CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – NĂM A
Chủ đề: SÁM HỐI (Mt 3, 1-12)
I. DẪN NHẬP
Trong tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu chủ đề: BA CƠN CÁM DỖ. Qua đó thấy được bản chất và mục đích của các cơn cám dỗ, cũng như hiểu được cách thức mà Chúa Giêsu đã dùng để chiến thắng những cơn cám dỗ đó. Trong bài học tuần này, chúng ta tiếp tục tìm hiểu một chủ đề khác, hợp với khung cảnh Mùa Chay đó là chủ đề SÁM HỐI, với bản văn Kinh Thánh: Mt 3,1-12. Qua nhân vật chính xuất hiện trong bản văn này là thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta sẽ trả lời câu hỏi: sám hối theo Tin Mừng Mátthêu nghĩa là gì?
Sau đây là phần nội dung chi tiết bài học.
Video Bài Học
Audio Lời Chúa (Mt 3,1-12)
TGP Hà Nội · Số 07 – Sám Hối (Mt 3, 1 – 12)
II. BỐ CỤC
Trước hết là bố cục bản văn. Như chúng ta đã biết, cả Tin Mừng Máthêu gồm 5 Bài Giảng Lớn. Bài Giảng Lớn thứ nhất có chủ đề là Công Bố Nước Trời (từ chương 5 đến chương 7), với hai phần nhỏ là Phần Ký Thuật (chương 3-4), và Bài Giảng Trên Núi (chương 5-7). Đoạn Tin Mừng Mt 3,1-12 là đoạn khởi đầu Phần Ký Thuật với sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả. Đoạn này được chia nhỏ như sau:
– Mt 3,1-6: Giới thiệu Gioan Tẩy Giả
– Mt 3,7-12: Sứ điệp và phép rửa của Gioan Tẩy Giả.
II. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢITrước khi đi vào nội dung chi tiết, chúng ta cùng lược qua vài điểm chú giải sau đây:
1. “Gio-an Tẩy Giả?”
Trong Kinh Thánh, tên gọi luôn chứa đựng những ý nghĩa đặc biệt. Vậy tên “Gio-an Tẩy Giả” xuất hiện trong đoạn văn này có nghĩa là gì? “Gio-an” trong tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa dủ lòng thương”. Còn “Tẩy Giả” có nghĩa là “người thanh tẩy, người làm phép rửa”. Như thế, tên “Gio-an Tẩy Giả” nghĩa là người được Chúa thương chọn gọi để thực thi sứ mạng làm phép rửa. Cụ thể, Gio-an chính là người đã làm phép rửa cho Chúa Giê-su, khởi đầu sứ vụ rao giảng của Người. Đồng thời, ông còn làm phép rửa cho dân chúng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối và dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.
2. “Tiếng người hô”
Với lối sống giản dị, thẳng thắn phê phán giới lãnh đạo tôn giáo và những hạng người sống xa hoa thời đó, thông điệp triệt để về sám hối của Gio-an đã làm rung chuyển cả một vùng. Tuy nhiên, với sự khiêm nhường, Gio-an không nhận bất kỳ tước hiệu nào cho sứ vụ của mình. Ông chỉ coi mình là một tiếng nói mà Chúa dùng để nói với dân tộc Israel, không hơn không kém. Ông chính là “tiếng người hô” mà tiên tri I-sai-a đã loan báo. Giống như lời phát xuất âm thanh và âm thanh có nhiệm vụ truyền tải lời. Gio-an chỉ là “tiếng” của “Lời” phát xuất từ Chúa. Ông là “tiếng” trong thời gian, còn Đức Ki-tô, ngay từ khởi đầu, đã là “Lời” vĩnh cửu.
C. NỘI DUNG CHÍNH
1. “Sám hối” là dọn đường – sửa lối
Ở Palestine cổ đại, ngoài những đường mòn trên đất cứng, còn có những đại lộ được xây dựng để thị uy danh tiếng và phục vụ cho những chuyến đi của nhà vua. Những cư dân địa phương ở nơi đại lộ đi qua, sẽ phải chuẩn bị và xây dựng những con đường này. Đó là cách mà Gio-an nhìn về sứ vụ của mình: Công việc rao giảng của ông là dọn đường cho Triều Đại của Thiên Chúa, do Vua Giê-su mang lại. Liên tưởng đến việc xây dựng những đại lộ thực tế, Gio-an Tẩy Giả kêu gọi mỗi người hãy dọn một đại lộ thiêng liêng nơi chính tâm hồn mình. Để vị Vua Ki-tô không chỉ đến được với thế gian, mà còn đến với mọi người và từng người.
2. “Sám hối” là đón nhận phép rửa
Phép rửa của Gio-an Tẩy Giả dẫu chỉ là một biểu tượng bên ngoài: ông rửa mọi người bằng nước sông Gio-đan thuần tuý. Tuy nhiên, phép rửa của ông cũng có một chức năng không thể chối cãi đó là “giục lòng sám hối” (x. Mt 3,11). Chúng ta không biết Gio-an Tẩy Giả có chịu ảnh hưởng bởi phong trào Ê-xê-ni ở Qumran hay không, nhưng phép rửa của ông tương tự phép rửa của người Ê-xê-ni, cả hai đều diễn tả một sự hoán cải nội tâm: hành vi của con người vừa là ân huệ của Thiên Chúa; hoán cải để chuẩn bị tâm hồn đón tiếp Thiên Chúa sắp đến can thiệp vào thời cánh chung. Vì thế, phép rửa của Gio-an thời đó có thể coi là một nghi thức quan trọng để diễn tả lòng sám hối của người lãnh nhận. Vì thế, không chỉ dân chúng đến với ông, mà cả những người biệt phái, người Xa-đốc, và quân lính cũng đến xin chịu phép rửa của Gio-an.
3. “Sám hối” là từ bỏ tội lỗi và sinh hoa trái tốt
Như chúng ta đã từng tìm hiểu: Sám hối luôn bao gồm hai nhịp là nhìn về quá khứ và hướng tới tương lai. Bản văn cho thấy điều kiện để chịu phép rửa của Gio-an, là “thú tội” (x. Mt 3,6). Tức là nhìn nhận những thiếu xót lỗi lầm trong quá khứ và can đảm xưng thú. Đồng thời, Gio-an cũng kêu gọi: “hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.” (Mt 3,8). Tức là hướng hối nhân đến những việc làm sinh hoa trái trong tương lai. Hoa trái đó không gì khác là một đời sống công chính ngay thẳng, qua việc thực hành những hy sinh hãm mình, thực thi bác ái, ăn chay và cầu nguyện.
4. Làm thế nào để có được sự “Sám hối” hoàn hảo?
Không chỉ dừng lại ở phép rửa trong nước của mình để giúp mọi người sám hối, Gio-an đã khéo léo dùng biến cố này làm cơ hội để giới thiệu Đức Giê-su: Người là Đấng đến sau nhưng lại quyền thế hơn. Đồng thời, ông cũng giới thiệu về Phép Rửa trong “Thánh Thần và lửa” mà Người sẽ thực hiện. Chính Phép Rửa ấy mới ấy mới là đỉnh cao của ơn Cứu độ, mang lại sức mạnh thanh tẩy và sự sống thật. Như vậy chỉ những ai đón nhận lời rao giảng của Gio-an Tẩy Giả mà tin vào Chúa Giê-su và đón nhận Phép Rửa của Người, mới có được sự sám hối hoàn hảo, hầu xứng đáng trở thành môn đệ Đức Giê-su và trở nên con cái Thiên Chúa.
D. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH
Sau khi tìm hiểu về chủ đề: SÁM HỐI, chúng ta có thể dừng lại ở một vài ý tưởng giúp chúng ta suy niệm và thực hành:
1. Noi gương sứ vụ của thánh Gio-an Tẩy Giả, mỗi tín hữu hãy trở nên người giới thiệu hữu hiệu, để anh chị em lương dân có thể nhận biết Chúa, tin theo Chúa, và gia nhập Hội Thánh của Người.
2. Lòng sám hối bên trong phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể bên ngoài. Nhất là trong mùa Chay này, chúng ta được mời gọi thực thi những việc làm thiết thực như: cầu nguyện, ăn chay, bố thí, làm việc tông đồ và tích cực lãnh nhận Bí tích Hoà Giải. Qua đó cải thiện nẻo đường tương quan của mình với Thiên Chúa và tha nhân.
3. Là người tín hữu, mỗi người chúng ta cần cố gắng sống đúng bổn phận và ơn sủng mà bí tích Rửa Tội đem lại, đồng thời, tin nhận Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ duy nhất của đời mình.
IV. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO
Chúng ta vừa tìm hiểu chủ đề SÁM HỐI, với bản văn Kinh Thánh: Mt 3,1-12. Ở số tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu chủ đề BỐ THÍ. Xin vui lòng đọc trước Tin mừng theo Thánh Mát-thêu Mt 6, 1-4
——-
Tham khảo:
– Green, M. (2000, c1988). The message of Matthew: The kingdom of heaven (75). Leicester, England; Downers Grove, Ill., U.S.A.: Inter-Varsity Press.
– Davies, W. D., & Allison, D. C. (2004). A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (285). London; New York: T&T Clark International.
– FX. Vũ Phan Long OFM, Các bài Tin Mừng Mác-cô dùng trong Phụng Vụ, Nxb Tôn Giáo 2015, tr. 14.
– Thánh Âu-tinh, Tiếng người hô trong hoang địa, Bài đọc II Kinh Sách – Ngày 24 tháng 6, sinh nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả.
Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội