Bậc lễ: Nhớ buộc
Màu phụng vụ: Đỏ
Tiểu sử: Ngày 12/11: Thánh Giô-sa-phát – Giám mục, tử đạo (khoảng 1580-1623)
Ca nhập lễ
Vị thánh này đã chiến đấu đến chết vì lề luật Chúa, và không sợ hãi lời đe dọa của những kẻ gian ác, vì người đã được xây dựng trên tảng đá vững chắc.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh giám mục Giô-sa-phát đầy tinh thần yêu mến khiến người hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Xin Chúa thương nhận lời thánh nhân chuyển cầu mà ban cho Giáo Hội cũng được đầy tinh thần yêu mến, và cho chúng con hằng biết noi gương người không ngại xả thân vì anh em. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I
Phụng vụ bài đọc (Theo ngày trong tuần)
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xưa Chúa đã ban cho thánh Giô-sa-phát ơn đổ máu đào để minh chứng đức tin. Nay xin Chúa đổ tràn ơn phúc trên của lễ chúng con dâng và làm cho đức tin của chúng con thêm mạnh mẽ vững vàng. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Chúa phán: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự bàn tiệc thiên quốc. Ước chi tiệc thánh này củng cố tinh thần chúng con, để chúng con vừa hiếu hoà, vừa can đảm. Nhờ thế, chúng con sẽ noi gương thánh Giô-sa-phát: sẵn lòng hy sinh ngay cả tính mạng để Hội Thánh luôn tiến triển trên con đường thánh thiện và hiệp nhất. Chúng con cầu xin..
XIN CHO HỘI THÁNH ĐƯỢC HIỆP NHẤT BÌNH AN
(Lc 18, 1-8) hoặc Ga 17,20-26
Toàn bộ Phúc Âm thánh Gioan chương 17 là diễn từ ly biệt, được kết thúc bằng kinh nguyện vô cùng cảm động của Chúa Giêsu dâng lên Cha. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (câu 1-5). Chúa Giêsu xin “Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17, 1).
Tiếp theo là những lời Đức Giêsu xin cho các môn đệ: “Lạy Cha … xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con” (Ga 17, 11). Thứ đến là những kẻ nhờ các Tông đồ mà tin vào Chúa là chúng ta, được Chúa lưu tâm đặc biệt trong lời nguyện hiến tế hôm nay: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ chúng mà tin vào con, để mọi người nên một cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 20-26).
Chúng ta là đối tượng trong “lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu”. Người đặc biệt quan tâm đến sự hiệp nhất của chúng ta, vì hiệp nhất làm cho chúng ta nên “một”: “Để cả chúng cũng nên một trong Ta” (Ga 17,22). Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng nói: “Vậy làm thế nào chúng ta có thể, nếu, không làm cho thế giới biết được Thiên Chúa là Tình Yêu? Chúng ta chia rẽ, thì làm sao chúng ta có thể là người đáng tin cậy được?” Lời chứng về Tình Yêu là một bằng chứng mạnh mẽ hùng hồn nhất để thuyết phục thế giới. Chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô là gương mù gương xấu cần vượt thắng. Vì chia rẽ làm suy yếu sự đáng tin, và hiệu lực dấn thân rao giảng Tin Mừng của chúng ta và có nguy cơ làm trống rỗng quyền năng của Thập Giá Chúa.
Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ còn xin cùng Chúa Cha cho chúng ta nên một: “Xin Cha cho chúng nên một” (Ga 17,21), để “Người ở đâu thì chúng ta cũng ở đó với Người hầu chiêm ngưỡng vinh quang của Người.” (Ga 17,24).
Thánh Giosaphát
Thánh Giôsaphát sinh tại Ba Lan vào năm 1580; và ngài nhận thánh Gioan làm bổn mạng. Giôsaphát là tu sĩ dòng Ukraina, dòng của thánh Basiliô và ngài đổi tên là Giôsaphát.
Ngài là một người rất hy sinh và can đảm. Vì có nhiều phẩm chất thiên phú, Giôsaphát hay được chọn giữ những nhiệm vụ thủ lãnh. Điều này sau cùng đã khiến Giôsaphát phải trả giá bằng chính mạng sống mình.
Thật trùng lặp khi hôm nay Giáo Hội mừng lễ Giôsaphát. Nói đến thánh Giôsaphát là người ta nghĩ ngay đến một tông đồ cho niềm tin thống nhất Công giáo. Sinh tại Ba Lan vào năm 1580; và ngài nhận thánh Gioan làm bổn mạng. Giôsaphát là tu sĩ dòng Ukraina, dòng của thánh Basiliô và ngài đổi tên là Giôsaphát. Ngài là một người rất hy sinh và can Thánh nhân rao giảng sự hợp nhất giữa các giáo hội Kitô ở Ukraina. Có ba thành phần Kitô hữu chính thức ở đất nước này: các Kitô hữu theo Giáo hội Latinh và hợp nhất với Đức Giáo hoàng, các Kitô hữu theo Giáo hội Chính thống Hy Lạp và các Kitô hữu theo Giáo hội Công giáo Hy Lạp.
Giôsaphát làm giám mục năm 1617; và ngài được trao cho trách nhiệm trông coi giáo phận Pôlotsk. Thánh nhân dùng gần mười năm sau đó để giúp đỡ bổn đạo hiểu biết và yêu mến đức tin Công giáo. Ngài là một người xây dựng hòa bình và là một người chữa lành. Thánh nhân mong muốn tất cả mọi người được sống trong bình an. Giôsaphát xác tín rằng điều giúp hợp nhất mọi người không phải là điều làm chia rẽ họ.
Lạy Chúa, xin cho Hội Thánh được hiệp nhất và bình an trong Chúa Ba Ngôi nhờ lời chuyển cầu của thánh Giôsaphát. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ