Trong thông cáo của hàng Giáo phẩm Việt Nam về việc tôn kính tổ tiên và anh hùng liệt sĩ ra ngày 14/6/1965, Bề trên đã cho phép chúng ta làm một số cử chỉ hay việc làm biểu lộ lòng hiếu thảo biết ơn đối với Tổ tiên hay anh hùng liệt sĩ. Nhưng chúng ta cũng phải biết phân biệt lúc nào nên làm, lúc nào không.
—————————

TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI
THÔNG CÁO CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI
THÔNG CÁO CỦA HÀNG GIÁO PHẨM VIỆT NAM NGÀY 14/6/1965
VỀ VIỆC TÔN KÍNH TỔ TIÊN VÀ ANH HÙNG LIỆT SĨ
Số 3/1975
Dân Việt nam rất quý trọng đạo hiếu đối với Tổ tiên. Nhưng ngày xưa có nhiều hành vi mang nặng tính cách dị đoan phạm đến giáo lý công giáo, nên người Kitô hữu không được phép làm. Ngày nay dân trí đã thay đổi hẳn, người ta chỉ còn coi một số cử chỉ hay việc làm đó như những tập tục biểu lộ lòng hiếu thảo biết ơn đối với Tổ tiên hay anh hùng liệt sĩ, không có tính cách tôn giáo nên Hội thánh đã cho phép làm. Đừng ai bỡ ngỡ điều đó và sau đây là mấy nguyên tắc phân biệt: lúc nào nên làm, lúc nào không.
1. Những việc rõ ràng là thế tục, cốt để tỏ tinh thần ái quốc hay lòng hiếu thảo, thì được thi hành hay tham dự cách chủ động, như treo hình ảnh, biểu tượng, nghiêng mình bái kính, chưng hoa đèn, hương nến…
2. Những việc có tính cách dị đoan, không hợp với giáo lý công giáo, hoặc cử hành tại những nơi dành riêng cho việc tế tự, thì không được thi hành và cũng không được tham dự. Vạn bất đắc dĩ, cũng chỉ thể hiện cách hoàn toàn thụ động mà thôi.
3. Đối với những việc không rõ là thế tục hay tôn giáo, thì phải theo dư luận chung của dân chúng địa phương. Nếu họ cho đó là những cử chỉ biểu lộ lòng kính nhớ vậy thôi, thì được tham dự. Và khi dự nếu có thể, nên giải thích hay trình bày về lập trường công giáo cách thích hợp để khỏi bị hiểu lầm.
Trích lịch công giáo Địa phận Sài Gòn năm 1975. Lời bảo 37.