CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A

Bài số 24: Giờ này đối với tôi, Đức Ki-tô là ai? (Mt 16,13-23)

I. DẪN NHẬP

Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu đoạn Tin Mừng Mt 15,10-20 với chủ đề: “Ô uế và thanh sạch”. Qua đó, chúng ta nhận ra rằng: Không phải của ăn vật chất làm cho con người ra ô uế, nhưng những tư tưởng xấu xa xuất phát từ trong lòng con người làm cho họ ra ô uế.

Tuần này, chúng ta sẽ tìm hiểu đoạn tin mừng Mt 16,13-23 với chủ đề “GIỜ NÀY ĐỐI VỚI TÔI ĐỨC KITÔ LÀ AI?”.

Đoạn Tin Mừng cho thấy: Sau khi Chúa Giê-su hỏi: người ta bảo Thầy là ai, Thánh Phê-rô đã tuyên xưng: Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống và Đức Giê-su đã khen ngợi Ngài, đồng thời, hứa trao cho Ngài quyền lãnh đạo Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập.

Tuy nhiên, khi Đức Giê-su loan báo cuộc thương khó Ngài sẽ phải chịu ở Giê-ru-sa-lem, Thánh Phê-rô đã can ngăn Người, và Đức Giê-su đã quở trách: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy “. Đoạn tin mừng này mời gọi chúng ta suy gẫm về tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.

Đôi lúc chúng ta cũng sốt sắng tuyên xưng và làm chứng về Chúa, đôi khi chúng ta lại cản trở ơn cứu độ mà Ngài đã trao ban. Câu hỏi: Đức Ki-tô là ai đối với tôi? và tôi phải sống niềm tin đó như thế nào? sẽ luôn là những lời chất vấn cho mỗi Ki-tô chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

II. NỘI DUNG

1. Anh em bảo Thầy là ai? (Mt 16,15)

Sau một thời gian đi theo Đức Giê-su, các môn đệ đã được chứng kiến nhiều phép lạ và nghe nhiều lời giảng dạy của Thầy mình. Giờ đây, Đức Giê-su đưa ra một đề bài để kiểm tra sự hiểu biết và lòng tin của các môn đệ. Bài kiểm tra này chỉ có một câu hỏi, câu hỏi cuối cùng mà tất cả phải đối mặt: “Anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15). Câu trả lời của các môn đệ lúc này có tầm quan trọng rất lớn, bởi nó sẽ quyết định vận mệnh vĩnh viễn của các ông. Đó cũng là một câu hỏi mà không một ai trong chúng ta có thể thoát khỏi hoặc trốn tránh.

Thánh Phê-rô thay mặt cho các Tông Đồ, cũng là thay mặt cho toàn thể những ai là thành viên trong Hội Thánh đã cất lên lời tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). “Đấng Ki-tô” trong tiếng Hy Lạp tương đương với “Đấng Mê-si-a” trong tiếng Do Thái, là nói về “Đấng được xức dầu” sẽ giải cứu Ít-ra-en, được Thiên Chúa hứa ban và được muôn dân mong đợi từ lâu. Thánh Phê-rô đã không ngần ngại tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a, đang khi số đông người Do Thái vẫn chỉ cho rằng Đức Giê-su không hơn không kém một ngôn sứ mà thôi.

2. Chúa Giê-su thiết lập Hội Thánh

Khi các môn đệ đi với Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê của dân ngoại, các ông biết mình đang ở trong một tình trạng gần giống một kiểu lưu đày. Bởi vì, các nhà lãnh đạo Do Thái giáo ngày càng trở nên cương quyết hơn trong việc chống đối Đức Giê-su, còn dân chúng thì ngày càng trở nên hoài nghi và thất vọng về Ngài. Bất chấp những phép lạ chữa lành, những phép lạ trên thiên nhiên và ma quỷ, Chúa Giê-su và những lời tuyên bố của Ngài về thẩm quyền thiêng liêng giờ đây ít còn ảnh hưởng và ít được kính trọng hơn so với thời điểm khi Ngài mới bắt đầu sứ vụ. Vì thế, các môn đệ có thể thắc mắc rằng: nếu Đức Giê-su thực sự là Đấng Mê-si-a thì tại sao Ngài lại từ chối lật đổ quyền thống trị của Rô-ma và thiết lập vương quốc trần gian riêng của Ngài.

Thực tế, Đức Giê-su có ý định thiết lập một vương quốc nhưng không phải ở trần gian mà vương quốc trên Thiên Đàng. Tuy nhiên, Vương Quốc đó cũng bắt đầu từ ngay ở trần gian này đó là Hội Thánh mà Ngài thiết lập. Ở đây, Đức Giê-su đã báo trước sẽ thiết lập một Hội Thánh và hé lộ những đặc điểm về nó: Hội Thánh được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ; Hội Thánh do Đức Ki-tô thiết lập; Hội Thánh là của Đức Giê-su, Hội Thánh luôn đánh bại quyền lực tử thần; Hội Thánh có quyền tháo cởi và cầm buộc, ở trên trời cũng như dưới đất (x. Mt 16,18-20).

3. Thánh Phê-rô ngăn cản Chúa

Khi quở trách Đức Giê-su vì Ngài đã tuyên bố rằng Ngài phải chịu nhiều đau khổ tại Giê-ru-sa-lem bởi các nhà lãnh đạo Do Thái giáo, Thánh Phê-rô dường như đã quên hoặc phớt lờ chính sự thật vĩ đại mà ông vừa tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Nói cách khác, khi Đức Giê-su đưa ra một kế hoạch không phù hợp với suy nghĩ của Thánh Phê-rô về Đấng Mê-si-a, vị Tông Đồ này đã vượt lên trên Chúa và trách cứ cả Con Thiên Chúa hằng sống. Đáp lại, Đức Giê-su đưa ra nguyên nhân mà Thánh Phê-rô đã rơi vào bẫy của Satan và ông đang cố gắng cám dỗ Chúa đi vào cạm bẫy đó. Lý do là vì Thánh Phê-rô đã suy luận từ tâm trí tội lỗi và hữu hạn của mình, nên ông thấy mình đứng về phía Sa-tan và chống đối Thiên Chúa. Khi tin vào quan điểm riêng của mình, thánh nhân không còn nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa nữa.

Chúng ta cần nhớ rằng, vào thời điểm này, Thánh Phê-rô đã làm tông đồ theo Chúa được một thời gian, vì vậy những bài học rút ra từ đoạn văn này chủ yếu dành cho chính chúng ta – những người đã tin Chúa. Như thế, ngay cả Ki-tô hữu cũng không thể biết và hiểu đường lối của Thiên Chúa, nếu không thông qua một sự hiểu biết đúng đắn và tuân phục Lời Chúa, cũng như sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Khi các tín hữu khăng khăng đòi đường lối riêng của mình đặt trên đường lối của Thiên Chúa, lúc đó chúng ta cũng giống như Thánh Phê-rô, trở thành một sự xúc phạm và chướng ngại gây vấp phạm.

III. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Chúng ta vừa tìm hiểu đoạn tin mừng Mt chương 16 với chủ đề “GIỜ NÀY ĐỐI VỚI TÔI ĐỨC KI-TÔ LÀ AI?”. Chúng ta nhận ra rằng: Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa, Đấng sẽ đi con đường đau khổ để cứu độ và Đấng thiết lập Hội Thánh Chúa trên trần gian.

Vài ý tưởng giúp chúng ta suy niệm và thực hành

1. Chúng ta được mời gọi đặt lại câu hỏi căn bản, nền tảng về Đức Giê-su: Ngài là ai đối với tôi? Tôi đã tin nhận Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất của đời tôi hay chưa?, hay tôi còn đặt những giá trị vật chất ở đời này bên trên Ngài?

2. Chúa Giê-su trao quyền cai quản Giáo Hội cho Thánh Phê-rô và các đấng kế vị ngài. Chúng ta hãy hết lòng vâng phục các Đức Giám mục và các linh mục đang hướng dẫn và chăm sóc đời sống đức tin của chúng ta. Đồng thời, cầu nguyện cho các ngài thoát khỏi mọi cạm bẫy của thế gian và Sa-tan.

3. Con đường Chúa Cứu Độ chúng ta là con đường thương khó. Chúng ta được mời gọi hãy đón nhận những đau khổ của cuộc đời để bước theo Ngài. Chúa nói: Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ mình, vác Thập Giá mình mọi ngày mà theo Thầy (x. Mt 16,24).

IV. GIỚI THIỆU BÀI TIẾP THEO

Ở số tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu chủ đề: ĐIỀU KIỆN PHẢI CÓ ĐỂ THEO ĐỨC KITÔ.

Xin quý cộng đoàn vui lòng đọc trước đoạn Tin Mừng Mt 16, 24-28.

 Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Sách tham khảo

MacArthur, J. (1989). Matthew (17-43). Chicago: Moody Press.

Scroll to Top