CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 32: Tham vọng sai lầm và sự phục vụ chân chính (Mt 20,20–28)
I. DẪN NHẬP
Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu đoạn Tin Mừng Mt 20,1-16a với chủ đề: “Sự tự do và lòng quảng đại của Thiên Chúa”. Chúng ta nhận ra rằng, Thiên Chúa hoàn toàn tự do và rất mực quảng đại. Ngài luôn chờ đợi, tìm kiếm và mời gọi mỗi người chúng ta đến làm việc trong vườn nho đầy yêu thương của Ngài là Giáo hội.
Tuần này, chúng ta sẽ tìm hiểu đoạn tin mừng Mt 20,20-28 với chủ đề “Tham vọng sai lầm và sự phục vụ chân chính”.
Đoạn Tin Mừng này diễn ra trong bối cảnh Chúa Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem (x. Mt 20,17). Ngay sau khi Chúa Giê-su tiên báo về Cuộc Thương Khó lần thứ ba, bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê liền đến gặp Chúa Giê-su để xin cho hai người con của mình được ngồi hai bên trái phải của Chúa trong Nước Ngài. Chúa Giê-su không trả lời về nguyện vọng của bà, nhưng Ngài đã dùng cơ hội này để chỉ ra rằng, đó là một quan niệm sai lầm của người môn đệ khi đi theo Chúa. Ngài chỉ cho thấy đâu là điều quan trọng nhất mà người môn đệ phải lưu tâm trong hành trình ơn gọi và đâu là tinh thần phục vụ đích thực của người môn đệ.
Dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu nội dung chi tiết.
Video bài học
Audio Lời Chúa (Mt 20,20-28)
II. NỘI DUNG BÀI HỌC
1. Bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê
Nếu như Tin Mừng Mác-cô tường thuật rằng, chính hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an đã đến gặp Chúa Giê-su để xin trực tiếp (x. Mc 10,35-40), thì tác giả Tin Mừng Mát-thêu lại viết là bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đã đến gặp Chúa, còn hai người con thì theo sau (x. Mt 20,20). Chúng ta biết được bà là một trong những người phụ nữ cùng đi theo để giúp đỡ Chúa và nhóm Mười Hai, trên hành trình từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem, cho đến khi Chúa chịu chết (x. Mt 27,55). Cho nên, bà chắc chắn là một người nhiệt thành và thân cận với Chúa. Đồng thời, Tin Mừng thuật lại rằng bà đến “bái lạy” và “kêu xin” nhưng lại không mở lời trước. Chúng ta thậm chí còn không biết tên của bà. Như thế, bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến xin Chúa trong thái độ tôn kính và khiêm tốn. Chắc hẳn, bà đã đắn đo suy nghĩ cẩn thận để đưa ra lời cầu xin này, chứ không phải là một chủ ý bồng bột và cao ngạo.
2. Bên hữu và bên tả của Chúa
Khi hiểu được bối cảnh như trên, ta cũng thấy điều mà bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê cầu xin Chúa Giê-su cũng không hẳn là bất thường: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy” (Mt 20,21). Bởi chưng, Gia-cô-bê và Gio-an là hai trong bốn môn đệ được Chúa gọi đầu tiên (x. Mt 4,18-22); và là hai trong ba môn đệ thân tín nhất của Chúa Giê-su, được Thầy chọn riêng trong một số sự kiện quan trọng (x. Mt 9,18; Mt 17,1; Mt 26,3). Với tâm lý thông thường của một người mẹ, việc hai người con trai của mình đã bỏ gia đình, nhà cửa, sự nghiệp để đi theo Chúa và được Chúa quý mến đặc biệt nên việc được ngồi hai bên tả-hữu của Chúa là điều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, cả bà mẹ và hai người con là Gia-cô-bê và Gio-an đều chưa hiểu thế nào là Nước của Thầy, vinh quang mà họ nhắm tới thuần túy thuộc thế gian. Đây chính là thực trạng điển hình về tham vọng sai lầm của người môn đệ trên bước đường theo Chúa.
3. Chén của Thầy
Trước lời thỉnh cầu của bà mẹ các con ông Dê-bê-đê, Chúa Giê-su gọi các một đệ sang một bên. Ngài không đáp ứng lời thỉnh cầu mà phê phán rằng: “Các người không biết các người xin gì!” (Mt 20,22a). Tiếp đó, bằng một câu hỏi khá bất ngờ, Chúa Giê-su đã thay đổi chủ đề của cuộc trò truyện. Người hỏi: “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?” (Mt 20,22b). Bằng cách này, Ngài đưa Gia-cô-bê và Gio-an, cũng như tất cả các môn đệ đi vào chiều sâu của cuộc sống hiện tại. Đau khổ và sự chết là điều trong tương lai gần mà mọi người sẽ phải trải qua.
Về hình ảnh “Chén”, đây là một cách nói ẩn dụ có từ thời các tiên tri, nó có nghĩa là sự phán xét của Đức Chúa. Tuy nhiên, nó không phải là cái gì nặng nề và diễn ra một cách nhanh chóng. Nó cũng có thể ám chỉ “số phận” của một người hoặc theo nghĩa hẹp hơn là ám chỉ cái chết. Trong mạch văn này “chén của Thầy” chính là nói về Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết mà Chúa Giê-su sắp phải chịu khi lên Giê-ru-sa-lem.
4. Bài học về phục vụ
Nghe thấy thỉnh nguyện của bà mẹ các con ông Dê-bê-đê, mười môn đệ còn lại đã phản ứng khá gay gắt. Mặc dù thỉnh nguyện của bà đã bị Chúa Giê-su từ chối, nhưng các môn đệ kia vẫn “tức tối với hai anh em đó” (Mt 20,24). Phản ứng đố kỵ này cho ta thấy, ước muốn được trở nên vĩ đại ở đời này, hay muốn được phần thưởng ở đời sau. Rõ ràng, đây là một mong muốn không chỉ ở nơi một số ít, mà nó có nơi tất cả các môn đệ, nơi tất cả mọi người chúng ta.
Trước sự việc này, Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ về bản chất của quyền bính theo tinh thần của Chúa, đó là phục vụ và hy sinh. Quả vậy, nếu con cái thế gian dùng “uy” và “quyền” thể thống trị và cai quản người khác; thì những công dân Nước Trời phải dùng sự “phục vụ” mà đối xử với nhau. Ai càng làm lớn thì bị đòi buộc phải phục vụ càng nhiều. Người đứng đầu chính là người phục vụ như một đầy tớ. Đây không phải là một lý thuyết hão huyền và vô lý nhưng là rập khuôn theo Chúa Giê-su: Đấng đến “không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mt 20,28a); Đấng đến không phải để vun vén cho đời sống này nhưng là “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28b).
III. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH
Chúng ta vừa tìm hiểu đoạn tin mừng Mt 20,20-28 với chủ đề “Tham vọng sai lầm và sự phục vụ chân chính”. Qua đó chúng ta nhận ra rằng, đi theo Chúa để tìm phần thưởng và vinh quang thế gian là một sai lầm. Sự phục vụ chân chính là hiến dâng mạng sống mình vì anh chị em.
Xin gợi lên hai ý tưởng giúp cộng đoàn suy niệm và thực hành:
1. Ai trong chúng ta cũng khao khát được hạnh phúc với Chúa trên Nước Trời. Tuy nhiên, không có con đường nào khác, ngoài con đường Thập Giá. Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng ta về “chén” mà Chúa gửi đến cho mỗi người. Đó là những thánh giá đòi buộc chúng ta phải vác, là những thử thách và bổn phận đòi buộc chúng ta phải hy sinh và chu toàn. Chúa vẫn đang hỏi chúng ta từng ngày từng và giờ rằng: Con có uống nổi chén của Ta không?
2. Giữa một xã hội ngày càng chạy theo lối sống hưởng thụ, việc phục vụ người khác là điều khó khăn biết bao. Hình ảnh Chúa Giê-su quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ là một lời mời gọi chúng ta khiêm nhường hạ mình xuống, hầu có thể phục vụ theo gương Chúa Giê-su, Đấng đã đến, không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.
IV. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO
Ở số tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu chủ đề: ÁNH SÁNG ĐỨC TIN.
Xin quý cộng đoàn vui lòng đọc trước đoạn Tin Mừng Mt 20,29-34.
SÁCH THAM KHẢO:
- Boice, J. M. (2001). The Gospel of Matthew (426). Grand Rapids, Mich.: Baker Books.
- Luz, U., & Koester, H. (2001). Matthew: A commentary. Translation of: Das Evangelium nach Matthaus.; Vol. 2 translated by James E. Crouch; edited by Helmut Koester.; Vol. 2 published by Fortress Press. (541). Minneapolis: Augsburg.
Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội