Ngày 21/9: Thánh Tô-ma Trần Văn Thiện – Chủng sinh (1820-1838)

Chú Tô-ma Trần Văn Thiện sinh năm 1820 ở làng Trung Quán tỉnh Quảng Bình trong một gia đình đạo gốc sốt sắng, làm thợ may. Được giáo dục từ bé, cậu Thiện lớn lên ngoan ngoãn, biết sống như người trưởng thành, nói năng khôn ngoan, tránh xa những dịp tội lỗi.

Chị Ma-đa-lê-na Yến, nữ tu dòng Mến Thánh Giá biết cậu Thiện từ nhỏ đã kể lại rằng: “Chú Thiện có bà dì làm Bề trên tu viện Trung Quán, nên thường đến thăm dì. Đó là cậu bé thuỳ mị, xinh xắn, lễ phép, không cười nói to tiếng hay nghịch ngợm, reo hò ầm ĩ. Cậu khiêm nhường dễ dạy, khi có Cha đến làm phúc, cậu sung sướng vì được giúp lễ, và giúp đỡ Cha mọi công việc”.

Lên 9 tuổi, cha mẹ cho cậu học chữ Nho. Một hôm cậu theo dì đến họ Mỹ Hương xem lễ, ở đấy có nhiều Cha bản quốc. Các cha thấy cậu bé ngoan ngoãn sáng sủa đều hỏi cậu có thích đi tu không, cậu muốn lắm nhưng tính nhút nhát không dám nói.

Mấy ngày sau cậu nói với cha mẹ ý định của mình. Ông bà là người đạo đức nên bằng lòng ngay, thế là cậu Thiện lên đường đi xứ Kẻ Sen đến với Cha Chỉnh, ở đây cậu học chữ La-tinh để chuẩn bị vào chủng viện. Mấy năm sau được Bề trên gọi về chủng viện, đang khi cậu sửa soạn ra đi thì Cha Chỉnh qua đời. Cậu rất buồn vì mất Cha đỡ đầu, nhưng cậu vẫn tiếp tục theo đuổi lý tưởng của mình. Rồi một hôm, chị Sao là chị ruột cậu đưa cậu từ Trung Quán qua vùng đất đỏ đến chủng viện.

Di Loan

Tôi luyện trong trường đau khổ

Chú Thiện phấn khởi về trường với bao mơ ước hiến dâng tốt đẹp, nhưng Chúa Quan phòng có chương trình khác. Thấy chú đã xứng đáng, Chúa gọi chú vào trường đau khổ để được tôi luyện cho hoàn hảo hơn trước khi về với Chúa.

Hai chị em chú Thiện ra đi không biết việc bắt bớ gay gắt mới xảy ra. Lính được tung ra bao vây các ngả đường đi lên rừng rú, đi xuống vùng quê. Chị Sao đưa em đến làng Trà Lịn thì gặp chị nữ tu Yến. Chị dòng bỡ ngỡ đột ngột hỏi: “Hai chị em đưa nhau đi đâu trong lúc này?” Chú Thiện đáp rằng: “Có lệnh Bề Trên gọi tôi về chủng viện”. Chị Yến nói ngay: “Cha Bề Trên đi trốn rồi, không thể gặp được, tốt hơn là quay về nghe ngóng tình hình”. Chú Thiện băn khoăn trả lời: “Dù không gặp Cha bề trên tôi cũng phải đến Di Loan cho biết công việc thế nào. Bề trên gọi mình, chả nhẽ đã mất công đi đến đây lại quay về”.

Hai chị em rảo bước đến làng Di Loan, vào nhà trường thì gặp Cha Tư. Thấy Chị Sao và Chú Thiện, cha ngạc nhiên hỏi dồn: “Cha còn khó mà tìm cách trốn đi, sao con lại dẫn em đến đây để làm khốn Cha thêm”. Chị Sao đáp rằng: “ Thưa Cha có giấy Cha Bề Trên gọi nên dù gian nguy chúng con cũng phải đi”.

Sau hai ngày lính vây làng Di Loan không bắt được Cha Bề trên là Cha Căng-đan [1] (Kim) vì Cha đã trốn lên rừng, nên chúng bắt nhiều bổn đạo ở đây, trong số này có cả chú Tô-ma Thiện vừa đến.

Lính giải chú Thiện về nộp quan, quan mừng lắm nắm được dịp may vì chú Thiên là học trò Cha Căng-đan nên sẽ tra được cho ra Tây dương đạo trưởng đang trốn ở đâu. Quan hỏi chú rằng: “Quê mày ở đâu?”

 Chú mạnh bạo trả lời: “Quê tôi ở làng Trung Quân tỉnh Quảng Bình”. “Mày đến đây làm gì?” – “Tôi đến tìm thầy để học”. – “Mày có đạo không” – “Tôi có đạo từ bé, ông bà, cha mẹ tôi đều có đạo”. – “Ai dạy đạo cho mày? -“Cha mẹ tôi”.

Quan ra oai nói: “Trước mày dại dột không biết, mày theo tả đạo là đạo lường gạt thiên hạ, bây giờ biết rõ phải khóa quá, ta sẽ tha cho về học hành rồi sau làm quan”. Chú Thiện thưa rằng: “Đạo tôi dạy thờ Chúa là Đấng dựng nên trời đất muôn vật, tôi không thể bỏ được”. “Nếu mày không khóa quá, vua truyền chém đầu”. – Chú Thiện hăng hái đáp rằng: “Tôi sẵn lòng chết, tôi cương quyết không khóa quá”.

Quan tưởng Chú Thiện còn ít tuổi, sức yếu, chỉ doạ mấy lời là bỏ đạo ngay, không cần phải tra tấn, nên thấy chủ nói năng can đắm thì ngạc nhiên, nhưng quan vẫn dỗ ngọt để chú theo ý mình. Quan hứa rằng: “Nếu cậu bằng lòng khóa quá, ta sẽ gả con gái cho và giúp đường tiến thân lập nghiệp mai sau”. Chú Thiện đứng dừng nói rằng: “Tôi đã bỏ hết mọi danh vọng giàu sang trên đời, tôi chỉ cố tìm cho được hạnh phúc trên trời, nên từ phút sống đầu tiên tôi đã thuộc về Chúa và thờ phượng Chúa hết lòng”.

Quan tức giận vì chú khinh dể mình, truyền lính đánh chủ 40 rơi, máu chảy ướt hết quần áo. Dù đau đớn chú vẫn tươi tỉnh nói rằng: “Này các ông xem, máu tôi chảy ra vì Chúa tôi”.

 Quan truyền đóng gông và giam chú vào nhà ngục Quảng Trị. Ở đây chú không quen người nào nên không được ai tiếp tế cho. Trong ngục có nhiều tù nhân có đạo vì sợ đã khóa quá nhưng còn phải giam lại, vì quan có ý dùng họ để dụ dỗ những người cam đảm chứa khóa quá. Họ chê trách sỉ vả chú Thiện, cốt để chú khổ cực mà bỏ đạo. Nhưng chú vẫn bình thản ca ngợi Thiên Chúa và trung thành đến cùng.

Lần thứ hai ra công đường, quan khuyên chú nếu khóa quá, sẽ được tha ngay. Chú Thiện đáp: “Quan muốn làm gì thì làm, tôi bằng lòng chịu mọi khổ cực để danh Chúa được cả sáng”. Không còn cách nào nữa, quan lại cho giam chú chung với Cha Giắc-ca (1) (Phan).

 Chú Thiện rất vui mừng, vì được xưng tội, được nghe những lời an ủi, nâng đỡ để có thêm sức mạnh chống lại mưu mô, cạm bẫy.

Ít lâu sau các quan tưởng Chú Thiện đã nản trí vì phải khổ cực nhiều ngày, lại gọi chú lên bảo rằng: “Mày bỏ đạo đi, cha mẹ mày là người nước này, sao mày theo đạo người khác giống?” Chú Thiện thưa: “Cha mẹ tôi cũng theo đạo Gia-tô, nên tôi cố giữ lấy không thể bỏ được”. Quan bảo: “Mày còn ít tuổi, tương lai đầy hứa hẹn, hãy vâng lời vua đạp ảnh, rồi sau lại giữ đạo có hơn không?”. Chú Thiện cương quyết đáp rằng: “Tôi không khóa quá vì đó là tội nặng phạm đến Thiên Chúa”.

Quan tức giận truyền đánh chú dữ tợn, đang khi ấy chú chỉ kêu: “Lạy Chúa, xin Chúa thêm sức cho con được chịu khó bằng lòng”. Thấy chú vẫn vui tươi, quan thét lên: “Mày nhạo tao ư? Chịu khổ thế mà vẫn cười, sao không bỏ đạo?” Chú đáp rằng:“ Dầu chết tôi cũng giữ đạo”. Quan bảo chú: “Khóa quá, ta sẽ cho về với cha mẹ anh em, nếu không ta sẽ lên án tử hình cùng với Tây dương đạo trưởng. Chú Thiện thản nhiên trả lời: “Các quan cứ theo phép quan, tôi không khóa quá”. Biết không thể dụ dỗ nổi, các quan kết án chú phải xử giảo cùng với Cha Giắc-ca, rồi đệ án vào kinh.

Khát khao chờ mong ngày phúc lộc

Chú Thiện mừng rỡ chờ đợi ngày phúc lộc ấy, phải chờ lâu, chú thường nói với Cha Giắc-ca rằng: “Thưa cha, sao các quan để ta phải ở trong tù mãi? Sao không giết ngay, để cha con ta chóng được hưởng mặt Chúa”.

Chú viết thư từ giã gia đình và khuyến khích mọi người cố gắng giữ vững đức tin. Sau cùng ngày phúc lộc đã đến. Vua châu phê y án.

Buổi sáng ngày 21-9-1838, quan quân điệu Cha Giắc-ca và chú Thiện đi xử. Giữa đường, quan cho hai cha con nghỉ để ăn bữa cuối cùng như thói quen. Chú xin Cha Giắc-ca ăn một ít để lấy sức chịu khó. Cha từ chối, chú Thiện cũng không ăn.

Đến pháp trường Nhan Biểu, lính tháo gông xiềng cho Cha Giắc-ca và chú Thiện, tròng giây vào cổ hai người. Hiệu lệnh nổi lên, lính kéo hai đầu dây, chú Tô-ma Trần Văn Thiện gục đầu tắt thở, phó linh hồn trong tay Chúa. Để biết chắc chú đã chết thật, lính đánh vào gáy chú ba cái thật mạnh.

Xác chú chôn ngay ở nơi xử cho đến năm 1847 cải táng đưa về ở nhà nguyện Hội Truyền giáo Pa-ri.

Ngày 27-5-1900 Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc cho chú Tô-ma Trần Văn Thiện.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II lại tôn phong chú lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.


[1] Candalh

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top