CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 33: Ánh sáng đức tin (Mt 20,29–34)

I. DẪN NHẬP

Để tiếp nối Mt 20,20–28 của bài học tuần trước, tuần này, chúng ta cùng tìm hiểu bản văn Mt 20,29–34 với chủ đề “Ánh sáng đức tin”. Đây là đoạn kết của cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem của Đức Giê-su. Chính Giê-ru-sa-lem là nơi Đức Giê-su sẽ phải chịu đau khổ, chịu chết và phục sinh vinh hiển. Cuộc hành trình của Đức Giê-su cũng là cuộc hành trình của những ai muốn bước theo Người. Qua việc nhận biết, được chữa lành, và đi theo Đức Giê-su trong ánh sáng đức tin, hai người mù thành Giê-ri-khô đã trở nên kiểu mẫu cho những ai khao khát đi theo Đức Giê-su.

Video bài học

Audio Lời Chúa (Mt 20,29-28)

II. NỘI DUNG

1. Thành Giê-ri-khô – Thành của những phép lạ

Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu về thành Giê-ri-khô. Giê-ri-khô là một thành cổ nổi tiếng và kiên cố. Thành này được nhắc đến trong sách Giô-suê trong một tình trạng được bảo vệ rất chắc chắn: nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Đây là thành đầu tiên mà con cái nhà Israel đánh chiếm khi tiến vào miền đất Ca-na-an (xem Gs 6,1-27). Thành Giê-ri-khô đã bị sập vì tiếng hò reo xung trận của dân và tiếng tù và (Gs 6,20). Nhờ tin vào quyền năng của Thiên Chúa mà con cái Israel đã thắng trận và chiêm được thành.

Thời Đức Giê-su, bất kỳ khách hành hương từ Ga-li-lê-a lên Giê-ru-sa-lem đều phải đi ngang qua Giê-ri-khô. Mt 20,29-34 trình bày hành trình cuối cùng của Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. Trước khi tiến vào Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su cũng đi ngang qua Giê-ri-khô. Chính nơi đây, thánh sử Mát-thêu nói về việc Đức Giê-su mở mắt cho hai người mù.

2. Hành trình dưới ánh sáng đức tin

“Khi Chúa Giê-su cùng với các môn đệ ra khỏi thành Giê-ri-khô, dân chúng lũ lượt đi theo Người” (Mt 20,29). Có hai người mù gồi bên vệ đường biết được Đức Giê-su đi ngang qua nên các ông đã kêu lớn tiếng: “Lạy Ngài, lạy con vua Đavít, xin rủ lòng thương chúng tôi” (c. 30). Hai người mù “ngồi bên vệ đường” gợi cho chúng ta về hình ảnh dân chúng đang ngồi trong bóng tối tử thần. Hai người mù không thấy được thế giới xung quang. họ mất ánh sáng, nhưng không mất niềm hy vọng. Con mắt thể xác bị mù, nhưng con mắt tâm hồn họ không mù. Ánh sáng đức tin giúp cho họ vượt trên giới hạn của bản thân và thái độ cản trở của tha nhân. Ánh sáng đức tin giúp họ nhận biết và thấy Đức Giê-su là ai. Thế nên, họ mới nài xin Người: “Lạy Ngài, lạy con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương chúng tôi” (c. 30). Lời cầu xin của hai người mù bộc lộ một đức tin Ki-tô giáo chân thành. Hai người mù đã kiên trì lặp đi lặp lại tiếng kêu xin phát xuất từ lòng tin của họ: Lạy Ngài, xin cho mắt chúng tôi được mở ra (c.33). Đức Giê-su, ngay trước mặt đám dông đã động lòng thương xót họ. Người đã sờ vào mắt họ và họ nhìn thấy được. Ngang qua lời cầu xin của hai người mù, Đức Giê-su gặp gỡ cả một dân tộc đang là nạn nhân của một sự đui mù ghê rợn, và chỉ nhờ sự “chạm vào” của Thiên Chúa mới có thể giải thoát họ khỏi cảnh mù loà.

3. Đi theo Đức Giê-su – Kiểu mẫu của người môn đệ

Trong cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem, nhờ ánh sáng đức tin soi dẫn, người môn đệ có thể bước theo Đức Giê-su cho đến cùng. Thánh sử Mát-thêu đã khéo léo đóng khung biến cố Đức Giê-su mở mắt cho hai người mù bằng động từ “đi theo”. Khởi đầu với một đám đông “đi theo” Đức Giê-su và kết thúc với việc hai người mù mới được chữa lành “đi theo” Đức Giê-su. Họ đi theo Đức Giê-su tiến về cuộc khổ nạn của Ngài. Chính Giê-ru-sa-lem là nơi hai người mù mới được chữa lành sẽ bước theo Chúa Giê-su. Họ là kiểu mẫu của những người môn đệ được kêu gọi bước theo Chúa Giê-su trong cuộc khổ nạn của Ngài và là những kẻ không ngừng lặp lại câu: Lạy Ngài, xin cho mắt chúng tôi được mở ra (c.33). Quả thật, chúng ta cần ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng đức tin, nếu chúng ta muốn biết thực tại đích thực và bước đi trên con đường của cuộc sống.

II. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Sau khi tìm hiểu Mt 20,29-34 với chủ đề “Ánh sáng đức tin”, chúng ta dừng lại ở một vài điểm giúp ta suy niệm và thực hành:

1. Trước hết, trở nên người môn đệ nghĩa là đi theo Đức Giê-su trong ánh sáng đức tin. Trong cuộc hành trình này, chúng ta được mời gọi luôn hướng về Chúa Giê-su, Đấng cứu độ và Ánh sáng muôn dân, với lòng biết ơn hân hoan. Quả thật, nếu không có Đức Giê-su, nguồn ánh sáng đích thực của chúng ta, cho đến bây giờ chúng ta vẫn còn lang thang trong niềm hy vọng tìm thấy Chúa. Tuy nhiên, nhờ Đức Giê-su, chúng ta đã tìm thấy Thiên Chúa, được phúc gọi Chúa là Cha và trở thành người thừa kế kho tàng ơn cứu độ của Chúa. Thế nên, chúng ta hãy gạt bỏ mọi sự mù quáng và mọi sự thiếu hiểu biết, ngõ hầu chúng ta có thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa chân thật.

2. Thứ đến, yêu thương tha nhân là một sức mạnh thiêng liêng lôi kéo chúng ta đến sự hiệp nhất với Thiên Chúa; quả thật, ai không yêu thương anh chị em mình thì “bước đi trong bóng tối” (1Ga 2:11), “ở lại trong sự chết” (1Ga 3:14) và “không biết Thiên Chúa” (1Ga 4:8). Đức Bê-nê-đic-tô XVI đã nói rằng “nhắm mắt trước tha nhân cũng làm chúng ta mù quáng trước Thiên Chúa”.

3. Sau cùng, tình yêu là  ánh sáng duy nhất luôn có thể chiếu sáng một thế giới mờ mịt và cho chúng ta lòng can đảm cần thiết để tiếp tục sống và làm việc trên hành trình theo Chúa.

Để chuẩn bị cho bài học tiếp theo, xin cộng đoàn vui lòng đọc trước Mt 21, 1–17.

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Scroll to Top