Ngày 26/1: Thánh Ti-mô-thê-ô và Thánh Ti-tô – Giám mục

Bậc lễ: Nhớ

Màu phụng vụ: Trắng

Tiểu sử: Ngày 26/01 – Thánh Timôthê và Titô – giám mục

Nghe MP3

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta sẽ chọn cho Ta một vị tư tế trung thành, người sẽ hành động theo lòng Ta ước muốn, và theo thánh ý Ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho hai thánh Ti-mô-thê và Ti-tô, những đức tính xứng bậc tông đồ. Xin nhận lời các thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà ban cho chúng con khi còn ở đời này biết sống ngay lành và thánh thiện, hầu xứng đáng đạt tới quê trời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 2 Tm 1, 1-8

“Nhớ lại đức tin trung thành của con”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timô-thêu.

Phaolô, Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, bởi ý định của Thiên Chúa, theo lời hứa ban sự sống trong Chúa Giêsu Kitô, gởi lời thăm Timôthêu, người con yêu dấu. Nguyện chúc ân sủng, lòng từ bi và bình an của Thiên Chúa Cha, và Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Cha cảm tạ ơn Chúa, Ðấng cha phụng sự như tổ tiên cha, với tâm hồn trong trắng, khi cha đêm ngày hằng nhớ đến con trong kinh nguyện, nhớ đến nước mắt con đã chảy ra. Cha mong ước gặp con, để được đầy lòng vui mừng. Cha nhớ lại đức tin trung thành của con, đức tin mà bà ngoại của con là Lois đã có trước, rồi đến mẹ con là Êunikê, và cha tin chắc con cũng có đức tin đó. Vì vậy, cha nhắc nhở con điều này, là hãy làm sống động ơn Chúa trong con, ơn mà con lãnh nhận qua việc cha đặt tay trên con. Thật vậy, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần trí nhát sợ, mà là thần trí dũng mạnh, mến yêu và độ lượng. Vậy con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì cha là tù nhân của Người; nhưng hãy cộng tác với Tin Mừng dựa theo quyền lực của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: Tt 1, 1-5

“Gởi lời thăm Titô, người con chân thật trong cùng một đức tin”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Phaolô, đầy tớ của Thiên Chúa, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô, theo đức tin của những người được Chúa chọn, và sự hiểu biết chân lý theo lòng đạo đức, trong hy vọng được sống đời đời mà Thiên Chúa là Ðấng không lừa dối, đã hứa từ muôn đời; và khi đến giờ đã định, Người bày tỏ lời Người qua việc rao giảng mà Người đã giao phó cho cha theo lệnh của Thiên Chúa Ðấng Cứu độ chúng ta: gởi lời thăm Titô, người con chân thật trong cùng một đức tin. Nguyện chúc cho con được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha, và của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu độ chúng ta. Ðây là lý do cha để con ở lại Crêta, là để con tổ chức cho xong xuôi tất cả, và thiết lập hàng niên trưởng trong mỗi thành phố, như cha đã truyền dạy cho con.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 10

Ðáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân.

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa đi, toàn thể địa cầu! Hãy ca mừng Chúa, hãy chúc tụng danh Người.

Xướng: Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa muôn dân và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.

Xướng: Hãy kính tặng Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Chúa quyền thế với vinh quang; hãy kính tặng Chúa vinh quang xứng với danh Người. Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa.

Xướng: Người giữ vững địa cầu cho khỏi lung lay, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.

Alleluia: Mt 23, 9a. 10b

Alleluia, alleluia! – “Các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi chỉ có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 1-9

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, xin chấp nhận của lễ chúng con dâng để mừng kính hai thánh Ti-mô-thê và Ti-tô. Ước gì hiến lễ chúng con dâng để tạ ơn Chúa vừa tuyên xưng Chúa uy nghi vinh hiển, vừa đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con hiệp thông vào bàn tiệc Thánh Thể. Xin cho chúng con nhờ đó đạt tới niềm vui bất tận với thánh hai thánh Ti-mô-thê và Ti-tô, người đã quản lý các mầu nhiệm cứu độ như tôi tớ trung thành. Chúng con cầu xin…

Hoặc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã cho chúng con tìn lại sức mạnh nơi bàn tiệc thánh. Xin giúp chúng con biết noi gương hai thánh Ti-mô-thê và Ti-tô để lại là luôn luôn trung thành phụng sự Chúa và yêu thương phục vụ mọi người mà không hề quản ngại khó khăn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Bình an của Đức Giêsu Kitô

Nước Chúa ở đâu? Cách nào?

Này con đây, xin hãy sai con!

1. Bình an của Đức Giêsu Kitô

Trong bài phúc âm hôm nay, khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu đã truyền cho các ngài: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Sự bình an ở đây không có nghĩa chỉ là sự bình yên, không có xung đột, hay không xảy ra hoạn nạn, không có gì nguy hiểm… nhưng đó là bình an của Chúa. Thuật ngữ bình an trong truyền thống Kinh Thánh muốn nói đến tất cả những điều tốt lành mà Thiên Chúa hứa ban cho dân người và những điều này sẽ được thực hiện nơi Đấng Messia (x. Is 9, 6). Bình an được dùng để diễn tả lời hứa của một cuộc sống mới và viên mãn mà thế gian này không thể mang lại được. Chúa Giêsu đến trần gian để cứu loài người khỏi tội lỗi và ban cho loài người được tham dự vào hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa. Người là sự sống mới mà Thiên Chúa hứa ban. Như vậy, chính Người là bình an cho các môn đệ và cho mỗi chúng ta. Ở đâu có Chúa, ở đó chan chứa niềm vui và bình an.

Thế giới ngày hôm nay, còn rất nhiều người chưa được biết Đức Giêsu Kitô. Cánh đồng truyền giáo vẫn còn rộng mênh mông trước mắt những người đi rao giảng. Mỗi chúng ta cũng được mời gọi trở nên những thợ gặt trong cánh đồng của Chúa. Và trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta đều nghe lời chúc của vị chủ tế: “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an”. Đây không chỉ là lời chào kết thúc để giải tán cộng đoàn nhưng còn là lời sai đi của Chúa giành cho mỗi người tín hữu chúng ta. Chúng ta đã được gặp Đức Giêsu qua bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta đã nhận được bình an của Người và vì thế, chúng ta được mời gọi ra đi để mang Chúa và bình an cho những anh chị em xung quanh. Với tất cả nhiệt huyết của người môn đệ Đức Giêsu Kitô, mỗi chúng ta hãy lên đường để đi đến với mọi nhà và mang cho họ lời chúc của Người: “Bình an cho nhà này”. Chắc chắn Chúa sẽ ở bên trợ giúp và trả công bội hậu cho những cố gắng của chúng ta.

Lm. Gioan Trần Văn Viện

2. Nước Chúa ở đâu? Cách nào?

“Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” (Lc 10,9)

Suy niệm: Khi sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu căn dặn các ông hãy loan báo: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” Nước ấy “đã đến gần” thì phải đi tìm nước ấy ở đâu và như thế nào? Tin Mừng hôm nay trả lời cho chúng ta câu hỏi ấy: 1/ Nước Thiên Chúa đã và đang đến trong lời rao giảng của các môn đệ, khi các môn đệ vào từng “thành” từng “nhà” với lời chúc bình an. 2/ Tìm Nước Thiên Chúa bằng cách đón nhận những sứ giả Tin Mừng cùng với lời loan báo bình an: “Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.”

Mời Bạn: Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, bạn không còn có thể sống trong một giáo xứ “toàn tòng.” Có khi nhà bạn đang đơn độc giữa bao nóc nhà không cùng tôn giáo, quan điểm với bạn. Dù vẫn biết rằng việc loan báo là rất khó khăn, vì sẽ có những “nhà” từ khước lời rao giảng, nhưng nói thực, bạn đã bắt đầu rao giảng chưa? Và bạn đã làm gì để rao giảng? Bạn nhớ Nước Thiên Chúa bắt đầu hiện diện khi bạn trở thành dấu chỉ của sự bình an, và bạn thực sự rao giảng Nước Thiên Chúa mỗi khi vào nhà nào mà bạn đem “bình an đến cho nhà này!”

Sống Lời Chúa: Kinh nghiệm cho biết kinh nguyện+Lời Chúa sớm hôm tại gia sẽ cung cấp sức mạnh cho việc sống đức tin và loan Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh. Mời bạn thực hiện điều đó trong gia đình, cộng đoàn của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con thành khí cụ bình an của Chúa để đem Tin Mừng đến với mọi người chúng con gặp gỡ.

3. Này con đây, xin hãy sai con!

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2)

Suy niệm: Nhiều năm qua, người ở nông thôn ồ ạt di dân lên thành thị, việc thiếu thợ gặt trong ngày mùa đang là một thực tế nan giải tại nhiều nơi. Là người tâm huyết với cây lúa, nhìn những cánh đồng lúa chín vàng nặng trĩu hạt, lại chưa có người gặt, ai lại chẳng băn khoăn. Song băn khoăn không phải chỉ để băn khoăn, nhưng là để đi đến một hành động. Chúa Giêsu cũng băn khoăn trước vụ mùa thiêng liêng đang thiếu thợ gặt và Ngài kêu gọi hành động: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Sao thế? Sao lại có cơ chế “xin-cho” ở đây? Đó là việc của chủ ruộng, “mắc mớ” gì mà tôi phải xin? Đúng vậy! Chủ mùa mới có quyền sai thợ gặt ra đi. Nhưng hãy xin! Vì tôi được mời gọi chia sẻ mối băn khoăn của Chúa. Nhưng liệu tôi có sẵn lòng để cho Chúa là chủ mùa gặt sai tôi đi không?

Mời Bạn: Ngày nay công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội vẫn đang cần rất nhiều con người biết quảng đại dấn thân. Hơn ai hết, và hơn lúc nào hết, chính bạn và tôi đang được mời gọi để cộng tác vào công cuộc loan báo Tin Mừng cao quý này. Chúng ta hãy để Chúa sai đi, và thưa với Ngài: Này con đây, xin hãy sai con!

Chia sẻ: Truyền giáo là căn tính của người Kitô hữu. Vậy bạn đã sống đúng căn tính của mình chưa? Xin chia sẻ một minh họa cụ thể.

Sống Lời Chúa: Ra đi đến với một người hàng xóm với tất cả lòng yêu thương chân thành và sẵn sàng giúp đỡ họ. Để qua ta, người khác nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Hát “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán …”

Email
Print
Twitter

Kinh Kính Mừng trong tháng Mười

Kinh Kính Mừng là kinh mà các tín hữu Việt Nam rất yêu mến. Nhiều người đeo tràng hạt trên cổ, trên tay, cất trong túi áo và đọc trong nhà thờ…

Scroll to Top