CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 28: Hòa giải và tha thứ (Mt 18,15-35)
I. DẪN NHẬP
Trong tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Mát-thêu với chủ đề: “Người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18,1-14). Qua đó chúng ta nhận ra rằng: người lớn nhất trong Nước Trời là người khiêm nhường. Vì Chúa nói: ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. (Mt 18,4)
Tuần này, kính mời cộng đoàn cùng tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 18 từ câu 15 đến câu 35, với chủ đề: HÒA GIẢI VÀ THA THỨ, qua đó chúng ta sẽ tìm hiểu tiến trình hoà giải trong Giáo hội diễn ra như thế nào? Và vì sao chúng ta phải tha thứ cho nhau? Giờ đây, kính mời cộng đoàn theo dõi nội dung chi tiết.
I. BỐ CỤC
Bản văn Mt 18,15-35 có thể được chia theo bố cục sau đây:
1. Sửa lỗi anh em (Mt 18,15-18).
2. Hiệp thông trong lời cầu nguyện (18,19-20).
3. Tha thứ không giới hạn (18, 21-22).
4. Kết luận bằng dụ ngôn: Tha thứ là điều kiện để được thứ tha (18, 23-35).
Video bài học
Audio Lời Chúa (Mt 18, 15-35)
II. CHÚ GIẢI
Trước khi đi vào phần nội dung, chúng ta cùng lược qua một vài điểm chú giải cần thiết như sau:
[1] “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó”: Người anh em: ở đây là anh em thiêng liêng cùng trong một cộng đoàn đức tin (x. Mt 23,8; 28,10) và việc phạm tội không nhất thiết là tội phạm đến người sửa lỗi, nhưng là những lỗi nặng nề, công khai, gây gương mù gương xấu và làm tổn thương đến cộng đoàn. Theo mạch văn, việc sửa lỗi phải đặt nền trên đức ái, nhằm cứu vãn và xây dựng hơn là áp dụng kỷ luật.
[2] “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ”: Điều này cho thấy cầu nguyện chung là một phương thức cổ võ nhằm duy trì bác ái và hiệp thông trong cộng đoàn. Để việc cầu nguyện có kết quả thì phải tâm đầu ý hợp với nhau trong cộng đoàn và cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su.
[3] “Thầy không bảo là (tha) đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”: Căn cứ sách Xuất hành (Xh 34,7) và đặc biệt là sách Amos (Am 1,3.6.9.11.13; 2,1.4.6) người ta suy ra rằng, Chúa chỉ tha thứ đến ba lần cho những người vi phạm, và Ngài sẽ phạt nếu vi phạm lần thứ tư. Phê-rô nghĩ rằng ông đã rất rộng lượng khi nhân đôi số lần tha thứ theo giới hạn và còn thêm một lần nữa. Với lòng tự hào, ông đề nghị tha thứ bảy lần thì quá đủ rồi. Nhưng Chúa Giêsu trả lời rằng, “phải tha đến bảy mươi lần bảy”, có nghĩa là không có giới hạn cho sự tha thứ.[1]
III. NỘI DUNG
[1] Mô hình của mọi cuộc hòa giải trong Giáo hội
Mô hình căn bản cho mọi cuộc hoà giải trong Giáo hội phải dựa trên tinh thần bác ái. Trước hết là hòa giải giữa cá nhân với cá nhân: “một mình anh với nó”, qua đó cho thấy sự tế nhị trong việc sửa dạy người anh chị em mình; và cũng cho thấy trách nhiệm của người góp ý, điều mà trong sách Lê-vi đã đề cập đến: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó” (Lv 19,17). Thứ đến là hòa giải giữa một nhóm nhỏ với cá nhân người ấy: “đem theo một hai người nữa”. Đây là điều đã được hướng dẫn trong sách Đnl 19,15 khi sửa lỗi cho một tội nhân bướng bỉnh. Và cuối cùng, nếu người đó vẫn không hối cải thì mới phải mang ra cộng đoàn. Việc đưa tội nhân ta trước cộng đoàn Giáo hội không phải là một sự xét xử, song là một việc long trọng khuyên dụ hoán cải nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô. Quyền bính của cộng đoàn không phải là quyền bính của một tòa án hay một cơ quan tài phán nhân loại, vì nó hệ tại ở việc đặt lương tâm con người đối điện với Thiên Chúa công bình và nhân ái. Kết quả là kẻ “chẳng màng nghe Giáo hội”, nghĩa là từ chối nghe lời mời gọi ăn năn, thì đương nhiên tự loại trừ mình khỏi cộng đoàn được xây dựng trên ân sủng trong Chúa Ki-tô.
[2] Hiệp nhất trong lời cầu nguyện
Nếu nhìn cách sửa lỗi của Chúa Giê-su là một phương thế diễn tả tình yêu thương đồng loại, thì việc hiệp thông trong lời cầu nguyện lại là một cách diễn tả khác của tình yêu. Bởi lẽ, như lời Chúa Giê-su đã hứa: “Ở đâu có có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ”. Và khi có Chúa hiện diện thì ở đó có tình yêu, bởi vì “ở đâu có tình yêu thương thì ở đó có Đức Chúa Trời” (Gn 4, 7-10). Tình yêu và lòng thương xót sẽ hóa giải mọi bất hòa, hiểu lầm giữa anh em. Đặc biệt, khi ý thức sự hiện diện của Chúa trong cầu nguyện, chúng ta cũng nhìn nhận con người yếu đuối, tội lỗi của mình mà dễ dàng cảm thông với người anh em.
[3] Tha thứ là điều kiện để chính mình được thứ tha
Qua câu hỏi của thánh Phê-rô: phải tha thứ cho người anh em đã xúc phạm đến mình bao nhiêu lần? Chúa Giê-su cho biết cần phải tha luôn mãi và để làm sáng tỏ lý do của việc phải tha thứ như vậy, Chúa Giê-su đã kể dụ ngôn người nô lệ không biết tha thứ, nhằm cảnh báo những môn đệ của Ngài phải sẵn sàng tha thứ. Dụ ngôn kể về một người nô lệ mắc nợ van xin lòng thương xót (c. 26) và “chủ của người nô lệ đó đã thả và tha nợ cho anh ta” (c. 27). Trong tiếng Aramaic chữ “mắc nợ” là “hoba”, cũng có thể được dịch là “tội lỗi” (x.Lc 7,41-42). Như vậy, dụ ngôn không chỉ đơn giản nói về một vị vua hào hiệp tha thứ cho những người hầu của mình một khoản tiền lớn nhưng nói về Thiên Chúa, người đã tha thứ cho chúng ta biết bao tội lỗi. Thật không may, người nô lệ được tha thứ dường như không học được gì về lòng thương xót nơi ông chủ của mình. Anh ta đã không thực thi lòng thương xót với người anh em của mình, để rồi cuối cùng, anh ta đã không xứng đáng được đón nhận lòng thương xót và tha thứ [2].
Thật vậy, nếu một người không sẵn lòng tha thứ cho anh chị em mình, trong khi chính mình cũng là tội nhân, thì tại sao những người đó lại nghĩ rằng Thiên Chúa, Đấng vô tội, sẽ sẵn lòng tha thứ cho họ? Phải thừa nhận rằng sự tha thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một số vết thương sâu đến nỗi chúng ta không thể không cảm thấy hoặc quên đi một sự xúc phạm (GLCG 2843). Tuy nhiên, nếu chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta biết bao nhiêu lần thì chúng ta có thể tránh trở nên giống như người đầy tớ không biết tha thứ, mặc dù đã được tha thứ nhiều nhưng lại không tha thứ cho người khác. Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ cầu nguyện rằng “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Sách Huấn Ca cũng đã dạy rằng: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 28,2), qua đó nhấn mạnh kẻ thù hận là người không có lòng yêu thương và không đáng được tha tội: “Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó?” (Hc 28,4-5). Nếu chúng ta muốn được Thiên Chúa tha thứ thì cũng hãy sẵn lòng tha thứ cho người anh chị em của mình.
IV. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH
Kính thưa cộng đoàn! Chúng ta vừa tìm hiểu đoạn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu chương 18 từ câu 15 đến câu 35, với chủ đề: HÒA GIẢI VÀ THA THỨ, xin gợi ý vài điểm giúp chúng ta suy niệm và thực hành:
Điểm thứ nhất: Tiến trình hòa giải phải diễn ra trong tinh thần bác ái. Chúng ta chỉ có thể góp ý, sửa dạy người khác nếu chúng ta thật lòng yêu mến người đó và mong cho người đó được tốt hơn mỗi ngày.
Điểm thứ hai: là con người “nhân vô thập toàn”, chúng ta rất cần lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều kiện để chúng ta được tha thứ là chúng ta phải tha thứ cho nhau. Bởi vì, sau dụ ngôn: tên mắc nợ không biết thương xót, Chúa nói: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18,35)
Cuối cùng, Giáo hội là một cộng đoàn cầu nguyện. Nếu tội lỗi làm chia rẽ cộng đoàn thì sự cầu nguyện nối kết và hiệp nhất chúng ta lại với nhau. Vì thế, chúng ta được mời gọi kiên trì cầu nguyện chung với nhau để cùng nhau lắng nghe tiếng Chúa và nâng đỡ nhau trong tình bác ái yêu thương. Vì Chúa nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ”.
V. GIỚI THIỆU BÀI TIẾP THEO
Kính thưa cộng đoàn!
Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu chủ đề: HÒA GIẢI VÀ THA THỨ. Số tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề: Chung thủy trong hôn nhân và độc thân vì Nước Trời. Xin quý cộng đoàn vui lòng đọc trước Tin Mừng Mt 19, 1-12.
Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội
[1] X. William Barclay, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, nxb. Tôn giáo, 2008, tr.165.
[2] X. Craig A. Evans, New Cambridge Bible Commentary Matthew, p.338.