Trong thư chung soạn thảo ngày 18 tháng 7 năm 1956 Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê đã giảng giải và tha thiết mời gọi mọi người hãy thực thi giới luật của Chúa đã truyền dạy “Các con hãy yêu thương nhau”.
————————————————
THƯ CHUNG SỐ 11
THƯƠNG YÊU NHAU
Giám mục Juse Maria TRỊNH NHƯ KHUÊ, Đại diện Tòa Thánh, cai quản Địa phận Hà Nội, thân ái gửi lời thăm viếng và chúc phúc cho các linh mục, tu sĩ, nữ tu, và các giáo hữu trong Địa phận.
Anh chị em thân mến,
Tết sắp tới. Tết là một dịp những người thân yêu đi thăm viếng nhau để tỏ tình luyến ái, và chúc mừng nhau.
Nghĩ đến anh chị em còn ở lại với tôi, lòng tôi quyến luyến, tôi muốn đến thăm anh chị em để tỏ tình luyến ái, và chúc mừng anh chị em, nhưng tôi không thể đến với mọi người, tôi gửi thư này để thăm viếng và chúc mừng mọi người.
Anh chị em thân mến,
Tôi biết rằng: Chúa đòi tôi phải có một tình yêu thanh cao, nồng nhiệt, tận tụy, hy sinh đối với anh chị em. Tôi cũng biết rằng: tôi chưa tới chỗ ấy, nghĩa là tình yêu của tôi đối với anh chị em chưa thanh cao, chưa nồng nhiệt, chưa tận tụy, chưa hy sinh cho đủ như ý Chúa muốn. Nhưng tôi ao ước, và xin anh chị em cầu nguyện để những nhân đức ấy được gia tăng một ngày một hơn trong linh hồn tôi. Tôi sẽ cố gắng cho tới nơi Chúa muốn. Để nhắc nhở cho tôi nghĩa vụ quan trọng ấy, Hội thánh đã muốn Giám mục đeo nhẫn ở tay. Hội thánh cũng muốn cho giáo hữu hôn nhẫn của Giám mục để nghĩ đến tình yêu của Giám mục đối với mình.
Với tình yêu mến nồng nàn trong Chúa Giêsu Kirixitô, chúng ta hãy thăm viếng nhau, chúc mừng nhau. Tôi chúc cho anh chị em một năm mới tốt đẹp, một năm hạnh phúc. Hơn nữa tôi chúc anh chị em được bình an và hằng giữ nghĩa cùng Chúa.
Tôi gửi lời kính thăm riêng các Cha, các Thày, các Bà, các Chị. Đó là những vị, chẳng những tôi phải thương mến cách riêng như những anh chị em giáo hữu đã ở lại với tôi, mà lại tôi phải cảm ơn vì là những người cộng tác cao quý, cần thiết và đắc lực của tôi. Không có các vị ấy, tôi không thể gánh nổi trách nhiệm nặng nề của tôi. Có các vị ấy, tôi được an ủi nhiều bề. Tôi cảm ơn và chúc cho các vị ấy thu được nhiều thắng lợi trong việc tông đồ.
Anh chị em thân mến,
Ngày Tết, chúng ta có dịp nói đến tình luyến ái giữa chúng ta. Nhưng tình yêu luyến ái giữa chúng ta không phải là một cái gì tùy thuộc, có cũng được không có cũng được. Tình luyến ái giữa chúng ta là một điều cần thiết, là chính sự sống siêu nhiên của linh hồn ta. Đó là điều phải có, không có không được. Ta phải luôn sống trong tình yêu mến. Ta phải nhắc nhở đến tình yêu ấy luôn luôn. Xưa thánh Gioan Tông đồ đã già không thể giảng được nữa, người chỉ giảng đi giảng lại câu này: “HỠI CÁC CON MỌN, CHÚNG CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU”. Các môn đệ và anh em giáo hữu nghe mãi một câu, chán quá thì hỏi người rằng: “LẠY THÀY, SAO THÀY NÓI MÃI CÂU ẤY?” Người trả lời rằng: “VÌ ĐÓ LÀ GIỚI RĂN CỦA CHÚA, VÀ NẾU GIỮ NGUYÊN ĐIỀU ẤY, THÌ ĐÃ ĐỦ”.
Không nói luôn được với anh chị em, ít là hôm nay, tôi muốn nói dài hơn một chút về tình luyến ái giữa chúng ta.
ĐỨC YÊU NGƯỜI
Tình luyến ái giữa chúng ta là sự cần thiết, là sự sống siêu nhiên của linh hồn. Kinh thánh dạy.
“AI KHÔNG YÊU MẾN, NGƯỜI ẤY Ở TRONG SỰ CHẾT — QUI NON DIL GIT, MANET IN MORTE (1 Joan III, 14). Nghĩa là người ấy không có ơn nghĩa cùng Đức Chúa Lời, không phải là con yêu dấu của Chúa, không đáng lên thiên đàng, lại đáng phạt khốn nạn trong hỏa ngục.
Muốn hiểu sự ấy, anh chị em phải nhớ rằng: Chúa đã tạo thành chúng ta là loài người trọng hơn muôn vật, nhưng dù trọng đến đâu, loài người đối với Chúa cũng chỉ là một loài hèn hạ, là việc bởi tay Chúa làm ra, như một tượng, đất, đá, đối với ông thợ làm nên. Chúng ta không phải là con Chúa đã sinh ra có một bản tính như Chúa, có sự sống như Chúa, và vì không phải là con, chúng ta không đáng sống trong nhà Chúa, hưởng phúc với Chúa. Cứ lý thì không đáng, nhưng Chúa thương loài người quá bội, đã muốn nâng loài người lên một địa vị cao trọng vượt quá tư cách và khả năng của loài người – vì thế gọi là địa vị siêu nhiên – nghĩa là Chúa muốn nhận loài người làm con của Chúa, đáng lên ở trong nhà Chúa và hưởng phúc với Chúa trên thiên đàng đời sau. Để bù vào sự thiếu thốn về tư cách và khả năng, Chúa thông cho linh hồn ta một ơn lạ lùng gọi là ơn thánh sủng, ơn nghĩa, biến đổi linh hồn trở nên thánh thiện, sáng láng tốt lành, giống Chúa, đẹp lòng Chúa, khác nào điện chạy vào đèn, đèn trở nên sáng nóng, ánh mặt trời thâu qua khối thủy tinh, thủy tinh ra sáng nóng, đó là sự sống siêu nhiên của linh hồn, khác với sự sống thường của mọi người vốn có.
Một điều cần thiết cho được chịu lấy ơn thánh sủng, là ta phải kết hợp với Chúa, ta mến Chúa là kết hợp với Chúa. Khi ta không mến Chúa thì giây liên kết đứt ngay, linh hồn ta cũng mất ngay ơn thánh sủng, mất sự thánh thiện, mất sự sáng láng tốt lành, mất ơn nghĩa cùng Chúa, không còn là con yêu dấu của Chúa, mất sự sống siêu nhiên, chỉ còn sự sống thường; con người siêu nhiên – nghĩa là người con yêu dấu của Thiên Chúa – đã chết rồi, chỉ còn là người thường mà thôi. Khác nào khi giây điện đứt, thì đèn điện tắt ngay, không còn sáng nóng nữa, hay là như khối thủy tinh đem ra khỏi ánh mặt trời, liền trở nên tối đục.
Linh hồn đã mất ơn thánh sủng chẳng những không còn là con yêu dấu của Chúa không đáng lên thiên đàng, mà lại còn là một tội nhân, vì đã phản bội với Chúa, đáng sa hỏa ngục.
Chúng ta mất ơn thánh sủng chẳng những khi ta không mến Chúa mà lại mất khi ta không yêu người. Vì yêu người nói ở đây, yêu người theo ý Chúa đòi, không phải là yêu người vì người; bèn là yêu người vì Chúa, nói cách khác là yêu Chúa ở trong người. Mến Chúa và yêu người vì Chúa hợp nhau hợp thành một nhân đức là ĐỨC ÁI, ơn thánh sủng Chúa đổ vào linh hồn ta, cũng gọi là Đức Ái Chúa đổ vào, làm cho ta mến Chúa và yêu người vì Chúa. Ai mến chúa cũng yêu người vì Chúa. Thánh Gioan dạy: “AI NÓI RẰNG ‘TÔI MẾN ĐỨC CHÚA LỜI’ MÀ GHÉT BỎ ANH EM, ĐÓ LÀ NÓI DỐI. AI KHÔNG YÊU ANH EM MẮT MÌNH XEM THẤY, KHÔNG THỂ MẾN ĐỨC CHÚA LỜI LÀ ĐẤNG MẮT KHÔNG XEM THẤY” (1 JOAN IV, 20). Vì thế ai không yêu người vì Chúa, là không mến Chúa, không mến Chúa là không kết hợp với Chúa, không kết hợp với Chúa liền mất ơn thánh sủng ngay, mất sự sống siêu nhiên. Như lời thánh kinh tôi đã kể trên: “AI KHÔNG YÊU MẾN, NGƯỜI ẤY Ở TRONG SỰ CHẾT”.
Anh chị em thấy tỏ: tình luyến ái giữa chúng ta cần thiết chừng nào, đó là sự sống siêu nhiên của linh hồn, là hạnh phúc chúng ta đời sau. Chúng ta phải ra sức thương yêu nhau. Thương yêu thật trong lòng, muốn sự lành cho người ta, không muốn sự dữ cho ai. Thương yêu trong lời nói việc làm, an ủi giúp đỡ, tránh không làm hại ai, tìm làm ơn cho mọi người, ơn phần hồn, ơn phần xác.
GIỚI RĂN YÊU NGƯỜI
Giới răn dạy chúng ta thương yêu nhau vì như một lâu đài rộng rãi bao la, xây trên một nền tảng rất vững bền, và nguy nga cao ngất trời.
Nền tảng của giới răn dạy yêu người không phải là một trái núi, bèn là chính Thiên Chúa. Như tôi đã nói: yêu người hợp với sự mến Chúa. Chúa Cao Cả vô cùng truyền cho chúng ta phải yêu nhau: ta dám chống lệnh Chúa ư? Chúa truyền cho chúng ta yêu nhau vì Chúa: chúng ta không được lấy lẽ người kia khuyết điểm, xa lạ hay thù địch mà không yêu. Bản thể Chúa là yêu mến. Kinh thánh dạy: “THIÊN CHÚA LÀ YÊU MẾN — Deus Charitas est” (1 Joan. IV, 16). Vì thế, Chúa không thể nào không yêu, Chúa không thể nào không truyền cho ta phải yêu mến. Ai yêu mến sẽ được lên Thiên đàng, ai không yêu mến sẽ phải phạt xuống hỏa ngục, chịu lửa đốt đời đời, vì Chúa yêu vô cùng, gồm mọi sự trọn lành, khôn ngoan và mạnh mẽ, nhân lành và công bằng vô cùng, cho nên Chúa phải rất thẳng phạt những người không yêu mến, và từ chối hảo lòng yêu của Chúa.
Yêu ngần nào? Trong đạo cũ, khi Đức Chúa Giêsu chưa ra đời, Thiên Chúa đã dạy người ta phải yêu anh em như mình (Lev. XIX, 18). Trong đạo mới, Đức Chúa Giêsu đã cho chúng ta một giới răn mới, giới răn riêng của Người. Chúa dạy chúng ta phải thương yêu nhau như Chúa đã thương yêu chúng ta. Chúa phán rằng: “CHA BAN CHO CHÚNG CON MỘT GIỚI RĂN MỚI, LÀ CHÚNG CON PHẢI THƯƠNG YÊU NHAU, THƯƠNG YÊU KHAU NHƯ CHA ĐÃ THƯƠNG YÊU CHÚNG CON” (JOAN. XIII, 34).
Đức Chúa Giêsu thương yêu chúng ta thế nào? Chúa đã thương yêu ta, khi ta chưa biết Chúa, Chúa đã thương yêu ta dù ta hèn kém, dù ta bội bạc, đã thương yêu ta tận tình. Chúa trọng vô cùng đã xuống thế làm người ở với ta như bạn bè, đã chịu nạn chịu chết cách rất đau đớn, nhuốc nha, để đền tội ta, để lập phép Thánh Thể lấy thịt máu mình làm của nuôi linh hồn ta.
Có ai thương yêu ta đến thế không?
Khi khác Chúa đã phán dạy rằng: “ANH EM HÃY NÊN TRỌN LÀNH NHƯ CHA ANH EM Ở TRÊN TRỜI”. (MATT. V, 48) Cha ta ở trên trời là Thiên Chúa. “THIÊN CHÚA LÀ YÊU MẾN. DEUS CHARITAS EST” (1, GA 4, 6). Chúa là mến yêu vô cùng. Nếu chúng ta phải nên trọn lành như Chúa, phải mến yêu như Chúa, thì phải mến yêu chưng nào?
Ấy lâu đài mến yêu của ta nguy nga cao ngất trời.
Yêu những ai? Chú thương yêu ai, ta phải thương yêu người ấy. Chúa thương yêu hết mọi người, trừ những người đã xuống hỏa ngục, Chúa không yêu được nữa, vì những người ấy phản bội hẳn, không trở nên con cái Chúa được nữa.
Dù những người thù địch cùng ta, ta cũng phải thương yêu, Chúa đã phán: “ANH EM HÃY THƯƠNG YÊU NHỮNG KẺ THÙ NGHỊCH, VÀ CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG KẺ BẮT BỚ ANH EM, ĐỂ TỎ RA ANH EM LÀ CON CỦA CHA CẢ TRÊN TRỜI, LÀ ĐẤNG KHIẾN MẶT TRỜI MỌC LÊN SOI CHO KẺ DỮ, VÀ KẺ LÀNH, CÙNG LÀM MƯA XUỐNG CHO NGƯỜI NHÂN ĐỨC, NGƯỜI TỘI LỖI. VÌ NẾU ANH EM YÊU MẾN NHỮNG NGƯỜI YÊU MẾN ANH EM, THÌ ANH EM SẼ ĐƯỢC THƯỞNG GÌ.” (Mt, 5, 44-46)
Chúa đã dạy, Chúa đã làm. Khi Chúa chịu đóng đinh vào thập tự giá, việc trước hết Chúa đã làm là kêu van Đức Chúa Cha tha tội cho kẻ đóng đanh mình: “LẠY CHA, XIN THA CHO CHÚNG, VÌ CHÚNG KHÔNG BIẾT VIỆC MÌNH LÀM”. (Lc 23, 34).
Dù là những người có tội, vì ích chung, theo pháp luật, ta phải chừng phạt, ta vẫn có thể thương yêu được, là muốn sự lành cho nó. Sự lành trong nhất, bao giờ ta cũng có thể muốn, phải muốn, phải lo liệu cho anh em, là ăn năn trở lại, làm con yêu dấu của Chúa, được hưởng phúc trên thiên đàng đời sau.
Ai còn sống ở thế gian này, vẫn có thể trở lại làm con yêu dấu của Chúa. Lịch sử đã cho hay: có những người tội lỗi đã trở nên những vị đại thánh.
Như thế lâu đài mến yêu của đạo ta, rộng rãi bao la có thể chứa hết mọi người còn sống ở thế gian này.
Chúng ta còn phải cố gắng nhiều cho được giữ trọn giới răn yêu người.
GIÂY THÂN ÁI RIÊNG
TRONG HỘI THÁNH
Chúa dạy chúng ta yêu thương yêu mọi người, nhưng riêng về những người trong hội thánh Chúa chẳng những phán dạy chúng ta phải yêu thương nhau, mà lại Chúa đã lấy tay quyền lực của mình kết hợp chúng ta lại bằng những giây thân ái huyền diệu, thần hiệu lạ lùng, ai có sự soi sáng Đức tin soi cho thì sẽ thấy và hiểu sự ấy. Các giây thân ái ấy Chúa đã đặt ở trong Hội thánh.
Hội thánh công giáo không phải là một tổ chức thuộc về trần thế như hội khác, trong Kinh thánh nhiều nơi gọi Hội thánh là “Nước trời”, “Nước Đức Chúa Trời”.
Hội thánh bởi Đức Chúa Giêsu đã lập, không phải bởi một người trần: không ai trong loài người có quyền đổi quy chế Đức Chúa Giêsu đã chỉ định cho Hội thánh.
Hội thánh có một, Đức Chúa Giêsu muốn hợp mọi người, mọi nơi, mọi đời vào một hội ấy, chớ ai có ảo tưởng: bỏ hội thánh rồi lại có thể vào Hội thánh khác.
Hội thánh theo đuổi một mục đích siêu phàm, là làm cho người ta nên thánh, nên con yêu dấu của Chúa, đáng hưởng phúc trên thiên đàng đời sau. Hội thánh không có những tham vọng về trần thế là mạch sinh chia rẽ và ghen ghét.
Hội thánh vững bền tồn tại muôn đời, quyền phép ma quỷ không phá được: chống cự cùng hội thánh vừa mất công vừa phải tội.
Hội thánh là một hội bó buộc; ai muốn hưởng nhờ ơn cứu chuộc phải gia nhập Hội thánh, không như hội khác, muốn vào hay không, tùy ý không hệ gì.
Gia nhập Hội thánh không phải là biên tên vào sổ là thành, phải chịu phép Rửa tội, và Chúa in dấu thiêng liêng vào trong linh hồn chẳng thể xóa được, dù xuống hỏa ngục muôn đời, dấu ấy vẫn còn.
Gia nhập Hội khác, chúng ta trở nên những hội viên của hội, gia nhập Hội thánh, chúng ta được sát nhập vào Thân thể mầu nhiệm Đức Chúa Giêsu, hết thảy chúng ta chỉ là một thân thể nhiệm mầu Đức Chúa Giêsu, chúng ta hợp với Chúa như các phần thân thể hợp với đầu, có một sự sống chung – sự sống siêu nhiên – bởi Đức Chúa Giêsu thông ra cho các linh hồn. Chính Đức Chúa Giêsu đã tự xưng mình là cây nho. Chúng ta chịu lấy sự sống bởi cây nho là Đức Giêsu thông ra cho các nghành. Linh hồn nào không có ơn thánh sủng là sự sống siêu nhiên bởi Đức Chúa Giêsu thông cho, là phần thân thể đã chết. Cũng như về phần xác, có khi chân tay, hay phần thân thể khác, mắc bệnh tật, đau đớn, tê liệt, thối nát, có khi phải cắt bỏ đi.
Khi một phần thân thể đau yếu, thì cả mình cũng đau, chúng ta chạy chữa cho phần thân thể ấy nên lành mạnh. Cũng vậy, con chiên trung thành của Chúa rất đau đớn vì những con chiên không trung thành, nhưng vẫn thương họ, hằng cầu nguyện cho họ ăn năn trở lại, và trở nên những phần thân thể lành mạnh của Chúa Giêsu. Phần thân thể tê liệt, bao lâu còn dính vào thân xác, thì còn có hy vọng trở nên lành mạnh. Nhưng phần thân thể đã hư thối, đã cắt bỏ đi rồi thì hết hy vọng trở nên lành mạnh. Sự hợp nhất giữa các phần thân thể là sự quan trọng chừng nào! Chúng ta, người công giáo, là những phần thân thể thuộc về mình mầu nhiệm Đức Chúa Giê-su, chúng ta phải lo hợp nhất với nhau, với Chúa.
Muốn hợp nhất cần phải giữ trật tự. Không giữ trật tự không thể hợp nhất được. Nếu chân muốn chiếm địa vị của tay, thì phải lìa bỏ địa vị mình để lên chiếm địa vị của tay, nhưng trước khi chiếm được địa vị của tay, thì đã lìa ra khỏi thân thể và đã chết rồi.
Trong Hội thánh Đức Chúa Giêsu, có Giám mục, có Linh mục, có Giáo hữu, là những đẳng cấp Chúa đã đặt, chẳng ai có quyền thay đổi, ai ai cũng phải giữ địa vị mình, và làm việc bổn phận mình, nếu làm sai là đi vào chỗ chết.
Trong thân thể có những phần khác nhau, có những việc làm khác nhau, nhưng việc làm của một phần làm ích cho cả thân thể. Mắt xem, cả mình được sáng; miệng ăn, cả mình được no; chân đi, cả mình được chuyển động.
Trong thân thể mầu nhiệm Đức Chúa Giêsu cũng vậy, việc lành của một người làm ích cho nhiều người khác, dù người này không biết người kia, không nghĩ đến người kia, vì đã có Đức Chúa Giêsu là đầu phân chia, xếp định cho cả thân thể, vì chúng ta đã hợp nhất thành một thân thể với Chúa Gi-su, có một sự sống chung.
Đó là sự các thánh cùng thông công ta đọc hằng ngày trong kinh tin kính. Vì thế mỗi người phải ra sức làm việc bậc mình. Mình lười biếng việc lành, mình làm việc dữ là Hội thánh phải thiệt. Một việc ai làm cũng được, là cầu nguyện cho nhau.
Trong thân thể có những phần khác nhau, có trên, có dưới, nhưng phần nào cũng quý.
Hỏi một người rằng: Anh quý chân hay quý tay, người ấy sẽ thưa: tôi quý cả tay, cả chân.
Nhưng hỏi lại: Anh quý tay hơn, hay quý chân hơn? Anh lúng túng không biết thưa thế nào.
Đã hay người ta quen nói: tay trọng hơn chân; nhưng nếu phải chọn: mất một chân hay mất một tay, có lẽ ai cũng chọn mất một tay. Vì mất một tay còn có thể làm việc được, nhưng mất một chân thì không đi lại được.
Trong Hội thánh cũng vậy, có đẳng cấp trên dưới, có Giám mục, Linh mục, Giáo dân, nhưng Đức Chúa Giêsu yêu quý các phần thân thể của Người. Đã hay linh hồn đã dâng mình làm tôi Chúa cách riêng, thật là ơn riêng Chúa thương ban cho các linh hồn ấy hơn là các linh hồn ấy làm cho Chúa, nhưng chúng ta không thể nói: hễ linh mục thì Chúa yêu quý hơn giáo hữu thường.
Đã chắc: Chúa yêu quý một giáo hữu thánh thiện hơn một linh mục khô khan. Có thể nói chung: hễ ai trọn lành, thánh thiện thì Chúa yêu quý hơn. Hỏi ai thánh thiện, ai trọn lành. Bà thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói: “Ai trung thành làm việc vì lòng mến Chúa, người đó là người sốt sáng nhất. Chúa không cần công việc của ta, Chúa cần tình yêu của ta”. Như thế chẳng kỳ ở bậc nào, ai cũng có thể được Chúa yêu quý cách riêng, tùy mình mến Chúa cách riêng nhiều hay ít.
Các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng: “AI TRỌNG NHẤT TRONG NƯỚC TRỜI. ĐỨC GIÊ-SU GỌI MỘT TRẺ NHỎ ĐẾN, ĐẶT Ở GIỮA CÁC MÔN ĐỆ MÀ BẢO RẰNG: THẬT THẦY BẢO THẬT ANH EM: NẾU ANH EM KHÔNG ĐỔI LẠI, NÊN NHƯ TRẺ NHỎ, THÌ ANH EM CHẲNG ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI. AI NÊN BÉ NHỎ NHƯ TRẺ NÀY, THÌ ĐÓ LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT TRONG NƯỚC TRỜI” (Mt 18, 1-4) “NGƯỜI LỚN NHẤT TRONG ANH EM, PHẢI LÀM TÔI TỚ ANH EM. VÌ AI TÔN MÌNH LÊN, SẼ BỊ HẠ XUỐNG, AI HẠ MÌNH XUỐNG SẼ ĐƯỢC TÔN LÊN.” (MATT. XXIII, 11-12).
Như thế Chúa Giêsu yêu quý ai hơn? Anh chị em giáo hữu hãy suy và tự hào. Tôi nghĩ: Người Đức Giêsu đã yêu quý nhất là Đức Bà Maria, là một giáo hữu thường. Đức Chúa Giêsu yêu quý chúng ta, tại sao chúng ta lại không yêu quý nhau.
Người ta đã gọi Hội thánh Chúa Giêsu bằng nhiều tên, chẳng tên nào đầy đủ, vì Hội thánh là một việc mầu nhiệm, một công cuộc vĩ đại của Thiên Chúa. Nhưng nguyên một tên “Thân thể mầu nhiệm Đức Chúa Giêsu” đã đủ gợi trong trí khôn biết bao ý tưởng quan trọng: Hợp nhất, Thứ tự, Cộng tác, Thân ái.
Không hợp nhất, không sống – Không thứ tự, phá hại sự hợp nhất – Cộng tác bảo tồn hợp nhất – Thân ái, tinh hoa của hợp nhất.
Anh chị em thân mến! Chúng ta hãy yêu mến hội thánh, hãy học cho hiểu Hội thánh hơn, hãy làm vinh danh hội thánh. Chúng ta hãy lo hợp nhất và hết tình yêu mến nhau, đó là một điều làm vinh danh Hội thánh và cũng là hạnh phúc của chúng ta.
HY SINH LÀ CỦA NUÔI TÌNH YÊU
ẢNH CHỊU NẠN
Muốn thi hành cho đầy đủ một ngày một hơn giới răn Chúa dạy yêu người, anh chị em cần phải để ý đến kẻ thù địch ghê gớm của tình yêu, là tính ích kỷ. Yêu là muốn sự lành cho người ta, chứ không phải là tìm lợi cho mình. Như thế, yêu thực cần phải hy sinh. Không hy sinh tình yêu sẽ chết mòn, càng hy sinh, tình yêu càng nảy nở.
Chúa Giêsu đã làm gương cho ta soi: Chúa đã yêu ta nên đã chịu tử nạn chịu chết cách rất đau đớn nhục nhã trên cây thập tự giá. Chúa đã bỏ sự sống, bỏ danh giá, đã chết như một tội nhân. Bỏ sự vui sướng, Chúa chịu đau khổ hết sức, bỏ tiền tài, Chúa đã bị đóng đanh trần truồng vào thập tự giá. Người ta thường lỗi đức mến yêu, vì cầu sống, vì ham vui sướng, vì muốn danh giá, vì tham tiền tài. Nếu ai không sợ chết, không sợ đau khổ, không sợ nhục nhã, không sợ khó nghèo, ít ra bằng lòng các sự ấy, thì người ấy sẽ yêu nhiều biết bao. Để nêu cao bài học hy sinh Chúa đã dạy, Hội thánh đã đặt khắp nơi ảnh Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh vào thập tự giá. Đó là ảnh Hội thánh kính nhất. Chỉ có ảnh ấy được đặt trên chốc nhà chầu có Thánh Thể. Ngày thứ VI Tuần Thánh lại có một nghi lễ rất cảm động để kính lạy ảnh Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh.
Giáo hữu phải hiểu ý Hội Thánh, phải kính mến ảnh Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh. Không kính ảnh ấy coi hường hay hổ thẹn vì lẽ Đức Chúa Giêsu trần truồng, không đáng gọi là người công giáo.
Thực ra, ảnh Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh trần truồng trên cây thập tự giá, là ảnh rất lạ và rất quý. Có đạo nào có ảnh ấy không? Không có, vì không có đạo nào Đấng lập đạo đã chịu chết vì yêu như thế. Đức Chúa Giêsu đã chịu chết như vậy, không phải vì thua. bèn vì Chúa muốn chịu chết để đền tội ta và tỏ lòng thương yêu ta. Chúng ta không có lẽ mà hổ thẹn, mà lại phải yêu quý. Hơn nữa, chết đoạn Chúa đã sống lại vinh hiển. Chúa có thua đâu.
Hội thánh không hổ thẹn, lại truyền trưng bầy khắp nơi. Hội thánh không nhầm, vì khắp nơi là người công giáo cùng kính mến ảnh Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh. Anh chị em hãy nhớ lại: ngày thứ VI Tuần-Thánh giáo hữu tấp nập, và sốt sắng biết bao, chen nhau đến hôn chân Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh. Đó là do ơn Đức Chúa Giêsu giục lòng giáo hữu. Chính Đức Chúa Giêsu đã phán: “KHI TA ĐÃ CHỊU TREO LÊN, THÌ TA SẼ KÉO MỌI NGƯỜI ĐẾN CÙNG TA” (Joan.xii, 32). Làm được như vậy phải có quyền thế một vị Thiên Chúa mới được. Ai người trần làm được như vậy. Ai dám giơ ảnh trần truồng của mình ra cho thiên hạ cung kính.
Ảnh Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh không làm hổ thẹn cho giáo hữu, và lại làm ích rất trọng cho ta, vì dạy ta bài học rất quan trọng và giục ta thực hành bài học ấy.
Ảnh Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh hằng nhắc bảo cho ta: tội là sự độc dữ xấu xa, phải thà chết chẳng thà phạm tội; phải hãm mình phạt xác để đền tội, và cho khỏi phạm tội; đừng sợ sự đau khổ, xỉ nhục, vì đau khổ xỉ nhục ở đời này là vui mừng vinh hiển đời sau; đường lối của Chúa khác đường lối thế gian, Đức Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, trước mặt thế gian là thất bại, nhưng trước mặt Chúa là thành công, Đức Chúa Giêsu đã hoàn thành việc chuộc tội: ta phải an ủi mình như thế khi gặp gian nan khốn khó; phải hết tình mến Đức Chúa Giêsu và thương yêu các linh hồn, sẵn lòng chết vì Chúa, vì các linh hồn.
Chúng ta hãy năng ngắm ảnh Chịunạn để học sự hy sinh, hãy lợi dụng những trái ý ta gặp hằng ngày mà tập đức hy sinh là một đức rất quý và rất cần cho được giữ đức mến yêu.
Anh chị em thân mến,
Tôi đã nói dài rồi. Nếu anh chị em không nhớ cả, xin anh chị em hãy nhớ một câu này: “ANH CHỊ EM HÃY THƯƠNG YÊU NHAU” vì như lời thánh Gioan đã nói, nếu anh chị em giữ một điều ấy, thì đã đủ.
Anh chị em thân mến,
Một lần nữa tôi chúc cho anh chị em một năm mới tốt đẹp, một năm hạnh phúc, được bình an, hằng giữ nghĩa cùng Chúa và lập được nhiều công nghiệp về đức yêu người.
Xin anh chị nhớ cầu cho tôi.
Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 1956
Jos. M. KHUÊ
Vic. Apost.