Trong thư chung số 6, ngày 08/5/1951 Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê đã soạn thảo luật để của chung, nhằm giúp các linh mục thi hành luật để của chung một cách hữu hiệu và sinh nhiều lợi ích thiêng liêng.
THƯ CHUNG SỐ 6
LUẬT ĐỂ CỦA CHUNG
Giuse Maria TRỊNH NHƯ KHUÊ, ơn Chúa và ơn Toà thánh làm Giám mục thành Sinao, thay mặt Đức Giáo Hoàng, quản trị địa phận Hà Nội, gửi nhời thân ái chào các Cha.
Kính các Cha,
Như các Cha biết, luật để của chung thói quen tốt đã sinh nhiều ích lợi thiêng liêng cho chúng ta, những tông đồ giúp việc rao giảng Phúc âm, thu hoạch được những kết quả tốt tươi trong công cuộc truyền giáo. Thói quen đó đã được Tòa thánh chú ý ca tụng và khuyến khích chúng ta tận tâm noi giữ. Nhất là trong dịp lập ân bổng các xứ, Tòa thánh đã giải thích rõ ràng, không muốn bãi bỏ luật để của chung, mà còn muốn cho luật đó được nguyên vẹn tồn tại luôn mãi. Luật đó có giá trị cho hết mọi người nhà Đức Chúa Trời, từ các Đức Giám mục trở xuống.
Một thói tục tốt lành như thế, tôi cũng mong muốn các Cha hết lòng mộ mến, quí trọng và tuân giữ, để ích lợi cho linh hồn chúng ta và cho công cuộc truyền giáo Chúa lân mẫn đã đoái thương trao phó cho mỗi người chúng ta.
Cho tiện việc thi hành luật để của chung, tôi có những chỉ thị sau này:
1. Làm lễ giúp nhà chung: đây là phận sự chung của mọi người, buộc các cha, cũng như chính đức Giám mục, mỗi tháng phải làm 4 lễ cho nhà chung. Tiền bồng lộc ấy để vào quỹ chung. Riêng các cha thừa sai vì đã lấy quỹ để riêng, nên bổng lộc các lễ do các cha ấy làm sẽ để vào quỹ của nhóm các cha thừa sai.
2. Lễ giúp nhà xứ: Theo luật địa phận, các cha phó mỗi tháng phải làm 4 lễ giúp xứ; nay tôi định rằng: hết các cha, chẳng kỳ chính, phó, cả những cha nhà làm việc nơi các sở: nhà chung, nhà trường… sẽ làm mỗi tháng 4 lễ giúp sở nuôi mình.
3. Những cha vì lẽ này hay lẽ khác, không làm việc nữa, và nghỉ ở nhà xứ, nhà chung hay sở nào khác, sẽ làm mỗi tháng 15 lễ giúp nhà chung và sở nuôi mình. Nếu ở nhà chung, 15 lễ ấy thuộc quyền nhà chung; nếu một sở khác, thì trong số 15 lễ ấy, 4 lễ giúp nhà chung và 11 lễ giúp sở nuôi mình.
4. Các cha ở sở này đi qua sở khác, chính ra phải chịu hết mọi phí tổn trong những ngày mình trú tại sở ấy, nhưng Bề trên sở ấy có thể miễn hẳn hay giảm bớt tùy trường hợp.
5. Việc làm lễ giúp nhà chung nhà xứ, buộc các cha phải làm trong tháng đã chỉ. Cấm không được dịch ngầm lại cho nhà chung. Khi mượn cha khác làm, phải nói rõ là lễ giúp nhà chung và khi trình lại việc đã làm lễ, phải thêm tờ ký nhận của cha ấy, chứng nhận đã làm lễ ngày tháng nào.
Xứ nào vì có nhiều lễ trọng, lễ mồ, lễ cưới, các cha khó làm những lễ nhà chung dịch, các cha sẽ trình Bề trên xét nếu có đủ lễ sẽ cho nộp một số tiền thay vì làm lễ.
6. Thể lệ này thi hành từ ngày 1 tháng 6 dương lịch năm 1951.
Trên đây tôi đã buộc các cha chính xứ cũng phải làm lễ giúp xứ, vì cũng từ ngày 1 tháng 6 dương lịch năm 1951 này, các cha chính xứ phải phân biệt của riêng và của nhà xứ. Trong sổ tất niên hằng năm, các cha chính xứ phải khai của riêng như các cha phó; của riêng ấy là tiền lễ bàn thờ, phần tiền được chi khi làm lễ trọng, làm chánh phó phụ tế, đưa xác, v.v… Của riêng cha chính xứ, đừng kể phần gia nghiệp cha mẹ lối cho, cũng thuộc về lời giao, nhưng khi đổi xứ được đem đi, không phải để lại như của nhà xứ.
Việc nhận của nào là của riêng, tôi nghĩ nên xử rộng với các cha phó hơn với các cha chính, vì cha chính xứ đã có quyền tiêu dùng của cải nhà xứ theo luật Giáo hội. Bởi thế tôi ưng thuận để các cha phó được giữ làm của riêng những gì từ trước luật địa phận đã cho phép; còn các cha chính xứ, vì đã được hưởng ân bổng nhà xứ, nên tất cả những gì người ta hầu lễ dâng biếu đều phải kể là của nhà xứ không được bán gạt cách nào. Nếu có lẽ riêng mà nghĩ người ta dâng riêng cho mình, phải trình Bề trên ưng nhận từng nố một.
Tôi nghĩ việc phân biệt của nhà xứ và của riêng cha chính xứ như thế sẽ giúp các cha chính xứ tiêu dùng của nhà xứ cho xứng đáng để lo liệu cho mọi người trong nhà. Tôi nhờ dịp này để nhắc nhủ các cha chính xứ nhớ mình có phận sự phải dùng lợi tức nhà xứ để nuôi mình, các cha phó, các thầy, và người nhà cho vừa đủ, xứng đáng. Cố nhiên ta không được phép sống xa hoa phung phí; nhưng ta đừng tiếc, đừng ngại khi phải tốn phí lo liệu những sự cần cho những người giúp việc cộng tác với ta.
Lại nữa, vì của nhà xứ là của thuộc về lời giao, nên là của chung cả cha chính, cha phó, các thày, nên tôi ước ao trong việc tiêu dùng, các cha chính, nên bàn hỏi, ít là cho cha phó (hoặc một thầy giảng, khi không có cha phó) biên và ký nhận sổ chi tiêu mỗi tháng.
Xử sự như vậy sẽ có nhiều điều lợi, vì trước hết cha phó được biết của cải nhà xứ, khi cha chính ngăn trở cách nào, có thể trông coi khỏi thiệt hại. Đàng khác cha chính xứ sẽ dễ dùng của nhà xứ phải lẽ chính đáng hơn; nhất là cha phó có thể bênh vực cha chính xứ trong những trường hợp người ta ca thán vu khống về cách tiêu dùng của cải. Lại nữa, khi nhà xứ túng thiếu, cha chính bỏ của riêng cho vay tạm hoặc giúp hẳn nhà xứ, mà có người chứng nhận, thì công việc được rõ ràng minh bạch hơn.
Xin các cha nhận nhời chúc lành của tôi và nhớ cầu cho tôi.
Hà Nội, ngày 8-5-1951
+ Giuse Maria TRỊNH NHƯ KHUÊ
Vic. Apost.