CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 35: Điều răn trọng nhất (Mt 22,34-40)

I. DẪN NHẬP

Tuần trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chủ đề “Đón tiếp một Đấng Mê-si-a nghèo hèn và khiêm nhường”. Tuần này, qua bản văn Kinh Thánh Mt 22,34-40 chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chủ đề: “Điều răn trọng nhất”.

Đoạn Tin Mừng chúng ta tìm hiểu hôm nay nằm trong chuỗi ba cuộc tranh luận của Chúa Giê-su tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem với ba nhóm người thuộc giới lãnh đạo Do Thái là: phe Hê-rô-đê, Xa-đốc, và nhóm Pha-ri-sêu. Ba nhóm này bình thường đối nghịch nhau, nhưng nay vì coi Chúa Giê-su là kẻ thù chung nên đã hiệp lực chống lại Ngài. Và chủ đề hôm nay là cuộc tranh luận thứ ba giữa Chúa Giê-su và nhóm Pha-ri-sêu.

Video bài học

Audio Lời Chúa (Mt 22,34-40)

II. BỐ CỤC BẢN VĂN

1. Phần dẫn nhập (Mt 22,34)

2. Câu hỏi của những người Pha-ri-sêu (Mt 22,35 – 36)3. Câu trả lời của Chúa Giê-su (Mt 22,37-40)

III. NỘI DUNG

1. Nguyên nhân dẫn đến câu hỏi về trọng tâm của Lề Luật. 

Mâu thuẫn giữa Chúa Giê-su và những nhà lãnh đạo Do-thái càng ngày càng tăng. Họ luôn “tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22,15). Phe Hê-rô-đê vốn thân với hoàng đế Rô-ma, và bẫy giăng của họ liên quan đến chính trị, cụ thể là việc có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không (Mt 22,17)? Nhóm Xa-đốc thì nêu lên vấn đề thần học là việc kẻ chết sống lại. Tuy nhiên, những câu trả lời của Chúa Giê-su đã khiến họ đều phải rút lui (Mt 22,17) và câm miệng (Mt 22, 34a). Lần này đến lượt nhóm Pha-ri-sêu mà đại diện là một thầy thông luật với câu hỏi về điều cốt lõi của mọi giới luật.

2. Đâu là điều răn trọng nhất?

Sau khi họp bàn kỹ lưỡng, nhóm Pha-ra-sêu cử một thầy thông luật đến hỏi Chúa Giê-su để thử Người (Mt 22,35): “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất” (Mt 22,36). Tại sao họ lại hỏi Chúa Giê-su câu này, trong khi họ đều là bậc thầy về Lề Luật Do-thái?

Thứ nhất, thánh sử Mát-thêu đã cho biết câu hỏi được đặt ra là để “thử” Chúa. Trong Kinh Thánh, Thuật ngữ “thử” (πειράζωv – peirazôn) không luôn luôn ám chỉ việc người ta cố tìm điểm yếu của đối phương để tố cáo họ mà đôi khi, chỉ đơn giản là “kiểm chứng, nắn gân, thử tài” xem ai đó giỏi cỡ nào (x. 1V 10,1; 2Cr 13,5; Kh 2,2). Tuy nhiên, trong Tin Mừng Mát-thêu, thuật ngữ này qui chiếu đến hai đối tượng là Sa-tan (x. Mt 4,1-11) và giới lãnh đạo Do-thái (Mt 16,1; 19,3; 22,18). Vì thế, câu hỏi này không nhằm tìm biết chân lý mà chỉ để gài bẫy và hạ bệ Chúa như Sa-tan đã muốn làm trước đó (x Mt 4,1-11).

Thứ hai, có thể những người Pha-ri-sêu cũng đang gặp khủng hoảng về một tiêu chuẩn chân lý hay một nguyên lý nền tảng cho toàn bộ đức tin và cuộc sống. Ngoài mười điều răn, người Do Thái dần dà đặt thêm cả một “rừng luật”, mà luật nào cũng thánh thiêng và có giá trị như nhau. Vì thế, thật khó mà biết đâu là điều cốt lõi. Bởi vậy trong chương 12 của Tin Mừng này, những người Pha-ri-sêu mới bị giằng co giữa việc giữ luật ngày Sa-bát và việc chữa lành kẻ đau yếu của Chúa Giê-su (Mt 12, 9-14). Việc nào phải ưu tiên vì quan trọng nhất?

Đứng trước “cạm bẫy” có tính Luật pháp này, Chúa Giê-su sẽ viện dẫn chính Luật Mô-sê để đáp trả những bậc thầy về Lề luật ấy.

3. Yêu mến Thiên Chúa và yêu người thân cận.

Câu trả lời của Chúa Giê-su có lẽ cũng không có gì mới, bởi vì tất cả những điều Ngài nói đều trưng dẫn lại từ sách thánh (Đnl 6,4-7: Lv 19,11-18) mà bất cứ người Do-thái đạo đức nào cũng đều có thể ghi nhớ và thực hành. Nếu có lạ là ở chỗ Chúa đặt hai điều răn ngang hàng với nhau và giành cho chúng vị trí cao nhất.

Với điều răn thứ nhất, Chúa Giê-su trích dẫn lại kinh nguyện hằng ngày của người Do-thái “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. (Đnl 6,5). Ba chữ “hết” thâu gồm toàn thể con người, nó đòi buộc dâng hiến cho Thiên Chúa một tình yêu toàn vẹn, một tình yêu hướng dẫn tư tưởng và một tình yêu làm động lực cho mọi hành động[1]. Đó phải là một sự quy phục tận hiến hoàn toàn chứ không lưng chừng nửa vời. Đây được xem là điều răn quan trọng nhất (Mt 22,38). Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn thứ nhất là “Người phải yêu người thân cận như chính mình” (Lv 19,18b). Sự giống nhau ở đây cho thấy mối tương quan mật thiết không thể tách rời giữa hai điều răn như lời thánh Gio-an Tông đồ quả quyết “Nếu ai nói ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Còn Thánh Gio-an Kim Khẩu thì khẳng định: “Yêu mến Thiên Chúa là yêu thương tha nhân”. Như thế, yêu người thân cận là dành cho họ một sự chăm sóc, một tình yêu y như dành cho Thiên Chúa[2].

Sau khi trả lời cho những người Pha-ri-sêu, Chúa Giê-su còn mạnh dạn tuyên bố “Tất cả Luật Mô-sê và sách các ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,40). Có nghĩa là hai điều răn ấy diễn tả trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa và bao gồm toàn bộ các điều răn khác.

Tóm lại, với việc tuyên bố điều răn nào là quan trọng nhất, Chúa Giê-su cho thấy Ngài là vị Chúa Tể của Lề Luật. Chính người công bố và hoàn tất Lề Luật không những dưới dạng điều răn mà còn cả lời hứa. Chính nơi Đức Giê-su mà tình yêu Thiên Chúa và con người được nhập thể cách trọn vẹn, nên chỉ có đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng, đức tin không giả hình (1 Tm 1,5) mới có thể đưa con người đến việc đón nhận và thực thi trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa.

IV. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Kính thưa cộng đoàn,

Sau khi tìm hiểu chủ đề: ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT, mời cộng đoàn dừng lại ở một vài ý tưởng giúp chúng ta suy niệm và thực hành:

Trước tiên, qua bài Tin mừng này, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta cách sống trọn vẹn Lề Luật bằng cách mến Chúa và yêu người. Chúa Giê-su đã nối kết hai giới răn quan trọng này với nhau trong khi chúng ta lại thường tách biệt chúng khỏi nhau.

Thứ đến, Chúa Giê-su không bảo hai việc mến Chúa và yêu người là một nhưng chỉ muốn nhắc bảo chúng ta không được làm việc này mà bỏ việc kia, vì ai chỉ yêu mến Thiên Chúa mà lại không thương yêu anh em mình thì “không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8) và “ở lại trong sự chết” (1Ga 3,14).

Cuối cùng, tình yêu mà hai giới răn ấy nói tới không phải là một thứ tình cảm trôi nổi nhưng là một lời cam kết, một sự dấn thân thực sự để được sự sống đời đời, vì thế, chúng ta hãy xin Chúa ban cho ta lòng can đảm cần thiết để thực thi hai giới răn quan trọng này mỗi ngày.  

V. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO

Kính thưa cộng đoàn, chúng ta vừa tìm hiểu chủ đề “ĐÂU LÀ ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT”. Ở số tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề “ĐỪNG SỐNG GIẢ HÌNH”. Xin quý cộng đoàn đọc trước Tin Mừng Mt 23,1-32.

Chương trình đến đây xin tạm dừng! Xin kính chào và hẹn gặp lại!

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội


[1] William Backlay, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu II, tr240.

[2] Lm. Fx Vũ Phan Long O.F.M, Các bài Tin mừng Mát-thêu dùng trong phụng vụ, nxb Đồng Nai 2021, tr 376.

Scroll to Top