CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 26: Bước đi trong đức tin và hy vọng (Mt 17, 1-8)
I. DẪN NHẬP
Trong tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu chủ đề “Điều kiện phải có để theo Đức Kitô” (x. Mt 16, 24 -28). Tuần này, chúng ta sẽ học hỏi về chủ đề “Bước đi trong đức tin và hy vọng”[1] với ba phần: một là ý nghĩa việc Đức Giê-su đưa các môn đệ lên núi; hai là biến cố Đức Giê-su hiển dung; và ba là hành động của Đức Giê-su.
[1] Dựa vào nội dung, bản văn Mt 17, 1-8 được chia thành ba phần:
– Phần mở đầu: giới thiệu Đức Giê-su đem theo các môn đệ (x. Mt 17, 1)
– Phần hai: thị kiến Đức Giê-su biến hình (x. Mt 17, 2-8)
– Phần kết thúc: hành động của Đức Giê-su (x. Mt 17, 9)
II. NỘI DUNG
Trước khi đi vào phần nội dung, chúng ta cùng tìm hiểu bối cảnh của đoạn Tin Mừng.
Mt 17, 1-9 nằm sau lời loan báo về cuộc thương khó của Đức Giê-su: “Người phải chịu nhiều đau khổ, bị giết chết và ngày thứ ba Người sẽ sống lại” (x. Mt 16, 21). Trước lời loan báo về số phận chịu tử nạn và phục sinh, Phê-rô đã ngăn cản Đức Giê-su và Người đã mắng ông. Sau đó, Đức Giê-su khẳng định ai muốn theo Người phải vác thập giá mình mà theo Người (x. Mt 16, 24). Chính trong chiều hướng đó, thánh sử Mát-thêu thuật lại biến cố “Đức Giê-su biến hình trên núi” như một lý do quyết định cho người môn đệ phải đi trên cùng một hành trình thập giá cùng Người.
1. Ý nghĩa việc Đức Giê-su đưa các môn đệ lên núi. Thánh sử Mát-thêu ghi nhận có ba môn đệ, đứng đầu danh sách là ông Phê-rô. Nhắc đến Phê-rô là gợi lại việc Đức Giê-su tuyển chọn ông làm người lãnh đạo Hội Thánh (x. Mt 16, 18-19). Với tư cách đứng đầu, Phê-rô có vai trò quan trọng cho sứ mạng tương lai của Thiên Chúa. Do đó, Đức Giê-su đưa riêng họ ra một chỗ, tới một ngọn núi cao (x. Mt 17, 1b) là nơi tách biệt hoàn toàn với thế giới ồn ào, hỗn độn. Người muốn họ ra khỏi nhịp sống hằng ngày, bỏ lại những bận tâm của đời thường để có kinh nghiệm cá vị với Thiên Chúa[1] hầu chuẩn bị đón nhận một thị kiến từ Trời dành riêng cho các ông.
2. Biến cố Đức Giê-su hiển dung. Thánh sử Mát-thêu miêu tả Đức Giê-su biến đổi hình dạng, dung nhan chói lọi như mặt trời, y phục trắng tinh như ánh sáng (x. Mt 17,2). Theo Kinh Thánh, “khuôn mặt” và “y phục” là đặc điểm nói lên sự toàn diện của con người. Nếu như “khuôn mặt” diễn tả bản chất tiêu biểu thì “y phục” thể hiện địa vị của người đó (x. Hc 19, 29-30). Thế nên, “khuôn mặt chói lọi như mặt trời” chính là tôn nhan của Thiên Chúa (x. Ds 6,25; Tv 4,7; 31,17; 44,4; 80,4; 89,16; 119,135)[2] phát ra năng lượng mãnh liệt chiếu sáng và sưởi ấm cho toàn vũ trụ. “Y phục” của Đức Giê-su trắng tinh diễn tả màu sắc mang tính thánh thiêng và là gam màu của vinh quang Thiên Chúa. Bởi vậy, qua sự biến hình của Đức Giê-su, ta nhận ra Người chính là Thiên Chúa, là mặt trời công chính chiếu toả ánh sáng, sưởi ấm thế gian và là Đấng hội tụ mọi vinh quang của Thiên Chúa. Thứ đến, thánh sử Mát-thêu tường thuật cách ngắn gọn về cuộc đàm đạo giữa Đức Giê-su với Mô-sê và Ê-li-a mà không xác định nội dung. Tuy nhiên, đối chiếu với Tin Mừng theo thánh Luca, ta nhận ra nội dung cuộc đàm đạo là về cuộc Xuất Hành sắp xảy ra tại Giê-ru-sa-lem (x. Lc 9, 31). Do đó, sự xuất hiện của Mô-sê đại diện cho Lề Luật và Ê-li-a đại diện cho Ngôn Sứ đàm đạo về “cuộc khổ nạn và phục sinh” hàm ẩn toàn bộ Cựu Ước đang đặt hy vọng vào sự hoàn tất chương trình cứu độ. Chính vì vậy, cuộc Hiển Dung của Đức Giê-su mang ý nghĩa vén mở căn tính Thiên Chúa và sự cần thiết phải có của cuộc Vượt Qua để thoả lấp niềm hy vọng của dân It-ra-el và nhân loại.
Cuối cùng, trong khung cảnh tràn đầy vinh quang, Phê-rô nói ra tiếng vọng từ cõi lòng, cũng chính là khao khát của toàn thể nhân loại muốn được hưởng vinh quang Thiên Chúa: “Nếu Thầy muốn, con xin dựng ba cái lều” (x. Mt 17,4b). Nhắc đến lều là nói đến sự cư ngụ, Phê-rô muốn định cư trong cảnh vinh quang Biến Hình. Quả thật, nếu trước đây Phê-rô đã ngăn cản Đức Giê-su đi vào cuộc tử nạn, thì giờ đây ông lại bẻ lái ý nghĩa của cuộc Biến Hình trên núi để các ông không phải đi vào cuộc tử nạn và phục sinh cùng Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem. Do đó, trước một Phê-rô không muốn trải qua đau khổ, Chúa Cha đã can thiệp: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người. Các người hãy vâng nghe lời Người” (x. Mt 17,5). Lời phán của Chúa Cha là vâng nghe Lời của Đức Giê-su cũng chính là vâng nghe lời của Ngài.
3. Hành động của Đức Giê-su (x. Mt 17, 6-9). Trước Lời phán của Chúa Cha, các môn đệ kinh hoàng và ngã sấp mặt xuống đất (x. Mt 17,6). Việc ngã sấp mặt xuống đất của các môn đệ không là sự chủ động, nhưng vì các ông choáng váng trước lời đầy quyền uy của Chúa Cha. “Sấp mặt xuống đất diễn tả bản tính tự nhiên của con người luôn là thụ tạo yếu đuối phải tôn thờ Thiên Chúa”[3], thì chính việc tôn thờ Thiên Chúa đồng nghĩa với việc vâng nghe thánh ý của Ngài. Trong chiều hướng đó, Đức Giê-su trấn an các môn đệ: “hãy trỗi dậy và đừng sợ” (x. Mt 17,7). Lời trấn an của Đức Giê-su cũng chính là bảo đảm Người sẽ ở cùng các ông trong hành trình đi vào cuộc Tử Nạn và Phục Sinh sau này.
Kết luận: Đi vào cuộc khổ nạn là một điều phi lý đối với người đời, nhưng lại là Thánh ý của Thiên Chúa. Phê-rô đã theo lẽ tự nhiên từ chối cách thức phải đi qua thập giá để đạt đến vinh quang phục sinh. Thế nhưng, biến cố Chúa Giê-su Biến Hình xác chuẩn lời loan báo của Người là Thánh ý Chúa Cha, Người là Con Thiên Chúa, là ánh sáng vinh quang cho niềm hy vọng của toàn Cựu Ước và nhân loại. Chính vì thế, người môn đệ phải đi vào cuộc tử nạn và phục sinh trong đức tin để làm chứng cho niềm hy vọng của toàn thể nhân loại đặt để vào Đức Giê-su Ki-tô.
III. SUY NIỆM
Kính thưa cộng đoàn!
Qua việc tìm hiểu chủ đề “Bước đi trong đức tin và hy vọng”, chúng ta cùng dừng lại để suy niệm về con đường đạt đến vinh quang phục sinh.
Trong đời sống chung, chúng ta thường có khuynh hướng chọn những công việc nhẹ nhàng thay vì hy sinh, xả thân làm những công việc nặng nhọc, vất vả. Trong đời sống đức tin, chúng ta muốn được hưởng ơn cứu độ vinh quang của Thiên Chúa, nhưng lại không muốn vác thập giá là từ bỏ những thói hư nếp xấu để luyện tập các nhân đức. Đây chính là những nguy cơ làm cho đời sống cộng đoàn kém phát triển và đời sống đức tin trở nên nhạt nhoà. Dưới ánh sáng của cuộc Biến Hình, chúng ta được mời gọi đi vào con đường thập giá để có được vinh quang phục sinh với Chúa.
IV. GIỚI THIỆU BÀI TIẾP
Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về chủ đề “Bước đi trong đức tin và hy vọng” qua con đường cứu độ Đức Giê-su đã đi: tử nạn và phục sinh. Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề “Người lớn nhất trong Nước Trời”. Mời cộng đoàn vui lòng đọc trước Tin mừng Mt 18, 1-4.
Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội
Sách tham khảo
[1] X. Raniero Cantalamessa, Đức Ki-tô Của Cuộc Biến Hình, Chuyển Ngữ Lm. Trần Đình Quảng, Nxb. Đồng Nai, 2022, tr. 27-28.
[2] John Nolland, The Gospel of Matthew: A Commentary on the Greek Text (Bletchley, Milton Keynes: Paternoster Press, 2005), 810.
[3] Manlio Simonetti and Thomas C. Oden, Ancient Christian Commentary on Scripture: New Testament, vol. I b (Downers Grove, IL: InterVarsity Press, 2002), 56.