Kính thưa cộng đoàn! Một lần nữa chúng ta cùng hiệp hành trong chương trình Giáo Lý Kinh Thánh Của Tổng Giáo Phận Hà Nội, chuyên mục: Tìm hiểu Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu. Mục đích của chương trình nhằm canh tân đời sống đức tin. Vì vậy, sau mỗi bài Giáo lý sẽ rút ra những điểm để chúng ta suy niệm và thực hành. Xin anh chị em vui lòng thực hiện để thực sự canh tân đời sống đức tin theo tinh thần của Công nghị Tổng Giáo phận.

CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI

Bài số 20: Ai thuộc gia đình của Đức Giê-su? (Mt 12, 46-50)

Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu Tin mừng theo thánh Mát-thêu, chương 11 từ câu 2 đến câu 19 với chủ đề: “Đêm tối đức tin”, qua đó chúng ta thấy những thử thách trong đời sống đức tin của người môn đệ.

Tuần này, kính mời cộng đoàn cùng Tìm Hiểu Tin Mừng Theo Thánh Mát-thêu chương 12 từ câu 46 đến câu 50, với chủ đề: Ai thuộc gia đình của Đức Giêsu?

Sau khi lên án thái độ cứng lòng tin của những người biệt phái, qua đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu giới thiệu một cộng đoàn dân Chúa mới thay thế cho những kẻ cứng lòng tin, cộng đoàn này gồm những người “lắng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa” và họ chính là những người thuộc gia đình của Đức Giê-su. Giờ đây, kính mời cộng đoàn cùng tìm hiểu nội dung chi tiết.

I. CHÚ GIẢI

Trước khi đi vào chủ đề chính, chúng ta cùng lược qua một vài điểm chú giải cần thiết như sau:

[1] “Có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài…”

Xét về khía cạnh ngôn ngữ, trong tiếng Do Thái, từ “anh em” (אַחִ֖ – ach, Gen. 13,8 WTT) thường có nghĩa là anh em họ (x.St 13,8; 24,48; Lv 10,4; 1Sm 20,29). Trong một số trường hợp, các phần tử của một cộng đoàn có thể gọi nhau là “anh em” theo nghĩa để chỉ người thân cận (x.Mt 5,22-24) hay người đồng đạo (x.Rm 9,3). Khi nói về “anh em của Chúa Giê-su”, Hội thánh vẫn luôn hiểu điều này không hề ám chỉ những người con khác của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Ở đây, khi nói về “anh em của Chúa Giê-su” là muốn nói đến những người anh em bà con họ hàng gần, theo như cách nói quen dùng trong Cựu Ước[1].

[2]. “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi ?”

Đây là phản ứng của Chúa Giê-su khi có người thưa với Ngài rằng “có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”. Với câu này chúng ta không nên hiểu theo nghĩa đen là Chúa Giê-su nói về Đức Ma-ri-a, Mẹ Người. Mà Chúa có ý dạy: Người không chỉ có gia đình theo cách tự nhiên, mà Người còn có gia đình thiêng liêng gồm những người được ơn cứu chuộc, những người tin vào Thiên Chúa và vâng phục thánh ý Chúa.

 [3]. “Thi hành ý muốn của Chúa Cha”

Đối với Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, ý muốn của Chúa Cha là mọi người được cứu độ (x. Mt 18,14). Và ai thi hành ý muốn ấy thì được Đức Giê-su xem là anh chị em và là mẹ của Ngài (x. Mt 12,50). Tin Mừng theo thánh Lu-ca cho biết thêm: mẹ và anh em của Đức Giê-su là những người “nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (x. Lc 8,21). Như thế, “Thi hành ý muốn của Chúa Cha” là lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa, để thuộc về gia đình của Thiên Chúa, tức là được cứu độ.

II. NỘI DUNG

1. Đức Ma-ri-a là mẹ và là môn đệ đích thực của Chúa Giê-su

Khi đọc đoạn Tin Mừng này, chắc hẳn không ít người sẽ nghĩ rằng Chúa Giê-su thờ ơ với mẹ mình. Thật ra, Chúa Giê-su không lãnh đạm với thân mẫu Người, cũng chẳng coi nhẹ những mối dây liên hệ gia đình tự nhiên, nhưng người nhấn mạnh đến sứ mệnh thi hành ý muốn của Thiên Chúa là rao giảng và thiết lập Nước Trời ở trần gian; đồng thời Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh mối liên hệ gia đình thiêng liêng còn cao quý hơn mối liên hệ gia đình tự nhiên.

Thật vậy, người lắng nghe và thực hành Lời của Thiên Chúa hơn ai hết phải là Đức Ma-ri-a, Mẹ xứng đáng là mẹ thật của Chúa Giê-su không chỉ là mẹ về phần xác thịt mà còn vì Mẹ luôn lắng nghe và thi hành Lời Thiên Chúa. Khi chiêm ngắm thái độ vâng phục của Đức Ma-ri-a trong biến cố Truyền Tin (Lc 1,38) chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nhận ra rằng, Mẹ đã là mẹ của Chúa Giê-su nhờ lòng tin và là kiểu mẫu của những kẻ tin và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Mẹ là người đã tin trong đức tin và nhờ đức tin ấy Mẹ đã thụ thai Chúa Giê-su.

Thêm vào đó, Mẹ cũng là môn đệ đích thực của Chúa Giê-su khi luôn lắng nghe và dạy người ta lắng nghe lời Ngài (x. Ga 2,5). Như vậy, chúng ta cần có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về tình mẫu tử của Đức Ma-ri-a: nó vừa huyết nhục vừa tâm linh. Chính tình mẫu tử tâm linh dẫn tới và dâng cao tình mẫu tử huyết nhục. Quả thật, “Một cách thể lý, Đức Ma-ri-a chỉ là Mẹ Chúa Giê-su mà thôi, trong khi một cách thiêng liêng, Đức Ma-ri-a vừa là chị vừa là mẹ Người, vì ngài luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa”.[2]

2. Hội Thánh là gia đình của Đức Giê-su.

Khi trung thành chu toàn thánh ý Chúa Cha, Hội Thánh là mẹ vì đã lãnh nhận lời Chúa trong đức tin: thật vậy, nhờ việc rao giảng và nhờ bí tích Thánh Tẩy, Hội Thánh sinh hạ những người con, được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được Thiên Chúa sinh ra cho đời sống mới và bất diệt.[3] Cũng như Mẹ Ma-ri-a trở thành Mẹ của Chúa Giêsu nhờ lắng nghe và thi hành thánh ý Thiên Chúa, Hội Thánh cũng luôn suy niệm Lời của Thiên Chúa, tìm hiểu Lời trong toàn bộ và gìn giữ ân huệ trong ký ức của mình.[4] Nên một cách nào đó có thể nói rằng, Hội Thánh cũng “cưu mang” Ngôi Lời Nhập Thể trong lòng mình.

Thêm vào đó, dựa trên Kinh Thánh, Công Đồng Vaticanô II gọi các tín hữu là con cái Thiên Chúa, và họp thành một gia đình trong Chúa Ki-tô (x. Dt 3,6 ; LG 6,28,51). Đặc biệt, nhờ Bí tích Rửa tội, mỗi Ki-tô hữu trở nên con cái Chúa và con cái Hội Thánh. Như vậy, “Hội Thánh thực sự là gia đình của Thiên Chúa, có Thiên Chúa là Cha, có Đức Kit-ô là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc, và có Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp thông.”[5] Chính Chúa Giê-su là người đầu tiên đã ban cho Hội Thánh tước hiệu “Mẹ Chúa Ki-tô” khi người tuyên bố: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai đã nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21; x.Mc 3,31; Mt 12,9).

3. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa là người thuộc về gia đình của Chúa Giê-su.

Theo Đức Kitô, chỉ những ai lắng nghe và thực hành lời Thiên Chúa mới thuộc về gia đình của Ngài. Trái ngược với người Pha-ri-siêu, những người vâng theo lời Chúa Giê-su có mối quan hệ với ngài sâu sắc hơn mối quan hệ gia đình tự nhiên. Chúa Giê-su nói rằng bất cứ ai làm theo ý muốn của Cha tôi trên trời là anh chị em tôi và mẹ tôi. Khi nói: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi trên trời”, Chúa Giê-su như muốn lặp lại câu nói trong Mt 7,21 khi đề cập về các môn đệ đích thực[6]. Gia đình mới của Chúa Giêsu bao gồm các môn đệ của Người, tất cả làm thành một gia đình nhờ mối dây liên kết là sự vâng phục Cha trên trời. Đây là cộng đoàn dân Chúa mới thay thế cho những người Pha-ri-sêu và cả thế hệ cứng lòng tin mà Chúa Giê-su vừa khiển trách trước đoạn Tin Mừng này. Thật vậy, “mỗi tâm hồn người tin đều thụ thai và sinh hạ Ngôi Lời …khi đón nhận Lời Thiên Chúa”.[7]

III. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Chúng ta vừa tìm hiểu đoạn Tin Mừng Thánh Mát-thêu chương 12 câu 46 đến câu 50 với chủ đề: AI THUỘC GIA ĐÌNH CỦA ĐỨC GIÊ-SU, xin gợi ý vài điểm giúp chúng ta suy niệm và thực hành:

Điểm thứ nhất: Ai trong chúng ta cũng mong muốn được thuộc về gia đình của Chúa. Để được như vậy, chúng ta hãy tích cực học hỏi Lời Chúa và đem ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày. Vì Chúa nói: “ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.

Điểm thứ hai: Chúng ta chính là những người thuộc về gia đình Chúa nhờ bí tích Rửa tội. Nhờ đó chúng ta được phúc gọi Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau. Vì thế chúng ta được mời gọi hãy yêu thương và đùm bọc lẫn nhau trong gia đình của Thiên Chúa. Lời Chúa vẫn luôn mời gọi chúng ta: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con.

Cuối cùng, chúng ta hãy hướng lòng lên Đức Trinh Nữ Ma-ri-a là Mẹ chúng ta, xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta biết sống xứng đáng ơn gọi thuộc về gia đình của Thiên Chúa. Luôn nhớ: xưa nay chưa từng thấy ai đến với Mẹ mà Mẹ chẳng nhận lời.

IV. GIỚI THIỆU BÀI TIẾP THEO

Ở số tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề: Hạt giống Lời Chúa. Xin quý cộng đoàn đọc trước Mt 13,1-23 trong tuần tới. Chương trình xin được tạm dừng và hẹn gặp lại!


Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

[1] x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, 1992, số 500.

[2] X. St. Augustine, Of Holy Virginity, 5 (PL 40, 399).

[3] Công đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 64.

[4] X. ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth – Phần III, tr. 52.

[5] X. Công đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 40, 24, 32, 42, 92.

[6] Curtis Mitch and Edward Sri, The Gospel of Matthew.

[7] St. Ambrose, Commentary on the Gospel of Luke, II, 26 (CSEL 32,4, P.55).

Scroll to Top