tiệc ly để soi sáng ý nghĩa bữa tiệc ly: “Ai là người lớn nhất: người ngồi bàn hay kẻ hầu hạ? Phải chăng là người ngồi bàn? Nhưng tôi, tôi ở giữa các anh như là người hầu hạ” (Lc 22,27). Trong những câu Chúa Giêsu nói mà Lc đã ghi lại, câu Chúa Giêsu nói hầu hạ các tông đồ, đi trước câu Ngài đi hứa cho các môn đệ được ăn uống nơi bàn tiệc Ngài, khi Nước Thiên Chúa đến và vương quốc thiên sai được thành lập (22,30; 22,18). Đó là cách trình bày bữa tiệc cánh chung (Mt 8,11) được cụ thể hóa trong bàn tiệc mà Chúa vinh hiển sẽ cùng ăn với các gia nhân Ngài.

Từ những yếu tố đó, hình thức và ý nghĩa lời nói trong dụ ngôn sẽ dễ hiểu hơn. Ông chủ trở về nhà, cho các gia nhân ngồi bàn và sẽ phục vụ họ. Dĩ nhiên, diễn tiến câu chuyện lại trục trặc vì câu ấy. Chủ nhà đã ăn tiệc; lại tổ chức một bữa tiệc khác vào nửa đêm, như vậy thật là thiếu mạch lạc. Nhưng những điều đó không trở ngại gì, vì câu chuyện đã trong hiểu theo lối ẩn dụ; và hướng đến các giá trị thiêng liêng.

2. Các nhà chú giải hơi lúng túng, khi cắt nghĩa chi tiết dụ ngôn người ăn trộm (c.39-40). Một vài tác giả (Jéremias, Dodd, BJ) có một vài vụ trộm cắp xảy ra mới đây mà cả làng còn nói đến, và Chúa Giêsu dùng biến cố hấp dẫn ấy để dạy cử tọa về tai họa ghê gớm (quang lâm) sắp đến. Lối chú giải ấy dựa trên một động từ ở thì conditionnelle irréelle. Ý nghĩa dụ ngôn bấy giờ sẽ là: nếu chủ nhà biết…, ông đã không để trộm vào nhà. Điều kiện không thực ấy (cette condition irréelle) giả thiết rằng, chủ nhà thực sự không biết nhà mình sẽ bị trộm và như thế ông không phòng gì cả. Nhưng cách chú giải ấy liền vấp phải câu kết sau: “Các anh cũng vậy, các anh hãy sẵn sàng…” Người ta không hiểu tại sao câu hết này áp dụng cho dụ ngôn vì câu này giả thiết chủ nhà đã không tỉnh thức.

Một lối chú giải khác cho rằng dụ ngôn cũng như lời tuyên bố một luật chung nào đó, bao trùm cả hiện tại lẫn tương lai. Nếu chủ nhà biết…ông sẽ tỉnh thức. Nhưng kiểu chú giải kia vẫn làm cho dụ ngôn không thể tránh khỏi khó khăn mà câu kết nêu lên. Cả các môn đệ, họ cũng không biết khi nào Con Người đến. Nhưng trái với chủ nhà là không tỉnh thức, vì ông biết giờ nào kẻ trộm có thể đến, còn các môn đệ lại phải tỉnh thức. Đây là điểm gợi ý để giải đáp các khó khăn trên: không những chủ nhà không biết giờ nào kẻ trộm có thể đến, nhưng ông cũng không biết kẻ trộm có đến không? Chính vì điều đó mà lập trường các môn đệ khác nhau. Nếu họ không biết thời gian đích xác Con Người đến, thì ít nhất là ngay bây giờ họ xác tín là Ngài sẽ đến. Vì các môn đệ biết, nên phải tỉnh thức (hình như đó là ý nghĩa của “cả cho các anh nữa” cũng như ông chủ nhà sẽ thức, nếu ông biết, thì các anh, các anh phải tỉnh thức, vì các anh đã biết). Nhưng phải thú nhận rằng lối chú giải này gây phiền phức cho bản văn lắm, bản văn nhấn mạnh lúc kẻ trộm đến (hay là quang lâm) hơn là sự bất ngờ. Vì chưa có một lối chú giải nào hay hơn, nên tạm thời tôi chấp nhận lối chú giải này.

Nhưng có một điều chắc chắn là khi nghe dụ ngôn, đừng ẩn dụ hóa câu chuyện. Tên trộm là lối ẩn dụ không mấy xứng hợp với Thiên Chúa. Vì thế dụ ngôn không ví Thiên Chúa như là người ăn trộm, nhưng so sánh sự xuất hiện ấy đều bất ngờ, đó là điểm tương tự duy nhất giữa hai người.

Dụ ngôn thứ 3 là dụ ngôn về người quản lý trung thành và người quản lý bất trung (c.42-48), dĩ nhiên trong thực tế, người đày tớ ấy không thể vừa trung thành, nhận phần thưởng làm quản lý tất cả tài sản của chủ, rồi liền sau đó được coi như một đày tớ bất trung và chịu hình phạt. Vậy có hai bức tranh khác nhau, nhưng liên hệ với nhau rất đậm đà nên nhà dụ ngôn chỉ nói đến một tên đầy tớ thôi.

Trong trường hợp thứ nhất, những hình ảnh không đi ra ngoài bình diện tự nhiên. Người đầy tớ trung toàn bổn phận mình đối với đồng bạn và nhận nơi chủ một chức vụ cao cả hơn ở trần gian này.

Trường hợp thứ hai, nhà dụ ngôn đem chúng ta đi quá bình diện tự nhiên. Tên đầy tớ thất thường bị truất phế và bị xếp hàng “bất trung” “không tin”.

Chúng ta đang đứng trước một dụ ngôn giải ca (casuistique) trình bày một nhân vật tưởng tượng, có thể đặt trong trường hợp này hoặc trường hợp kia và có thể gánh lấy họa phúc này hay họa phúc kia.

Dụ ngôn dạy ta một bài học rõ ràng; do vấn nạn Chúa Giêsu đặt ra (c.41), dĩ nhiên mọi dụ ngôn đều có tính cách ẩn dụ (allégorique), và áp dụng cách chính xác cho các vị thủ lãnh cộng đoàn Kitô hữu. Môn đệ coi sóc các linh hồn và Thiên Chúa thình lình đến mà thấy ông kiện toàn bổn phận của mình, thì sẽ được trọng thưởng. Kẻ nào có nhiệm vụ chăm sóc các linh hồn, mà lợi dụng quyền thế và trác táng, quên mất sự phán xét của Thiên Chúa có thể đến cách bất chợt, sẽ bị bắt quả tang và đày xuống hỏa ngục.

KẾT LUẬN

Thái độ căn bản của người Kitô hữu khi đợi Thiên Chúa đến vào giờ cuối cùng (thời cuối cùng có thể đến thình lình vào bất cứ giờ nào trong ngày hay đêm) là phải tỉnh thức và trung thành. Người mà Thiên Chúa thấy trong thái độ ấy sẽ được trọng thưởng, bằng không sẽ bị phạt. Số phận đời đời của ta đã định sẵn do quyết định của ta rồi: chúng ta là những người đày tớ biết tỉnh thức hay là những tên quản lý trung thành?

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Con tim của con người thường gắn liền với những cái họ liều lĩnh. Ai sống cho Thiên Chúa thì gắn liền với Thiên Chúa; ai từ chối nhiều sự vì Nước Thiên Chúa thì sẽ được nước ấy. Kẻ nào có kho tàng và của cải trên trời, thì con tim và mọi ước muốn đều hướng về trời. Kẻ nào tạo dựng kho tàng trên trời bằng cách bố thí, Nước Thiên Chúa sẽ ở trong cuộc đời của họ.

2. Nghi thức cột áo của người Do thái trong lễ vượt qua (Xac 12,11), phù hợp với quan niệm Thánh kinh nói về sự cứu rỗi mà Thiên Chúa đã thực hiện: Thiên Chúa khởi xướng công cuộc cứu độ, nhưng luôn đòi con người tiếp tục, vì sự cứu độ là làm con người trở nên khác và sống điều Thiên Chúa dạy. Chúa Giêsu cũng lưu tâm đến trực giác căn bản này: Ngài bảo ban đêm cũng phải bận y phục như ban ngày, nghĩa là tươm tất, sẵn sàng hoạt động, đèn thắp sáng để thấy rõ. Bóng tối bao trùm các người khác và họ ngủ mê. Còn chúng ta là môn đệ Ngài, phải luôn tỉnh thức. Ánh sáng đã được thắp lên, chúng ta phải giữ nó để sống trong những giờ đen tối nhất của cuộc đời chúng ta.

3. Thi hành xong sứ mệnh, Chúa Giêsu ra đi, để chúng ta sống tự do. Ngài từ chối đánh thức ta dậy, Ngài để chúng ta lãnh lấy trách nhiệm. Ngài gây niềm tin cho ta. Chúng ta không được ngã lòng, không được ngã lòng, không được đánh lừa chính mình. Vì Ngài sẽ đến, nên chúng ta phải luôn sẵn sàng mở cửa khi Ngài gõ.

4. Dĩ nhiên việc Đức Kitô trở lại phù hợp với việc phán xét cuối cùng của chúng ta và của toàn thể nhân loại, nhưng cũng phù hợp với mỗi một giây phút của cuộc sống chúng ta, cuộc sống ấy sẽ cho thấy chúng ta trung thành hay bất tín, trưởng thành hay còn ấu trĩ đối với Thiên Chúa cũng như đối với chính mình. Thánh Phaolô mô tả ở thì hiện tại: “người ta gieo gì thì gặt nấy” (Gal 6,7), và Chúa Giêsu còn khẳng định ở chỗ khác: “Mọi cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu” (Mt 7,17-18). Khi Đức Kitô trở lại là để mỗi người chúng ta cụ thể hóa chân lý đó. Hãy hiểu rằng chúng ta không bao giờ biết giờ Ngài trở lại: chính chúng ta không được quyền xét xử chúng ta, việc tốt cũng như việc xấu (1Cor 4,3-5) và chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền phán xét. Chúng ta chỉ có thể làm việc này là trung thành vô điều kiện trong việc tỉnh thức, chu toàn những trách nhiệm của người đày tớ.

5. Nếu Đức Kitô cho chúng ta dấn thân trong việc phục vụ Ngài, không phải là biến chúng ta trở nên những tên nô lệ. Trái lại khi đảo lộn các mưu đồ và giai cấp của chúng ta, Ngài đã trở nên người đầu tiên phục vụ chúng ta. “Tôi ở giữa các anh như là người phục dịch” (Lc 22,27). Sau khi mạc khải sự cao cả hay hạnh phúc của việc phục vụ, người ta không ngạc nhiên vào giờ Ngài trở lại, vì Ngài thật là Chúa và Chủ (Gio 13,14), Ngài thắt lưng và phục dịch chúng ta như đã làm trước khi thụ nạn (Gio 13,4-5). Đã phục vụ, đã được phục vụ và yêu nhau theo gương Ngài, chúng ta đạt tới phẩm giá và hạnh phúc của Ngài. Khoảng cách trước đây giữa chủ và đày tớ giờ đây đã xóa tan, vì chính Ngài đã quyết như thế: “Các anh là bạn hữu, nếu các anh đã làm những gì tôi đòi hỏi các anh. Tôi không gọi các anh là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ mình làm; tôi gọi các anh là bạn hữu, vì tất cả những gì tôi đã học biết nơi Cha tôi, tôi đã dạy lại cho các anh” (Gio 15,14-15). Thật là hạnh phúc cho chúng ta khi việc chúng ta phục vụ đưa đến tình bạn, và tình bạn đưa đến vâng lời, và vâng lời là mối thông giao trực tiếp với Thiên Chúa.

Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top