CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 23: Ô uế và thanh sạch (Mt 15,10-20)
I. DẪN NHẬP
Chủ đề “Chính anh em hãy cho họ ăn” tuần trước đã giúp chúng ta hiểu rõ vai trò quan trọng của người môn đệ Chúa Giê-su trong đời sống cộng đoàn Thánh Thể. Tiếp nối chủ đề này, trong đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu 15,10-20 mà chúng ta tìm hiểu hôm nay, Chúa Giê-su chỉ ra cho chúng ta thấy đâu là ý nghĩa đích thực của sự ‘Thanh sạch và ô uế”. Sự thanh sạch hay ô uế đến từ bên ngoài hay bên trong chúng ta? Giờ đây, chúng ta cùng tìm hiểu nội dung chi tiết.
II. BỐ CỤC
Bản văn Mt 15,10-20 được chia thành hai phần như sau:
[1]. Đức Giê-su chỉ cho đám đông thấy cái làm cho con người ra ô uế (Mt 15,10-11).
[2]. Đức Giê-su giải thích cho các môn đệ cụ thể hơn về vấn đề ô uế (Mt 15,12-20).
III. NỘI DUNG
1. Bối cảnh bản văn
Bản văn mà chúng ta đang tìm hiểu kế tiếp đoạn Mt 15,1-9. Đoạn này nói về việc nhóm Pha-ri-sêu và Kinh sư đã tìm đến Đức Giê-su để chất vấn Người về việc các môn đệ đã vi phạm truyền thống tiền nhân vì không rửa tay trước khi ăn (x.Mt 15,2). Đức Giê-su lên án quan niệm đó và gọi họ là “những kẻ đạo đức giả” vì họ dựa vào truyền thống tiền nhân mà hủy bỏ Luật Thiên Chúa (x.Mt 15,3.6.7). Sang đến bản văn Mt 15,10-20, Đức Giê-su tiếp tục trình bày, trước là với đám đông và sau là các môn đệ, vấn đề thanh sạch và ô uế cách cụ thể hơn. Lời trình bày này đưa đến hai quan niệm mà chúng ta cần làm rõ, đó là sự thanh sạch – ô uế theo những người Pha-ri-sêu và theo lời dạy của Đức Giê-su.
2. Người Pha-ri-sêu quan niệm thế nào về thanh sạch và ô uế?
Lv 11 và Dnl 14 đưa ra những chỉ dẫn rất cụ thể về luật thanh sạch và ô uế liên quan đến các con vật bị ô uế, không được ăn và phải tránh xa nếu không sẽ bị nhiễm uế. Tuy nhiên, ngoài những gì được ghi lại, người Do Thái còn bổ sung thêm nhiều khoản luật chi tiết hơn và phát triển cả một “hàng rào” truyền thống để bảo vệ luật pháp. Họ coi những sự bổ sung luật này có giá trị ngang bằng với Luật của Thiên Chúa.[1] Vànhững người Pha-ri-sêu đã truyền lại cho dân chúng một số luật lệ không được ghi trong luật Mô-sê do các thế hệ trước truyền lại.[2] Và một trong số đó được nói đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay là việc rửa tay trước khi ăn.
Mục đích chính của việc rửa tay là loại bỏ sự ô uế theo nghi thức giúp người ta nên thanh sạch vì chỉ người thanh sạch mới được đến gần Thiên Chúa. Điều này, ban đầu được áp dụng cho các tư tế ở đền thờ (giống việc các linh mục ngày nay phải rửa tay trước khi cử hành Phụng vụ Thánh thể). Về sau, vì người Do Thái coi bàn ăn ở nhà mình cũng giống như bàn của Chúa trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem nên những người Pha-ri-sêu và những người Do Thái xem mọi người đều là thầy tế lễ.[3]Thế nên mới có chuyện phải rửa tay trước khi ăn. Thậm chí việc rửa tay này còn phải được rửa bằng nước hay loại bình riêng dành cho việc thanh tẩy.[4] Do đó, đối với người Pha-ri-sêu, một người chỉ có thể tôn vinh Thiên Chúa nếu các nghi thức bên ngoài này được thực hiện đúng cách. Quan niệm quá chú trọng đến bề ngoài mà quên đi điều cốt yếu là sự thanh sạch trong tâm hồn này đã đẩy người ta đến chỗ lệ thuộc luật, gò bó, mất tự do để đến gần Thiên Chúa. Đối với Đức Giê-su thì khác, nếu chỉ nhắm đến cái bên ngoài, không hướng lòng về Thiên Chúa, thì không thể thờ phượng đúng nghĩa được. (x.Mt 8-9).
3. Thanh sạch và ô uế theo lời dạy của Chúa Giê-su
Sau khi đáp trả lời chất vấn của những người Pha-ri-sêu và Kinh sư, Đức Giê-su hướng về đám đông. Ngài nhấn mạnh và nhắc nhở họ “Hãy nghe và hiểu cho rõ”: “Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế” (Mt 15,11). ‘Cái vào miệng’ ở đây là thực phẩm mà con người dùng trong sinh hoạt hằng ngày, thuộc vật chất; còn ‘cái từ miệng xuất ra’ là lời nói và hành động mà con người biểu lộ ra từ những ý nghĩ tận sâu trong thâm tâm, thuộc tư tưởng.[5] Đức Giê-su dùng hình ảnh đời thường này để nói cho đám đông hiểu rằng, mấu chốt của sự ô uế hay thanh sạch không nằm ở vấn đề thức ăn nhưng ở những ý định từ bên trong con người được biểu lộ ra bên ngoài. Cụ thể,“tự lòng phát xuất ra những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống”, đó là những cái làm cho con người ra ô uế (Mt 15,19-20). Các tội này nằm trong 10 Điều răn (từ điều răn thứ 5 đến thứ 8), đó là chớ giết người, chớ làm sự dâm dục, chớ lấy của người, chớ làm chứng dối. Như vậy, rõ ràng Chúa Giê-su đang hướng các môn đệ trở về với Luật của Thiên Chúa, chứ không phải theo cách diễn giải luật của những người Pha-ri-sêu đẩy Luật đến chỗ gò bó, làm con người mất tự do để đến gần Thiên Chúa. Hay nói cách khác, Luật mà Thiên Chúa ban là vì con người, chứ không phải con người vì luật (Mc 2,27).
Tóm lại, khi lên án quan niệm thanh sạch và ô uế của những người Pha-ri-sêu, Đức Giê-su cũng đồng thời giúp cho đám đông và các môn đệ hiểu về sự ô uế và thanh sạch đích thực. Đó không phải là những cái bề ngoài như chuyện ăn uống hay rửa tay…mà quan trọng là lòng chúng ta hướng về điều gì (Rm 14,14- 7; 1Cr 8,8; Hr 9,10).[6] Nếu lòng chúng ta hướng về những điều xấu thì chính những ý nghĩ xấu xa đó sẽ làm cho chúng ta ra ô uế. Ngược lại, nếu hướng về những điều tốt lành, nhắm đến công bình, bác ái, yêu thương…thì tâm hồn chúng ta sẽ trở nên thanh sạch và được phúc “nhìn thấy Thiên Chúa” (x.Mt 5,8; Lc 11,41).
IV. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH
Sau khi tìm hiểu chủ đề ‘Thanh sạch và ô uế”, chúng ta có thể dừng lại ở một vài ý tưởng giúp ta suy niệm và thực hành.
1. Luật Chúa được ban hành là để hướng dẫn ta sống công chính và thánh thiện. Vì thế, chúng ta cần sống theo tinh thần của Lề luật hơn là hình thức bên ngoài.
2. Tâm hồn chúng ta trở nên thanh sạch hay ô uế không phụ thuộc vào những thứ vật chất bên ngoài, mà phụ thuộc vào những ý nghĩ và tư tưởng sâu kín trong chúng ta. “Thật vậy, tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ, vì lời Thiên Chúa và lời cầu nguyện thánh hóa những thứ đó” (1Tm 4,4-5).
3. Hành động của chúng ta phải xuất phát từ con tim được thành luyện bởi lòng yêu mến. Nếu trái tim chất đầy kiêu căng, hận thù, ghen ghét và gian tà thì mọi nghi thức bên ngoài chẳng là gì cả.
V. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO
Chủ đề hôm nay đã giúp chúng ta nhận biết điều gì mới thật sự làm cho con người ra ô uế hay thanh sạch. Trong tuần tới, xin mời cộng đoàn tiếp tục đến với chủ đề: Giờ này đối với tôi Đức Kitô là ai? Xin cộng đoàn vui lòng đọc trước bản văn Tin Mừng Mt 16,13-23.
NGUỒN THAM KHẢO:
[1]. Green, M. The message of Matthew : The kingdom of heaven. Leicester, England; Downers Grove, Ill., U.S.A.: Inter-Varsity Press, 2000, c1988, tr.169.
[2]. Davies, W. D., & Allison, D. C. A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew. London; New York: T&T Clark International, 2004, tr.520.
[3]. Ibid. tr 521.
[4]. Ibid
[5]. France, R. T. The Gospel of Matthew. The New International Commentary on the New Testament. Grand Rapids, MI: Wm. B. Eerdmans Publication Co, 2007, tr. 586.
[6]. Ibid
Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội