Lễ nhớ buộc

1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Lễ Thánh Gioan Kim khẩu được định vào 13 tháng 9, áp ngày qua đời, phù hợp truyền thống Giáo hội Antiochia. Thực thế, thánh nhân qua đời ngày 14 tháng 9 năm 407 tại Comane miền Pont, trên đường đi tới bờ Đông Biển Đen nơi phát vãn. Xác người ban đầu được đưa về Constantinople vào năm 438, về sau, theo truyền thuyết, đưa về Roma trong thế kỷ VIII.
Thánh Gioan Kim Khẩu sinh tại Antioche (Thổ Nhĩ Kỳ) vào khoảng năm 349, trong một gia đình công giáo quí tộc. Thân phụ, ông Secundus là sĩ quan. Thân mẫu Antousa là một phụ nữ đáng khâm phục : chồng qua đời lúc mới hai mươi tuổi, bà ở vậy lo việc giáo dục con trai và sẽ được tuyên phong thánh nữ. Gioan được hưởng một nền giáo dục tinh tế tại trường học giáo dục nổi tiếng Libanios , nhờ thế Ngài hòa hợp được văn hóa Hy lạp với Kitô giáo. Là thành viên cộng đoàn công giáo do Đức giám mục Mélèce phát động, Ngài được rửa tội năm 368 vào quãng mười tám tuổi. Nhập môn khoa chú giải Thánh Kinh của thầy Diodore de Tarse, Gioan nhận chức đọc sách, rồi phó tế năm 381, cuối cùng thụ phong linh mục năm 386 do Đức gíam mục Flavien. Từ 372 đến 378, Gioan đã sống sáu năm đời tu sỹ trong cảnh tịch liêu, gần Antiochia.
Sau khi thụ phong linh mục, Cha Gioan giảng ở Antiochia trong mọi trường hợp. Các bài giảng của Ngài vừa sống động vừa ngôn phong hoa mỹ làm cho Ngài nhanh chóng nổi tiếng ở đông Phương. Ngài ưu tiên giải thích Kinh thánh, áp dụng vào cuộc sống đời thường. Ngài tố cáo những lạm dụng, tấn công tật xấu các nhà giàu có, người quyền thế, bênh vực kẻ nghèo hèn. Dân chúng được Ngài chia sẽ niềm vui, khổ cực, nên yêu mến gọi Ngài là Kim Khẩu. Loạt bài giảng về các tượng thánh nhân dịp dân chúng Antiochia tức giận vì mạng cướp bóc, vùng dậy lật đổ các tượng thuộc gia đình hoàng gia, chứng tỏ nhiệt tình mục tử của Ngài không chấp nhận qúa khích, nhưng nương nhẹ và nâng đỡ dân chúng.
Néctaire qua đời, Jean Chrysostome, nhờ nổi tiếng, được công bố làm giáo chủ Constantinople, Tòa giám mục thứ nhất tại thủ đô phương Đông. Nhưng vị tuyên úy cung đình trước hết vẫn là tu sỹ và chủ chăn, nhà cải cách; thánh Gioan đả kích tật xấu, thói xa hoa, các lạc giáo, tệ bất công, vậy là Ngài bị chống đối quyết liệt. Hai bài giảng của thánh nhân về sự thất sủng của Entrope, nguyên bộ trưởng đầy quyền thế của Arcadius, là thành công tốt đẹp nhất của Ngài trong nghệ thuật thuyết giảng, chống lại tính cách hảo huyền của quyền lực nhân loại. Tuy nhiên đối với thánh Gioan thì đây là thời kỳ nhen nhúm sự chống đối và thù nghịch chỉ kết thúc bằng sự cô đơn và lưu đày của Ngài. Chạm tự ái vì một bài giảng về vấn đề xa hoa, hoàng hậu Endoxie cho đày thánh nhân lần thứ nhất đi Bithynie, có sự đồng lõa của Téophile, giáo chủ Alexandria qua Công đồng Chêne năm 403. Vừa tới nơi, có lệnh của hoàng đế và thư của hoàng hậu gọi Ngài về lại và người ta đón Ngài như kẻ chiến thắng. Tuy nhiên chỉ mấy tháng sau, Ngài lại phải bị lưu đày lần nữa đến Cucuse, sát biên giới Arménie, theo lệnh hoàng đế Arcadius. Thánh Gioan rời Constantinople ngày 20 tháng sáu năm 404. Sau hết năm 407, Ngài bị chuyển đến một nơi xa hơn, trên bờ Đông Biển Đen, tại Pityonte. Dọc đường, Ngài qua đời do kiệt sức vì cuộc hành trình. Trút hơi thở cuối cùng, Ngài nói : “Nguyện Chúa được tôn vinh trong mọi sự. Amen.
2. Thông điệp và tính thời sự
Các kinh nguyện trong thánh lễ đưa ra ánh sáng một số điểm đặc trưng trong cuộc đời thánh Gioan Kim khẩu.
a. Lời nguyện trong ngày nhấn mạnh “Tài hùng biện diệu kỳ” và “đức can đảm lớn lao” của thánh Gioan. Giáo lý do nhà giảng thuyết này (xứng đáng để Công đồng Chalcédoine công bố Ngài là tiến sỹ Hội thánh), được phát hiện qua số lượng tác phẩm rất nhiều – ở phương Tây chỉ thánh Augustin sánh bằng -, cũng như các bài giảng trong tư cách chủ chăn và bài dạy giáo lý dân chúng. Thánh Gioan Kim khẩu thường chú trọng nghĩa từ nguyên của bản văn Thánh kinh theo trường phái thần học Antiochia; trong các chú giải Kinh Thánh, Ngài để lại một di sản bao la gồm cả về Cựu và Tân Ước. Ngài đặc biệt yêu thích các thư thánh Phaolô, mỗi tuần Ngài đọc lại đến hai lần. bản chú giải thư gửi tín hữu Roma là tác phẩm tuyệt tác của Ngài. Về “đức can đảm lớn lao” của Ngài biểu lộ trong các thử thách, chỉ cần đọc các thư của Ngài. Bị phát lưu bất công, xa Giáo hội mình bằng vũ lực, trong khi ốm đau, thay vì trốn lánh đau khổ, Ngài xem đó như ơn Chúa : “Tôi bay lên vì vui, nhảy lên vì mừng, tôi sẽ để dành được một kho báu lớn” (Thư IX). Chúng ta cũng gặp dư âm đức can đảm anh hùng của Ngài trong bài giảng trước khi lên đường lưu đày năm 401 và phụng vụ bài đọc trích lại một đoạn: ” Tôi không sợ nghèo , không mong giàu ; tôi không sợ chết, cũng không thiết sống nếu không phải để giúp anh em tiến bộ. Bất kể nơi đâu Chúa muốn cho tôi, tôi đề chúc phúc nó”.
b. Lời nguyện trên lễ vật khuyến khích giáo dân “dâng hiến mình trọn vẹn” khi cử hành lễ Thánh thể, theo giáo huấn Thánh Gioan Kim khẩu. Chúng ta gặp lại giáo lý Thánh thể của Ngài trong các tài liệu chú giải Kinh Thánh, trong rất nhiều thư tín, nhưng nhất là trong cuốn luận về chức tư tế. Theo Thánh Gioan, việc dâng hiến mình đó đòi hỏi chúng ta phải được nuôi nấng bằng tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người : “Nếu được nhiệt tình thiêu đốt, chỉ cần một người đủ để cải tạo cả một dân tộc… Đức Kitô đang chết đói trước cửa nhà bạn… Hãy giải thoát Chúa khỏi đói, khỏi các nhu cầu, khỏi tù tội, trần truồng !” Cốt lõi sứ điệp và đường lối cơ bản trong hành động của Ngài chính là : thánh hóa đích thực hệ tại việc phục vụ tha nhân; qui luật vàng cho Kitô hữu là quên mình để đến với người khác.
c. Lời nguyện tạ lễ nhấn mạnh tư tưởng về việc làm chứng cho chân lý : “Lạy Chúa, xin làm cho việc rước lễ này biến chúng con thành chứng nhân trung thành cho chân lý”. Việc làm của thánh Gioan trước tiên là công việc một người đầy tớ trung thành với lời Chúa. Thực thế, trong cuốn Luận về chức tư tế, Ngài viết : ” Bạn không biết thân thể này (Giáo hội Chúa Ki-tô) bị nhiều tật bệnh, nguy hiểm hơn thân xác chúng ta sao ? Nhưng không kể các công việc, chỉ có một cách, một phương pháp chữa lành, đó là việc giáo huấn lời. Đó là dụng cụ, đó là lương thực, đó là bầu khí tốt nhất… cho dầu có phải tự thiêu đốt, dầu có phải bị chặt, bị chém, cứ phải dùng phương tiện đó” (IV, 3).
Qua sức mạnh của lời giảng, sự thánh thiện cuộc đời và công việc chủ chăn, thánh Gioan Kim Khẩu vừa là thầy, là cha tinh thần và nhà cải cách. Loan báo Tin Mừng mọi nơi mọi lúc, Ngài đã thành công trong việc đưa sứ điệp phúc âm nhập thể vào xã hội thời mình. Gương mẫu của Ngài thúc đẩy chúng ta, lời Ngài kêu gọi chúng ta : ” Nầy bạn, người thuần khiết, ít mạnh mẽ hơn nhưng thắng được người khác há chẳng tốt hơn điềm nhiên tọa thị mãi trên đỉnh nếu nhìn anh em hư mất sao ? (Bài giảng VI, 4).
ENZO LODI
(Lm hạt Xóm chiếu dịch)