Ngày 22/5: Thánh Đa-minh Ngôn – Giáo dân (1840-1862)

Từ tòa giám mục Bùi Chu, qua một sông đào nhỏ, ta đến xứ Liên Thủy, một xứ đạo sầm uất, có 4000 nhân danh hầu hết là có đạo. Trong thời bách hại, Liên Thủy là nơi trú ngụ chắc chắn của các vị truyền giáo. Đến thời bình an, ở đây là nơi tập trung đông các nữ tu, ba nhà dòng Mến Thánh giá, hai nhà dòng Thánh Đaminh, tất cả gồm 200 nữ tu. Nhưng Liên Thủy còn hiên ngang hơn nữa vì là quê hương của nhiều vị tử đạo trong số này có chân phúc Đa-minh Ngôn.

“Chúng con vun tưới, nhưng Chúa cho mọc lên”

Ông Đa-minh Ngôn là con ông bà Hoàng, một gia đình nông dân nghèo, vất vả lam lũ suốt ngày. Cậu Ngôn từ bé đã chăm chỉ làm việc và tỏ ra là người đạo đức vì nhờ cha mẹ sốt sắng, giáo dục con theo đường lối Phúc Âm, các con cái đều học biết lề luật Chúa. Tuy nghèo nhưng kinh, lễ, lại rất chu toàn. Việc đồng áng bận bịu quanh năm ngày tháng, nhưng ông bà thường nhắc nhở con cái câu này: “Chúng con vun tưới nhưng Chúa cho mọc lên”, vì thế trong gia đình lúc nào cũng yên vui, trông cậy.

Đến tuổi trưởng thành, cậu kết bạn với một thiếu nữ đạo đức trong làng. Hai vợ chồng hợp lòng ý theo một mục đích: “Thờ phượng Chúa, trông cậy Chúa, công việc chúng ta làm, Chúa sẽ ra tay trợ giúp”, vì thế gia đình ông Ngôn trở thành một gia đình gương mẫu trong xứ, được dân làng yêu mến. Dù thời cấm đạo ông cũng lo giáo dục con cái theo đúng lý tưởng của mình.

Ước mong cho những người làm khốn mình, nhận biết và yêu mến Chúa.

Đời vua Tự Đức cơn cấm đạo ngày càng gay gắt, nhất là vào năm 1861. Làng Liên Thủy cũng phải chung một số phận như các làng có đạo khác. Một hôm quan quân về vây làng bắt tất cả những người có đạo giải về phủ Xuân Trường. Ông Đa-minh Ngôn ở trong Số này, ít lâu sau ông cùng với ông Đa-minh Căn phải phát lưu đến làng An Xá, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Ở đây, ông phải chịu nhiều sự khốn khổ, lính canh đánh đập, lương dân sỉ vả tiếc róc nhưng lúc nào ông cũng vui vẻ, kiên nhẫn, cầu nguyện cho những người làm khổ mình, chịu đựng mọi sự với một ý hướng cao cả là muốn cho họ nhận biết và yêu mến Chúa như mình.

Qua thời lưu đày, ông lại phải điệu ra trước công đường, phải đánh đòn, tra tấn, dụ dỗ ép khoá quá, ông cương quyết không nao núng, chỉ trả lời: “Tôi không bỏ đạo”.

Không lay chuyển được ý chí của người nông dân tầm thường, quan tức giận kết án trảm quyết, quan có biết đâu những lời lẽ đanh thép của người ấy là những lời phát xuất từ thần linh Thiên Chúa. Nghe bản án, ông Đa-minh Ngôn vui mừng, cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ bạn thêm sức mạnh bước vào trận chiến cuối cùng. Trên đường đi xử, ông bình thản nét mặt hân hoan đến pháp trường là cánh đồng làng An Triêm, ông quỳ dâng mình làm của lễ hy sinh. Lý hình chém một nhát đầu ông rơi xuống đất còn linh hồn bay về nơi vĩnh phúc, hôm ấy là một ngày tháng 5-1862.

Ngày 29-4-1951, Đức Thánh Cha Pi-ô XII đã phong chân phúc cho ông Đa-minh Ngôn, và ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn ông lên bậc hiển thánh.

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top