Bậc lễ: thường
Màu phụng vụ: Xanh
Nghe MP3
Ca nhập lễ
Con chiên bị giết xứng đáng lãnh nhận quyền năng thiên tính, không ngoan, sức mạnh, danh dự và vinh quang chúc tụng. Nguyện cho Người được vinh quang, và vương quốc Người tồn tại đến muôn đời.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Ki-tô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn 5, 1-6, 13-14, 16-17, 23-28
“Có những ngón tay hiện ra như bàn tay một người”.
Trích sách Tiên tri Ða-ni-en.
Trong những ngày ấy, vua Bên-sát-xa dọn tiệc linh đình đãi một ngàn triều thần: ai nấy cứ theo tuổi mình mà uống rượu. Khi vua đã say rượu, liền truyền đem các bình, chén, bát bằng vàng bạc mà Na-bu-cô-đô-nô-sô, phụ vương ông, đã lấy trong đền thờ Giê-ru-sa-lem đem về, để cho vua, các triều thần, hoàng hậu và cung phi dùng uống rượu. Bấy giờ, người ta mang ra các bình, chén, bát bằng vàng bạc đã lấy trong đền thờ Giê-ru-sa-lem đem về. Vua, các triều thần, hoàng hậu và cung phi dùng đồ đó mà uống rượu. Họ vừa uống rượu vừa ca tụng các thần minh bằng vàng, bạc, đồng, sắt, gỗ, đá của họ.
Chính lúc ấy, có những ngón tay hiện ra như bàn tay một người viết chữ trên vách tường cung điện, đối diện ánh bạch lạp; vua nhìn thấy ngón tay viết chữ. Bấy giờ mặt vua đổi sắc, tư tưởng rối loạn, xương sống yếu sức, đầu gối va chạm lẫn nhau.
Lúc đó người ta dẫn Ða-ni-en đến trước mặt vua. Vua hỏi người rằng: “Nhà ngươi có phải là Ða-ni-en, con cái Giu-đa, phải lưu đày mà phụ vương trẫm đã điệu từ Giu-đa về đây chăng? Trẫm đã nghe rằng nhà ngươi được thần linh các vị thần phù giúp: ngươi được thông minh, trí tuệ và khôn ngoan phi thường. Trẫm đã nghe rằng nhà ngươi có thể cắt nghĩa những huyền bí và giải thích được những chuyện khúc mắc. Vậy nếu nhà ngươi đọc được hàng chữ này và cắt nghĩa cho trẫm, thì nhà ngươi sẽ được mặc áo đỏ, cổ đeo vòng vàng và trở nên vị tướng thứ ba trong vương quốc trẫm”.
Ða-ni-en tâu lại trước mặt vua rằng: “Lễ vật của vua xin để lại cho vua, và ân huệ nhà vua, xin vua ban cho kẻ khác. Thần xin đọc hàng chữ này và cắt nghĩa cho đức vua. Ðức vua đã tự phụ chống đối Ðấng cai trị trên trời: đã đem bày trước mặt vua các bình, chén, bát lấy trong đền Chúa, rồi vua, triều thần, hoàng hậu và cung phi dùng những đồ ấy mà uống rượu; vua còn ca tụng các thần vàng bạc, đồng, sắt, gỗ, đá, toàn là những thứ không thấy, không nghe và không cảm giác: vua không tôn vinh Thiên Chúa, Ðấng cầm trong tay vận mệnh và đường lối của đức vua. Bởi đó, Chúa khiến ngón tay hiện ra viết hàng chữ đó.
“Ðây những chữ đã viết như sau: Mơ-nê, Mơ-nê, Tơ-kên, Pác-xin. Xin giải nghĩa những chữ đó như sau: Mơ-nê: là Thiên Chúa đã đếm đủ số triều đại nhà vua rồi. Tơ-kên: là đã cân vua trên cán cân, và thấy vua hụt cân. Pác-xin: là vương quốc của vua đã bị phân chia và trao cho dân Mê-đi và Ba-tư”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Ðn 3, 62. 63. 64. 65. 66. 67
Ðáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, mặt trời cùng với mặt trăng.
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, trên trời cao, muôn tinh tú.
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, mưa móc với sương sa.
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, muôn ngàn ngọn gió.
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, lửa đỏ với than hồng.
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, rét mướt và lạnh lẽo.
Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 15, 1-4
“Hãy xướng ca bài ca vãn Mô-sê và ca vãn Con Chiên”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gio-an Tông đồ.
Tôi là Gio-an đã nhìn thấy điềm lạ vĩ đại và huyền diệu khác trên trời, là bảy thiên thần cai bảy tai ương sau hết, những tai ương này làm cho Thiên Chúa hết cơn thịnh nộ.
Và tôi đã thấy như biển thuỷ tinh chan hoà ánh lửa và những kẻ đã thắng được mãnh thú và hình tượng cùng số tên của nó, đều đứng trên biển thuỷ tinh gảy đàn cầm ngợi khen Thiên Chúa, và xướng bài ca vãn Mô-sê tôi tớ Chúa, cùng bài ca vãn Con Chiên rằng:
“Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, các công trình của Chúa thật vĩ đại và lạ lùng. Lạy Chúa là vua hằng có đời đời, đường lối của Chúa thật công minh, chính trực. Lạy Chúa, ai lại không kính sợ Chúa và không ngợi khen danh Chúa? Vì chỉ có mình Chúa là Ðấng nhân lành: mọi dân tộc sẽ đến thờ lạy trước mặt Chúa, bởi vì sự xét xử của Chúa đã tỏ bày minh bạch”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 7-8. 9
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, các công trình của Chúa thật là vĩ đại và lạ lùng (Kh 15, 3b).
Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.
Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh, Người nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel.
Xướng: Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót.
Xướng: Trước thiên nhan Chúa vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh và cai quản chư dân trong đường chính trực.
Alleluia: Mt 24, 41a và 44
Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 21, 12-19
“Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.
Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con.
“Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Ki-tô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Ca hiệp lễ
Chúa là vua ngự trị tới muôn đời; Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Ki-tô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Suy niệm
1. NHỮNG CUỘC BÁCH HẠI
(Lc 21,12-19)
1. Sau khi loan báo những tai họa: các tiên tri giả, chiến tranh loạn lạc, và các thiên tai xảy đến cho mọi người, thì Lu-ca ghi tiếp về việc các tín hữu Chúa sẽ gặp cơn bách hại. Tuy các tín hữu bị bách hại nhưng đó là cơ hội tốt cho sứ mệnh của họ. Đức Giê-su hứa sẽ trợ giúp các môn đệ khi các ông gặp gian nan, khốn khó. Là Ki-tô hữu, những người theo Chúa Ki-tô, chúng ta cũng phải can đảm đón nhận thử thách, những khó khăn trong cuộc sống và chấp nhận chịu thiệt thòi vì Ngài bằng những hành động chân thật, không gian dối, không làm điều xấu điếu ác.
2. Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su báo trước sự bách hại sẽ xảy đến cho các Ki-tô hữu. Đức Giê-su tiên báo điều này đã ứng nghiệm từng câu chữ trong những thời kỷ bách hại. Biết bao người mang danh Ki-tô hữu đã phải chịu bắt bớ, ngược đãi, tù đầy, tra tấn và bị giết chết để làm chứng cho Chúa Ki-tô. Quả thật, từ hai ngàn năm qua, chính vì danh Đức Ki-tô, các tín hữu bị thù ghét và bách hại. Như vậy, bách hại là số phận của những người mang danh Ki-tô hữu. Không thể là môn đệ Chúa mà không đi lại con đường chính Ngài đã đi qua. Đức Ki-tô đã báo trước cho các môn đệ: ”Môn đệ không trong hơn Thầy”, nếu Ngài đã bị bách hại, các môn đệ cũng phải bị bách hại.
3. Phúc âm theo thánh Mát-thêu đã được viết ra sau cuộc bách hại đầu tiên mà cộng đoàn Giáo hội đầu tiên đã trải qua, như cuộc bách hại và tử đạo của thầy Stê-pha-nô tại Giê-ru-sa-lem. Các Tông đồ cũng đã từng bị tù rồi chịu chết vì đạo. Phản ứng tự nhiên của con người trước những khó khăn, những bách hại, là lo sợ. Và Đức Giê-su tiếp tục khuyên các Tông đồ hãy can đảm làm chứng cho Ngài. Người môn đệ của Chúa cần sẵn sàng cho mọi nghịch cảnh xảy ra.
4. Ngày nay, không còn có những cuộc bách hại đổ máu, nhưng lại có vô số hình thức chối bỏ và chà đạp tự do tôn giáo. Ngày nay, không còn có những cuộc bách hại công khai, nhưng lại có vô số những cuộc tấn công tinh vi hơn nhằm loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người, và các cuộc bách hại ấy dù không làm thân xác con người bị tổn thương, nhưng nhân cách và lương tâm con người ngày càng bị bóp nghẹt và chết dần chết mòn. Ngày nay, không còn có những cái chết đẫm máu, nhưng tử đạo có nghĩa là can đảm đi ngược dòng đời, và khước từ những gì ngược với giá trị của Tin Mừng
(Mỗi ngày một tin vui).
5. Là Ki-tô hữu, chúng nên loại bỏ ý nghĩ đi theo Đức Ki-tô để tìm sự dễ dãi, an toàn và vinh quang cho bản thân đời này. Vì ở đời này không có niềm vui và hạnh phúc nào bền bỉ ngoài Thiên Chúa. Nhưng nếu chọn Chúa, chúng ta phải hy sinh và chịu nhiều thiệt thòi, bị người đời nhạo báng, bắt bớ. Vì thế gian, ma quỷ và xác thịt là một trở ngại lớn cho việc sống theo Tin Mừng. Nên chúng ta đừng ngạc nhiên khi gặp khó khăn vì sống đời chứng nhân, mà hãy vui mừng vì được cộng tác vào việc làm sáng danh Chúa.
6. Trong khi bị bách hại, chúng ta hãy can đảm lên vì Đức Giê-su đã nói với chúng ta: ”Đó là cơ hội để các con làm chứng cho Thầy”. Như vậy, một lần nữa, Đức Giê-su lại nhắc nhở chúng ta: đừng bận tâm khi nào tận thế, hãy lo sống hiện tại và kiên trì. Đối với chúng ta hôm nay, điều quan trọng là trung thành làm chứng cho Chúa, là sống đúng tư cách của một Ki-tô hữu đích thực, chứ không phải chỉ có tiếng mà không có miếng, không phải hữu danh vô thực, nhất là hãy thể hiện tối đa tình yêu thương đối với nhau, đó là cách làm chứng cho Chúa, cho đạo tốt nhất.
7. Truyện: Trên đường hành hương.
Một nhà truyền giáo Ân độ đã kể lại câu chuyện sau đây:
Một hôm trên một quãng đương vắng, ông thấy một người đàn bà nằm phủ phục sát đất. Đây là một cử chỉ khá quen thuộc trong những cuộc hành hương ở Ấn độ.
Sau một lúc người đàn bà đứng dậy đi mấy bước rồi lại phủ phục trên mặt đường. Trên một quãng đường ngắn, người đàn bà đã phủ phục như thế đến bảy, tám lần.
Thấy thế, nhà truyền giáo mới dừng lại gợi truyện.
Ông hỏi:
– Bà đi về đâu vậy?
Người đàn bà giơ tay chỉ về hướng Himalaya và nêu tên của một ngôi đền nổi tiếng ở đó. Theo lời bà giải thích thì tại đây khi sấm chớp nổi lên Thiên Chúa sẽ biểu dương quyền uy của người phía dưới thung lũng.
Như vậy, từ đây cho đến ngôi đền đó người đàn bà phải vừa đi vừa phủ phục như thế trên cả ngàn lần. Khi được hỏi bà làm như vậy với mục đích gì, người đàn bà trả lời ngắn gọn và quả quyết như sau: ”Để được thấy Chúa”.
Cử chỉ của người đàn bà Ấn độ trong câu chuyện trên đây có thể gợi lên cho chúng ta hình ảnh của một cuộc chiến đấu.
Được thấy Chúa, người tín đồ Ấn giáo trên đây sẵn sàng chấp nhận một cuộc hành hương gian khổ hầu như quá sức con người. Thế nhưng lòng khao khát thấy Chúa và niềm hy vọng mãnh liệt sẽ được gặp Ngài đã khiến người tín đồ ấy can trường tiến bước và kiên trì phủ phục tới cà ngàn dặm đường như thế thật đáng cho chúng ta nể phục.
Muốn được hưởng vinh quang với Đức Giê-su, chúng ta cũng phải biết can đảm và kiên trì như vậy.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm